Cuộc đua mới của Hậu Giang
DHG được coi là DN đứng đầu về quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu trong 6 DN kinh doanh ngành tân dược. Với lợi thế quy mô và mạng lưới phân phối rộng khắp cả nước bao gồm 12 Cty con, 24 chi nhánh và 20.000 đại lý, DHG cũng là DN có doanh thu lớn nhất. Quý 2/2014 doanh thu của DHG đạt 976 tỷ đồng - tăng 25,2% so với cùng kỳ, doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 1.704 tỷ đồng.
Tăng tốc trên sân nhà
Tính đến thời điểm cuối tháng 8, DHG ước chừng đã hoàn thành được 60% kế hoạch doanh thu năm 2014 (3.880 tỷ đồng). Với kết quả này, DHG tự tin sẽ sớm hoàn thành kế hoạch kinh doanh trong năm nay. Năm 2014 cổ phiếu của DHG đã tăng 15%, nâng giá trị vốn hóa lên 8.600 tỷ đồng. Doanh thu của DHG cũng tăng 20% lên 3.530 tỷ đồng so với năm ngoái.
Tháng 11 cuối năm ngoái, Dược Hậu Giang đã hoàn thành việc xây dựng nhà máy sản xuất dược phẩm mới để tăng gấp đôi công suất thiết kê. Đến cuối năm nay, DHG dự kiến năng lực sản xuất được nâng gấp đôi lên 9,5 tỷ đơn vị sản phẩm/năm khi hai nhà máy mới Non-Betalactam và Betalactam đi vào hoạt động.
Được biết, trong quý 3 năm nay, DHG sẽ đầu tư hơn 6 tỷ đồng cho dự án máy cầm tay hệ thống bán hàng (máy PDA) và hơn 52 tỷ đồng cho việc đầu tư phát triển hệ thống kho trung chuyển trung tâm vùng ở 3 khu vực chính là Hà Nội, Nha Trang và Đà Nẵng nhằm đảm bảo logistic, tiến tới mô hình phân phối hiện đại.
Ngành dược VN hiện có khoảng 178 DN sản xuất thuốc, trong đó 100 Cty sản xuất tân dược và 78 DN sản xuất Đông dược. Ngoài ra còn có khoảng 300 cơ sở sản xuất Đông dược và thực phẩm chức năng nhỏ lẻ. Bên cạnh khối nội, nhóm DN vốn nước ngoài cũng đã và đang mang lại làn gió mới cho ngành sản xuất dược trong nước. Tiêu biểu như Sanofi Aventis hay United Pharma, đều là những Cty đã đầu tư nhà máy sản xuất thuốc hiện đại tại VN. Chính tiềm năng phát triển cùng với tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây của ngành dược đã biến lĩnh vực kinh doanh này trở thành mảnh đất màu mỡ cho các nhà sản xuất cả trong lẫn ngoài nước.
Báo cáo mới nhất của Business Monitor Index cho thấy mức tiêu thụ dược phẩm tại Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng 16% vào năm ngoái. Với giá trị ước tính đạt khoảng 3,3 tỉ USD, hiện tại chi tiêu cho dược phẩm của người Việt chiếm khoảng 2% GDP.
Xét về tiềm năng, tính đến cuối năm 2013, mức tiêu thụ thuốc trên đầu người Việt mới chỉ khoảng 35 USD/năm. Con số này còn rất thấp nếu đem so với một số nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan (khoảng 70 USD/năm) hay Singapore (khoảng 150 USD/năm). Có thể nói, đây chính là cơ hội cho ngành dược khi thu nhập và mức chi tiêu của người dân được kỳ vọng sẽ tăng nhanh trong những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và tiềm năng, DHG cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Do chịu sự ảnh hưởng của Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC, trong đó, ưu tiên nhận mức giá thấp khi đấu thầu vào bệnh viện nên doanh thu từ hệ điều trị (ETC) của DHG đang có chiều hướng giảm dần, hệ thương mại hiện phải “chạy bù” doanh số cho phần hụt này. Do chiến lược sản phẩm đánh chủ yếu vào kênh OTC (hiệu thuốc nhỏ bán dược phẩm không cần toa bác sĩ), DHG phải đầu tư nhiều chochi phí bán hàng và marketing. Thêm vào đó, cũng chính vì nằm ở vị trí top đầu mà DHG chịu áp lực lớn từ sự cạnh tranh của các đối thủ cùng ngành cả trong và ngoài nước.
Hướng tới thị trường ngoại
DHG vừa công bố dự kiến mua lại 72,86% cổ phần của CTCP Dược phẩm Ánh Sao Việt (ASV Pharma) và kế hoạch phát triển nhà máy và kênh phân phối tại Myanmar với kỳ vọng là bước đệm giúp DHG gia tăng tỷ trọng xuất khẩu trong giai đoạn tới.
Theo Hiệp hội các nhà đầu tư VN vào Myanmar thì ASV Pharma là DN có giấy phép tham gia liên doanh đầu tư nhà máy sản xuất các loại thuốc kháng sinh, thuốc tiêm và dịch truyền với Cty Myanmar Entrepreneur Investment Group, có tổng mức đầu tư ước tính 20 triệu USD tại Myanmar. Chính vì vậy, “mối lương duyên” giữa DHG và ASV Pharma nếu được hợp thành sẽ tạo động lực lớn giúp DHG duy trì mục tiêu tăng trưởng đồng thời mở rộng thị phần xuất khẩu. Dù chưa công bố, song nguồn tin mới đây cho biết, hiện DHG đang đàm phán với một Cty địa phương tại Myanmar về khả năng liên doanh. Theo đó, DHG có thể rót 91 tỷ đồng đầu tư cho đối tác để sản xuất các sản phẩm tương tự tại VN.
Trước đó, vào năm 2007 - 2008, DHG cũng tìm được khách hàng Myanmar tại một hội chợ, sau đó đối tác này đã trở thành mối bán hàng đầu tiên của Cty sang thị trường này. Hiện DHG đã xuất được 10 mặt hàng dược phẩm sang Myanmar và dự kiến đăng ký thêm 15 mặt hàng dược phẩm khác với Bộ Y tế Myanmar để tiếp tục xuất qua thị trường này.
Những động thái này của DHG được các chuyên gia đánh giá là phù hợp với mục tiêu nâng tỷ trọng doanh thu từ xuất khẩu của hãng dược phẩm lớn nhất VN (tính theo vốn hóa thị trường) lên 25% trong vòng 5 năm tới. Việc này cũng diễn ra trong bối cảnh các cơ quan chức năng VN đang tiến hành nhiều biện pháp siết chặt việc bán thuốc mà không có kê đơn từ bác sĩ - một trong những nguyên nhân dẫn tới việc kháng thuốc kháng sinh trên phạm vi toàn cầu hiện nay. Hiện 78% thuốc kháng sinh tại VN được bán qua các hàng thuốc thông thường mà không có chỉ định của bác sĩ. Trong đo năm 2013, có tới 41% doanh thu của DHG chủ yếu đến từ thuốc kháng sinh.
Ông Đoàn Đình Duy Khương - Phó Tổng giám đốc Cty Cổ phần Dược Hậu Giang cho biết: Mặc dù xuất khẩu từ 10 năm nay nhưng doanh thu xuất khẩu của ngành dược không cao so với thị trường trong nước, chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ, có vài phần trăm. Trong những năm gần đây, ngành dược của VN đã nâng cao chất lượng lên rõ rệt, tạo được niềm tin với khách hàng trong và ngoài nước, từ tổ chức, giao dịch, cơ hội hợp tác, mối quan hệ đối tác nước ngoài… trong đó có DHG. Kế hoạch, chiến lược của năm nay và 5 năm tới của DHG là phát triển mạnh xuất khẩu, giới thiệu hình ảnh, thương hiệu của DHG đến bạn bè quốc tế. DHG đang nhắm đến một số thị trường nước ngoài có thu nhập, mức sống tương đồng với VN.
Tuy nhiên, con đường xuất ngoại của dược VN không trải toàn hoa hồng. Khó khăn đầu tiên phải kể đến là giá xuất khẩu của VN còn cao hơn các nước trong khu vực. Theo ước tính của nhiều chuyên gia, giá xuất khẩu của VN cao hơn Trung Quốc khoảng 20-25%. Một trong những nguyên nhân dược phẩm của Ấn Độ, Trung Quốc có giá cạnh tranh hơn là do các nước này không phải nhập khẩu nguyên liệu.
Bên cạnh đó là quá trình đăng kiểm sản phẩm còn gặp nhiều trở ngại. Muốn đưa sản phẩm sang các thị trường xuất khẩu, Cty phải gửi phiếu đăng ký, mẫu hồ sơ và mẫu sản phẩm sang kiểm nghiệm tại thị trường xuất khẩu. Thủ tục này có khi kéo dài đến 2 năm. Một Cty phân phối Hàn Quốc muốn làm đại diện phân phối độc quyền thuốc nhỏ mắt của một DN tại TP HCM đã hơn 2 năm nhưng vẫn chưa thể xuất khẩu do khâu đăng ký tại Hàn Quốc quá phức tạp...
Trên bình diện chung, Myanmar được coi là "miền đất hứa" với nhiều DN ngoại bởi nhiều tiềm năng phát triển. Hiện Myanmar cũng rất muốn thu hút các DN sản xuất, kinh doanh dược phẩm và trang thiết bị y tế VN đầu tư. Hiện nước này có 60 triệu dân nhưng chỉ mới có 5 nhà máy sản xuất dược và chỉ có 250 DN nhập khẩu và phân phối thuốc.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Linh, thuộc Phòng xúc tiến thương mại của Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP HCM (ITPC), DN VN thâm nhập chưa sâu thị trường này, vẫn chỉ ở mức nhỏ lẻ, manh mún. Hiện Trung Quốc và Thái Lan đã xuất được nhiều hàng hóa qua thị trường này, một phần nhờ giá rẻ và thuận lợi về địa lý. Tuy nhiên, Myanmar là thị trường nhỏ nhưng sự cạnh tranh ở đây cũng không kém khốc liệt về giá, với các mặt hàng của Thái Lan và Trung Quốc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'