Cuộc đua tranh giành thị phần của các hãng gọi xe công nghệ
Cách cư xử của kẻ độc quyền Grab
Nhiều tài xế Grab cho biết, họ bị đè nén quá nhiều nhưng phải cố gắng chịu đựng để chờ cơ hội mới, khi có nhiều ứng dụng gọi xe ra đời. Họ cho rằng bị đối xử quá bất công như chiết khấu tăng vô tội vạ, thậm chí khóa luôn tài khoản của tài xế mà không cần trao đổi trước. Trong thỏa thuận, phần chiết khấu đã có đóng thuế thu nhập cá nhân cho tài xế nhưng Grap không hề thực hiện như đã thỏa thuận, gây bức xúc cho nhiều tài xế.
Nhiều người cho rằng, cùng với động thái tăng giá thì việc buộc người dùng phải trả tiền ngay cả khi không dùng dịch vụ cũng cho thấy Grab đang chứng tỏ một mình một sân. Thời điểm ban đầu mới hoạt động tại Việt Nam, Grab được nhiều người cho rằng đó là hãng xe công nghệ giá rẻ, nhiều khuyến mại hấp dẫn, có nhiều khách hàng ưa chuộng. Nhưng có lẽ, đó là khi Grab còn đối thủ của Uber để cạnh tranh. Qua đây có thể thấy, Grap đang dần mất đi “thương hiệu” của mình trên thị trường Việt.
Trong một thông báo vừa phát đi, Grab Việt Nam chính thức áp dụng chính sách hủy chuyến đối với khách hàng. Theo đó, mức phí hủy chuyến áp dụng là 10.000 đồng một lần hủy. Phí huỷ chuyến sẽ được áp dụng khi khách hàng huỷ từ 7 chuyến trở lên trong vòng 1 tuần. Khi huỷ từ 6 chuyến trở lên trong vòng 7 ngày, người dùng sẽ nhận được yêu cầu liên kết thẻ tín dụng với Grabpay để có thể tiếp tục sử dụng dịch vụ.
Cuộc đua tranh bắt đầu nóng
Tưởng như mọi việc đã an bài khi Grab mua lại Uber và rời khỏi thị trường Việt Nam. Động thái này khiến nhiều khách hàng lo sợ Grap chiếm thế độc quyền sẽ phần nào đó ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Nhưng cuộc chiến ứng dụng gọi xe lại bắt đầu nóng lên với sự châm ngòi của một số hãng như: Xelo, Go-Jek, Aber, MVL, Go – ixe, Vato, Xeno… Dù thế nào thì sự đua tranh cũng sẽ khiến khách hàng được lợi nhiều hơn trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Trường Giang, nhà sáng lập ứng dụng gọi xe Xelo cho rằng, việc xuất hiện thêm các ứng dụng gọi xe mới không ảnh hưởng đến Xelo. Mỗi bên có chiến lược và phân khúc của mình. Khi đã tham gia thị trường, Xelo coi các bên tham gia là như nhau. Việc ra đời ứng dụng Xelo cũng nhằm cạnh tranh với các ứng dụng khác, để cho khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn.
Được biết, Xelo không đứng về một phía hãng xe nào mà có thể hỗ trợ cả taxi truyền thống và taxi công nghệ. Một số lái xe rất muốn có một ứng dụng mà ở đó họ không bị chèn ép, với một mức chiết khấu phù hợp. Xelo muốn xây dựng ra một nền tảng chung hỗ trợ cả truyền thống và công nghệ cùng tham gia và cạnh tranh tự do dựa trên đó. Tháng 2/2018 ứng dụng gọi xe công nghệ Xolo bắt đầu đưa ra thị trường. Sau gần 4 tháng, đã có 5.000 lái xe đăng ký ủng hộ, 12.000 khách trên toàn quốc tải app. Trong năm nay, Xelo miễn 100% chiết khấu cho lái xe. Từ năm 2019, Xelo sẽ thu chiết khấu, nhưng sẽ không vượt quá 15%.
Trong khi đó, ứng dụng gọi xe MVL tuyên bố sẽ không thu phí hoa hồng từ tài xế hay bất kỳ khoản phí gì từ người dùng. Người dùng chỉ phải trả một khoản phí nhỏ nếu thanh toán trực tuyến vì ứng dụng cần thanh toán phí dịch vụ cho các tổ chức thẻ tín dụng. Cũng vì khẳng định không có doanh thu từ hoạt động kết nối tài xế và người dùng, nên nhà sáng lập cho biết sẽ không đổ tiền làm khuyến mại, mà thu hút hành khách bằng giá cước ưu đãi và giá rẻ hơn để cạnh tranh với một số hãng khác.
Ông Nguyễn Văn Trinh (Tổng giám đốc - Go-ixe Miền Bắc) cho biết: Đến thời điểm này, hãng Go-ixe đã có khoảng hơn 10.000 xe, gồm cả ôtô và xe máy, hiện diện nhiều nơi như TP HCM, Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu, Bắc Giang, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Hưng Yên… Trong thời gian tới sẽ mở rộng ra thị trường Hà Nội. Ứng dụng gọi xe này thu hoa hồng tài xế thấp hơn Grab 5%, cước cũng thấp hơn 5% - 10%.
Ngoài ra, Go-ixe còn có nhiều chính sách phúc lợi cho tài xế nhằm tạo mối liên kết gắn bó lâu dài. Ứng dụng này có thế mạnh là chia sẻ với các đơn vị vận tải để cùng tham gia điều hành nhưng vẫn giữ được thương hiệu của họ. Mức cước cũng được tính linh hoạt theo từng đơn vị vận tải và từng địa phương.
End of content
Không có tin nào tiếp theo