Chân dung

Cuộc trường chinh chinh phục thiên nhiên

Dự án thủy điện Ngòi Hút 2 có tổng kinh phí đầu tư 1.337.460 tỉ đồng, với công suất lắp máy là 48 MW, sản lượng điện bình quân năm là 209 triệu kw/h. Công trình được đầu tư xây dựng trên dòng suối Ngòi Hút với diện tích 130 ha thuộc địa bàn xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.

Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Trần Huy Đức 

 

Với bao gian nan thử thách cùng thời gian, với nặng nhọc, mưa nắng và khó khăn của công trình, sau gần 4 năm nỗ lực vượt bậc của cán bộ, công nhân thuộc Công ty cổ phần – Đầu tư xây dựng và Phát triển Trường Thành (Hà Nội), trước tết Ất Mùi, cả 2 tổ máy của Nhà máy điện Ngòi Hút 2 đã phát điện và hòa vào lưới điện Quốc gia trong niềm vui vỡ òa của những người trong cuộc và cả đồng bào dân tộc vùng cao các huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải và huyện Văn Yên.

Những ngày đầu gian nan

 

Sáng sớm một ngày đầu xuân Ất Mùi, đúng như lời hẹn, chúng tôi cùng Doanh nhân Trần Huy Đức lên mục kích sở thị công trình Nhà máy thủy điện Ngòi Hút 2 tại xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái vừa hòa vào lưới điện Quốc gia được hai tháng.

 

Theo quốc lộ 32 qua cầu Trung Hà, huyện Ba Vì, sang Thanh Thủy, Phú Thọ đường chật hẹp và đang xuống cấp, nhiều đoạn gập ghềnh ổ trâu, ổ voi lên thị xã Nghĩa lộ, huyện Văn Chấn sang huyện Mù Cang Chải khá vất vả.

 

Chập choạng tối, chúng tôi cũng tới được Ban Quản lý dự án theo một con dốc dài cách trung tâm xã Tú Lệ, thuộc huyện Văn Chấn 4km. Nghỉ chân xong, chuyển xe Lăngcudơ để tiếp tục cuộc hành trình ngót 20 km đường cấp phối gập ghềnh ven vực sâu, núi thẳm để vào Nhà máy thủy điện Ngòi Hút 2, xã Nậm Có.

 

Kĩ sư Nguyễn Văn Trường, người được tham gia dự án từ ngày đầu tiên dẫn đoàn, rất vui vẻ và tự tin giới thiệu với mọi ngừơi về cuộc trường chinh làm Thủy điện Ngòi Hút 2 của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển Trường Thành, do Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Trần Huy Đức làm tổng chỉ huy.

 

Anh rất chậm rãi kể lại những kí ức của một người trong cuộc được tham gia từ những ngày đầu của dự án. Tháng 5, năm 2006, sau khi hoàn thành Thủy điện Suối Sập có công suất 14,5 MW thuộc huyện Phù Yên, Sơn La với hiệu quả kinh tế cao - là thủy điện tư nhân đầu tiên ở Việt Nam do doanh nghiệp xây dựng, khánh thành và đi vào hoạt động. Một mô hình thử nghiệm doanh nghiệp tư nhân tham gia làm thủy điện, khai thác tiềm năng thiên nhiên để phục vụ cuộc sống con người, đặc biệt là bà con các dân tộc vùng cao.

 

Đây là một cách làm hay, đầu tư ít, khi ngân sách Nhà nước còn khó khăn, thì việc năng động sáng tạo để xã hội hóa xây dựng các công trình ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, tạo cơ hội xây dựng nông thôn mới mang ý nghĩa xã hội sâu sắc là việc làm rất đáng trân trọng. Những ngày đầu năm 2008 mang ý tưởng xây dựng thủy điện ở đây đi khảo sát thực địa để lập đồ án thiết kế quả là nhọc nhằn vất vả.

 

Giữa một vùng núi vực sâu, vách đứng xuất hiện dấu chân của đoàn khảo sát do Doanh nhân Trần Huy Đức dẫn đầu. Cứ theo sơ đồ địa hình để phát cây, dò đường mở tuyến, tìm vị trí tụ thủy của nhiều triền núi để lựa chọn vị trí đắc địa xây đập. Gần hai năm trời có hơn chục con người cứ thay nhau cơm nắm, ngủ rừng khảo sát, vẽ sơ đồ và xây dựng phương án ngăn dòng chảy và báo cáo với Ủy ban nhân dân tỉnh, cùng các ngành liên quan tỉnh Yên Bái, góp ý và chuẩn y cho xây dựng Thủy điện Ngòi Hút 2 là một việc làm rất gian nan và cực nhọc.

 

Mỗi lần thông qua dự án, tư vấn thiết kế bổ sung phướng án, Hội đồng tư vấn cho ý kiến khác, tranh luận và hoàn chỉnh là những lần căng thẳng giữa những quan điểm trái ngược giữa thực tiễn và lý thuyết và rồi cũng có hồi kết. Doanh nghiệp thì báo cáo rất cụ thể và tự tin, nhưng mỗi lần đưa các ngành đi thăm thực địa để quyết định đầu tư, thì lại là một lần ngân hàng chưa tin tưởng vào dự án. Vì thế việc huy động vốn cho công trình cực kì gian nan vất vả. Những năm đầu sau khi dự án được tỉnh đồng ý, thì việc huy động vốn là một thách thức rất lớn.

 

Thời điểm ấy, nền kinh tế cả nước đang gặp muôn vàn khó khăn, hàng chục nghìn doanh nghiệp đang phá sản và đình trệ. Thủy điện ở một vùng sâu, vùng xa như thế này liệu có khả thi, hay sau khi ngân hàng cho vay thì chính doanh nghiệp là con nợ lớn của ngân hàng? Để có thêm kinh phí cho công trình, Tổng Giám đốc Trần Huy Đức phải vận động cả em trai là Trần Huy Thiệu đang là chủ các công trình xây dựng tại Sơn La về trợ giúp, làm chỉ huy công trình và tập trung huy động vốn, kể cả vay lãi cao của bạn bè, người thân, miễn là có đủ tiền để tập trung cho thi công dự án.

 

Kể đến đây, Kĩ sư Nguyễn Văn Trường cứ lắc đầu ngán ngẩm. Lúc ấy nhìn TGĐ Trần Huy Đức mà thương ông vô cùng, vì chưa vay được tiền ngân hàng, trong khi hàng trăm công nhân lao động sắp tới ngày nhận lương...

 

Cuộc trường chinh chinh phục thiên nhiên

 

Để phục vụ thi công Nhà máy thủy điện này, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển Trường Thành phải mở mới 20 km đường nối từ Quốc lộ 32, tại địa phận xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn vào Nhà máy; xây dựng cầu vượt suối Ngòi Hút; đắp vai đập đầu mối của công trình, đồng thời xây dựng 15 km đường chuyển tải điện 110 KV từ Quốc lộ 32 nối vào nơi thi công công trình. Rồi 2 giếng chứa nước thẳng đứng gần 100m và hơn 10 km đường hầm xả nước…

 

Tổng mức đầu tư 1.337,460 triệu đồng, trong đó vốn vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam trên 622.000 tỷ, vay từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam trên 172.000 tỷ đồng và vốn tự có trên gần 400 tỷ đồng. Tổng công suất Nhà máy là 48 MW, khởi công tháng 8 năm 2010, do Công ty Cổ phần Trường Thành làm chủ đầu tư và Công ty TNHH Trường Thành, Sơn La là nhà thầu thi công.

 

Công trình trải dài gần 20km trên địa bàn 3 xã là Tú Lệ, Nậm Có và Phong Du Thượng. Với tổng khối lượng công việc rất lớn, lại thi công trong điều kiện khó khăn, phải xây một đập dâng 47m, ngăn dòng suối Hút tạo một hồ chứa nước có dung tích hơn 4 triệu m3, đào hầm dẫn dòng xuyên núi đá đen dài hơn 11km với đường kính 3,6m, để dẫn cột nước cao 365 m, sinh nguồn năng lượng quay hai tổ máy lớn để phát ra nguồn điện 48MW.

 

Trước một dự án rất phức tạp, đã có nhiều người bạn khuyên Trần Huy Đức: “Ông ơi, giữa lúc kinh tế suy thoái, có biết bao doanh nghiệp đã tìm đường ra đi. Trong khi trong tay ông có tới hàng trăm tỷ, bỏ tiết kiệm cũng đã tiêu không hết rồi, sao phải lên tận Mù Cang Chải để làm điện. Ông có mạo hiểm trước bài toán cuộc đời hay không?”.

 

Còn Trần Huy Đức lại nghĩ khác. Anh ít nói nhưng nghĩ nhiều, cái nghĩ từ trái tim sâu thẳm nhưng rất chín, nên ít người biết ý tưởng của anh. Cũng vì nhiều năm anh làm giao thông, thủy lợi trên các nẻo đường của tỉnh Sơn La, nên anh trăn trở day dứt cái khổ, cái nghèo của đồng bào vùng sâu, vùng xa.

 

Đời doanh nhân là thế, cái Tâm và cái Tầm cùng với Tiềm lực, 3 yếu tố ấy đã hun đúc ý chí của anh trong suốt cả gần 40 năm bươn chải thương trường và bây giờ anh đã có kinh nghiệm, có ý chí và có tiềm lực. Vì thế không ai ngăn được và tiếp tục dấn thân làm Thủy điện Ngòi Hút 2 đầy gian nan và thách thức. Trần Huy Đức giao toàn bộ việc chỉ huy thi công cho Trần Huy Thiệu đảm nhiệm và cuộc trường chinh cũng bắt đầu.

 

Tháng 8-2010 mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất. Việc đầu tiên là làm mới tuyến đường dài 20km, qua suối sâu, núi cao, vực thẳm hun hút, tiếp theo là kéo đường điện thi công 35 KVA dài 20km đồng thời đào hầm xuyên núi 10 km... Kĩ sư Nguyễn Văn Trường như gai người nhớ lại những hạng mục anh cùng đồng đội đã chịu đựng muôn vàn gian khổ để vượt qua. Cũng thật tiếc là trong những năm tháng ấy, em không ghi lại nhật kí những ngày gian khổ ấy để lưu truyền cho con cháu. Trường nói với tôi trong tiếc nuối. Rồi anh nhẩm tính, chỉ riêng khối lượng đào đất đá và vận chuyển của tuyến năng lượng đã lên tới 130 triệu m3.

 

Để đảm bảo thời gian, phương án được triển khai áp dụng là mở hầm từ 5 vị trí khác nhau, để đào liên tục suốt hơn hơn 1000 ngày đêm không hề ngừng nghỉ. Cứ ngày nối ngày như thế, hơn 4 năm qua, hàng trăm cán bộ kĩ sư, công nhân kĩ thuật làm việc liên tục với tinh thần lao động quên mình vì nguồn sáng cho đồng bào các dân tộc nơi đây. Thời điểm cao nhất trên công trường có tới hơn 400 lao động, hàng chục ô tô, 15 máy công trình và các phương tiện thi công khác.

 

Doanh nhân Trần Huy Thiệu trực tiếp chỉ huy thi công cho biết, tranh thủ từng ngày làm việc với năng suất cao là sớm đưa dòng điện phục vụ đồng bào và cũng chính là giảm thiểu tối đa chi phí cho dự án, và khẳng định dự án này được ngân hàng đầu tư đã có hiệu quả cao.

 

Từ những trăn trở và quyết tâm ấy, kể cả những ngày vui Tết độc lập, cán bộ kĩ sư và công nhân đều rất vui vẻ ở lại ăn Tết tại công trường. Những tháng ngày gian nan và vất vả như thế, đã mang lại một kết quả ngoài sức tưởng tượng, đó là sau 4 năm, cả 2 tổ máy đều phát điện hòa vào dòng điện Quốc gia với công suất 48 MW. 

 

Ước mơ từ bao đời của đồng bào vùng cao thành hiện thực

 

Giờ cao điểm, khi kíp công nhân trực bấm nút, cả 2 tổ máy rền vang, cũng là lúc chúng tôi chứng kiến dòng điện hòa vào lưới điện Quốc gia bừng sáng.

 

Cùng kĩ sư nguyễn Văn Trường và cán bộ kĩ thuật trực ca hôm ấy, ai nấy đều thật tự tin và không giấu nổi niềm vui. Trường nói với tôi: “Sau 4 năm làm thủy điện Ngòi Hút, những người thợ chúng cháu đã trưởng thành rất nhiều. Đến nay đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ và các phương tiện thi công hiện đại, nhà thầu Việt Nam có khả năng đảm nhiệm thi công được các công trình có quy mô lớn. Nếu bây giờ cháu được tham gia thi công, hoặc được tham gia đoàn kiểm tra bất cứ thủy điện nào cháu khẳng định rằng, cháu cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 

Với sản lượng điện hàng năm trên 200 triệu KWh điện, giá trị sản xuất công nghiệp sẽ đóng góp mỗi năm hơn 200 tỷ đồng và nộp ngân sách Nhà nước mỗi năm 35 tỷ, tạo việc làm ổn định cho hơn 40 lao động. Một điều thật lý thú khi chúng tôi rời Thủy điện Ngòi Hút 2 trên dọc tuyến đường gần 20 km cấp phối đã thấy rải rác đồng bào dân tộc Mông sửa đường xuống núi để dựng nhà, làm nương.

 

Trong niềm vui ngôi nhà tạm vừa khánh thành tuy còn đơn sơ nhưng vừa cõng con trên lưng, chị Giàng A Dua, bản Đá Đen, xã Nậm Có, nói tiếng kinh chưa sõi rất vui tâm sự: “Mình mừng quá, điện về, bà con mình không ở trên cao nữa, xuống gần đường sống vui hơn, làm nương không phải leo những ngọn núi cao như trước nữa…

 

Rồi đây bà con dân tộc vùng cao thuộc 3 xã Tú Lệ (Văn Chấn), Nậm Có (Mù Cang Chải), và Châu Quế Thượng (Văn Yên) sẽ dần dần xuống núi để định canh, định cư, cuộc sống của họ sẽ được đổi thay và ánh sáng văn minh từ dòng điện sẽ mang lại hạnh phúc cho từng hộ gia đình, cho từng bản làng hẻo lánh mà ngàn đời họ hằng mơ ước.

Quang Minh - Văn Chiến
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo