Hi-tech

Cuộc thi Robocon: Bốn lần lỡ hẹn và niềm vui vỡ òa

Sau 4 lần liên tục lỡ hẹn, cuối cùng thầy trò trường ĐH Lạc Hồng cũng chạm tay vào chiếc cúp vô địch Robocon khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

 Cờ Việt Nam tung bay trên sân thi đấu ở Ấn Độ (ảnh lớn) và niềm vui vỡ òa của thầy trò trường Lạc Hồng

Thầy trò cùng khóc, những giọt nước mắt hạnh phúc đã rơi trước ống kính truyền hình quốc tế khi tên nước được xướng lên, cờ Việt Nam tung bay trên khán đài Nhà thi đấu Balewadi (tỉnh Pune, Ấn Độ) vào chiều tối ngày 24/8. 

 
Từ Ấn Độ, thạc sỹ Lâm Thành Hiển, Hiệu phó trường ĐH Lạc Hồng, Trưởng ban Phụ trách Robocon gọi về, nói: “Tôi thật sự xúc động khi các em đã chiến thắng ở trận chung kết. Khi bắt đầu tham gia sân chơi robot, Lạc Hồng không nghĩ đến thành tích mà chỉ vì đây là cuộc thi đem lại nhiều lợi ích cho sinh viên, phù hợp với mục tiêu đào tạo của nhà trường là học đi đôi với hành. 
 
Với việc tham gia cuộc thi một cách nghiêm túc, có đầu tư, trường đã liên tục vô địch trong nước nhiều năm liền nhưng khi tham gia giải quốc tế thì chỉ đạt giải nhì, giải ba nên chúng tôi rất khao khát giải vô địch. Và, giải vô địch năm nay đã giải cơn khát này. 
 
Tôi hạnh phúc khi cờ Tổ quốc tung bay trên đấu trường quốc tế và khi tất cả cổ động viên trong nhà thi đấu, không phân biệt màu da sắc cờ đều đứng dậy hô vang “Việt Nam”. Họ tâm phục khẩu phục bởi bản lĩnh thi đấu ngoan cường, công nghệ chính xác, tinh thần fairplay của sinh viên Việt Nam”.
 
Cuộc thi Sinh viên sáng tạo robot (Robocon) là sân chơi học thuật nghiêm túc, khoa học, có uy tín, thể lệ nghiêm ngặt, được tổ chức liên tục trong vòng 13 năm qua, do Hiệp hội Phát thanh Truyền hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương tổ chức. 
 
Có những quốc gia và vùng lãnh thổ mạnh về công nghệ tự động, điện tử đã tham gia ngay từ đầu như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan… nhưng cũng có những quốc gia sau này, vì thấy cuộc thi hấp dẫn nên mới mon men như: Nga, Mongolia, Nepal, Kazakhstan, Ai Cập… 
 
Việt Nam có mặt ngay từ ngày đầu, mà đại diện là ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) và đã đoạt ngôi vô địch, đấy là năm 2002. 
 
ĐH Bách khoa TPHCM lên ngôi vô địch năm 2004 và 2006. Từ bấy đến nay, 8 năm qua, ngôi vô địch thường rơi vào tay Trung Quốc, Nhật Bản, còn Việt Nam thì chỉ ngậm ngùi với giải Nhì hoặc giải Ba. 
 
Mặc dù là sân chơi sinh viên nhưng Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… đầu tư rất bài bản từ con người đến kinh phí. 
 
Mỗi lần sang nước ngoài thi đấu, họ kéo theo hàng trăm người, ngoài vận động viên là kỹ thuật viên, chỉ đạo viên cùng máy móc thiết bị hiện đại và đội ngũ báo chí hùng hậu. 
 
Thạc sỹ Lâm Thành Hiển cho biết, qua nhiều lần thất bại, lỡ hẹn với chiếc cúp vô địch, robot Việt Nam đã trưởng thành lên rất rõ, từ bản lĩnh thi đấu cho đến khả năng điều khiển công nghệ. Điển hình là trong cuộc thi lần này, trước 18 đội của 17 quốc gia và vùng lãnh thổ, duy nhất đội Việt Nam có tất cả các trận thắng tuyệt đối. Đặc biệt, trong trận đối đầu chung kết với Nhật Bản, Việt Nam phất cờ toàn thắng ở phút thứ 47/180 giây, đạt kỷ lục về thời gian ít nhất. 
 
Những lần lỡ hẹn
 
Tôi - người viết bài này có nhiều duyên nợ với Robocon. Tôi bắt đầu “theo” Robocon Lạc Hồng, đại diện Việt Nam đi thi đấu giải Robocon khu vực châu Á - Thái Bình Dương ở Ai Cập từ năm 2010. 
 
Từ bấy đến nay, như đến hẹn lại lên, liên tục Lạc Hồng là đại diện Việt Nam đi thi đấu tại Thái Lan, HongKong... và mỗi lần như thế, tôi cũng theo chân đội tuyển làm công tác báo chí. Cùng ăn cùng ở với các em với bao nhiêu kỷ niệm vui buồn nên tôi biết, các em, các thầy và cả cánh báo chí chúng tôi khát khao chiếc cúp vô địch biết bao. 
 
Mỗi lần theo Robocon ra nước ngoài tác nghiệp, anh em báo chí chúng tôi thường tự bảo nhau, mong sao Việt Nam vô địch để viết một bài to, gửi về tòa soạn cho thỏa. Chứ cứ giải Nhì, giải Ba hoài, chắc chỉ đưa… tin ảnh. Tiếc là, chuyến đi Ấn Độ đợt này, tôi rớt lại vào ngày cuối vì ốm.
 
 Và, giờ đây ngồi viết bài về các em, tôi phải online thường xuyên với thạc sỹ Lâm Thành Hiển - Hiệu phó ĐH Lạc Hồng, trưởng ban Robocon hiện đang còn ở Ấn Độ.
 
Thực ra, có những lần tưởng như Robocon Lạc Hồng đã chạm vào chiếc cúp. Năm 2010, các em đại diện Việt Nam sang tận Ai Cập thi đấu. Đến tận xứ sở châu Phi xa xôi, đoàn Việt Nam chỉ hơn 10 người gồm cả nhà báo. Sang chưa được bao lâu thì cả đoàn Việt Nam sốt tơi bời đến nỗi thi xong vòng nào, các em lại nằm la liệt ở hậu trường, đợi thi vòng sau.
 
Vậy mà, chiến thắng này tiếp nối chiến thắng nọ, Việt Nam cũng vào vòng chung kết, gặp Trung Quốc - đối thủ mạnh, liên tục vô địch thế giới nhiều năm liền. Hồi ấy, so về kinh nghiệm và thực lực thi đấu, ta không thể thắng Trung Quốc, đành ngậm ngùi nhận giải Nhì.
 
Năm sau, 2011, Robocon Lạc Hồng lại đại diện Việt Nam sang Thái Lan thi đấu. Thái Lan là nước láng giềng nên nhà trường đã tạo điều kiện tối đa cho cán bộ giảng viên, sinh viên sang ủng hộ đội nhà. Ước khoảng 300 cổ động viên có mặt tại Băng Cốc, với đồng phục màu cam nổi bật cả một góc nhà thi đấu. 
 
Lần ấy, đương kim vô địch Trung Quốc bị loại từ vòng đầu, Nhật Bản bị loại tại vòng tứ kết. Việt Nam vào bán kết gặp chủ nhà Thái Lan và với một tình huống nhạy cảm, Việt Nam đã bị xử thua, dừng lại ở giải Ba, nhường lại vị trí nhất nhì cho 2 đội Thái Lan. Buồn, có cổ động viên là cô giáo, khóc như mưa ở nhà thi đấu, trước ống kính truyền hình quốc tế.   
 
Năm 2012, sau một năm nghiên cứu, sáng tạo, rồi thi đấu từ cấp trường đến khu vực miền Nam và vô địch toàn quốc, Robocon Lạc Hồng lại tiếp tục đại diện Việt Nam có mặt tại Hồng Kong với biết bao hy vọng. 
 
Ta đã thắng như chẻ tre, từ vòng loại đến tứ kết, bán kết, vượt qua Nhật Bản vào thẳng chung kết và lại thua Trung Quốc. Năm 2013, Robocon Lạc Hồng lại thua ngay trên sân nhà (Việt Nam) trước Nhật Bản. Và lần này, ngày 24/8 tại Ấn Độ, thầy trò trường Lạc Hồng đã đòi lại món nợ trước đương kim vô địch Nhật Bản trong thế “tâm phục khẩu phục”. 
 
Ăn ngủ cùng robot
 
Sau mỗi giải quốc tế, gác lại vui buồn, về nước, các em lại vào mùa học mới. Những gương mặt vận động viên, có em bỏ đam mê, lên giảng đường để hoàn thành sự học. Nhưng đa số các em, khi đã lỡ gắn với “nghiệp” robot thì theo đến cùng. 
 
Tôi còn nhớ, mùa thi 2010 ở Cairo (Ai Cập), dù công nghệ của chúng ta chưa hoàn thiện, bản lĩnh, kinh nghiệm thi đấu ta chưa cao nhưng BGK và báo chí quốc tế hết lời khen ngợi con robot điều khiển bằng tay của đội tuyển Việt Nam do một sinh viên gầy nhom tên là Nguyễn Văn Thương điều khiển. 
 
Sau này, về trường Lạc Hồng tìm hiểu tôi mới được biết, Thương quê ở Long Khánh, Đồng Nai, là một sinh viên khá nhưng do mê robot, suốt ngày ở xưởng thực hành robot của nhà trường, có khi ngủ qua đêm ở xưởng nên bị lưu ban, chưa tốt nghiệp ra trường vì thiếu điểm vài môn học. 
 
Thương cùng với các bạn đã phải nhịn ăn nhịn tiêu, chạy xe máy lên tận chợ Nhật Tảo (TPHCM) để tìm kiếm những linh kiện điện tử về lắp ráp robot. Lần ấy, tôi đã mạnh dạn đề xuất với nhà trường làm thủ tục đặc cách cho Thương thi lại những môn em nợ. Kết quả, Thương đã được công nhận tốt nghiệp, được nhà trường giữ lại làm chỉ đạo viên cho những mùa thi năm sau. 
 
Và hôm đăng quang 24/8/2014, qua ảnh truyền về từ Ấn Độ, tôi đã thấy những giọt nước mắt của Thương - Giọt nước mắt của một chỉ đạo viên, người đam mê robot đến quên ăn quên ngủ. 
 
Theo Tiền phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo