Cuộc truy kích máy bay Pháp trên bầu trời Điện Biên Phủ
Từ lúc bắt đầu chiến dịch, thay vì nghiền nát quân đội non trẻ Việt Nam, công việc chính của không quân Pháp lại là đếm xác máy bay bị bắn rơi.
Kỳ 1: Ký ức hào hùng của người cựu binh pháo cao xạ
“Phòng không cao xạ của ta/ Lần đầu xuất trận như là thần tiên/ Đoàn Ba sáu bảy không quên/ Vẫn còn mãi mãi trong thiên sử vàng...”. Những câu thơ giản dị và khí thế vẫn luôn được ông Phạm Đức Cư (xã Thanh Xương, TP. Điện Biên Phủ), cựu chiến binh Điện Biên Phủ cất lên mỗi khi gặp lại đồng đội cũ, hay gặp gỡ những nhà báo, nhà văn. Ký ức hào hùng của một thời “Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo” mà ông kể lại đã mang đến cho tôi nhiều cảm xúc cùng sự tri ân, tự hào về tinh thần chiến đấu kiên cường của những người lính Điện Biên.
Chiến thắng Điện Biên Phủ dù đã qua đi 60 năm, những ký ức về 56 ngày đêm gian khổ "mưa dầm cơm vắt", nhưng oai hùng, dường như vẫn còn hiện hữu trước mắt người lính già này.
Ông Phạm Đức Cư là tham mưu tác chiến của Tiểu đoàn 394, Trung đoàn Pháo cao xạ 367, Binh chủng Pháo binh. 60 năm trước, tiểu đoàn 394 và 383 là 2 tiểu đoàn được lệnh kéo pháo vào bên trong lòng chảo Mường Thanh, tiếp cận và khống chế địch trên vùng trời Điện Biên. Đây là lần đầu tiên ra trận của những người lính cao xạ sau khi Binh chủng Pháo binh được thành lập ngày 1/4/1953.
Sự xuất hiện của pháo cao xạ tại chiến trường Điện Biên đã thực sự giáng cho quân đội thực dân Pháp một đòn bất ngờ và đóng góp không nhỏ vào thắng lợi của chiến dịch này.
Tuy mới lần đầu tiên ra trận, thiếu thốn trăm bề, nhưng bằng ý chí, nghị lực sắt đá, cùng phương pháp tác chiến linh hoạt, những người lính pháo binh đã khiến những “tháp pháo” khổng lồ trên không tan xác, là nỗi khiếp đảm cho không lực Pháp.
Việc sống còn của quân đội Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ phụ thuộc phần nhiều vào không quân. Khi lực lượng này bị vô hiệu hóa thì con đường dẫn đến diệt vong khó tránh khỏi.
Hơn hẳn đối phương một binh chủng (không quân), quân đội Pháp tự tin sẽ nghiền nát được trận địa của quân đội Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ bằng những “pháo đài bay”. Nhưng từ lúc bắt đầu chiến dịch, thay vì nghiền nát quân đội non trẻ Việt Nam, thì công việc chính của không quân Pháp lại là đếm xác máy bay bị bắn rơi hàng ngày.
Trong cuốn “Điện Biên Phủ: Một góc địa ngục”, tác giả Bernard B Fall đã gọi cuộc chiến trên bầu trời Điện Biên là “cuộc tàn sát máy bay”. Minh chứng rõ nhất là con số 62 máy bay bị bắn rơi, 186 máy bay bị trúng đạn dẫn đến hư hỏng nặng.
Nhớ lại những ngày tháng hào hùng 60 năm trước, ông Phạm Đức Cư hào hứng như sống dậy một thời trai trẻ.
Ông cho biết, lúc đó đơn vị mới thành lập, pháo mới tiếp nhận, bao gồm 2 tiểu đoàn trang bị 24 khẩu pháo cao xạ M1939 - 37mm do Liên Xô sản xuất. Ông Cư cùng đồng đội được cử sang Trung Quốc học chiến thuật, kỹ thuật sử dụng pháo cao xạ. Tháng 11/1953, Đảng ủy Trung đoàn quyết định đưa hai tiểu đoàn huấn luyện xuất sắc về nước tham gia chiến dịch Trần Đình (mật danh của chiến dịch Điện Biên Phủ). Tháng 12/1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ thị cho Trung đoàn pháo cao xạ 367 tham gia chiến dịch.
Trước đó, quân Pháp đã nhảy dù, xây dựng lòng chảo Điện Biên Phủ thành 3 cụm cứ điểm chính là phân khu bắc gồm Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo; phân khu trung tâm ở cánh đồng Mường Thanh và phân khu Hồng Cúm. Chúng huênh hoang rải truyền đơn thách đấu.
Các chiến sỹ pháo cao xạ được lệnh hành quân lên Tây Bắc. Phải rất vất vả và gian khổ quân ta mới kéo được 24 khẩu pháo, mỗi khẩu nặng 2,4 tấn lên Điện Biên. Để kéo được một khẩu pháo, cần tới 80-100 người. Việc kéo pháo đều phải bằng sức người, vì không có đường kéo bằng xe. Đường rất hẹp, dốc, có những nơi độ dốc tới 45-50 độ, nên cực kỳ gian khổ.
Từ điểm tập kết Nà Nhạn (cách tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ 13km), 2 tiểu đoàn được lệnh kéo vào lòng chảo Mường Thanh xây dựng trận địa.
Khác với pháo đánh mục tiêu mặt đất (xây dựng trận địa trên đồi cao ở Điên Biên), pháo cao xạ phải lập trận địa ở dưới thấp và bằng phẳng (vì bắn mục tiêu trên không).
Có hai nhiệm vụ chính của các đơn vị pháo cao xạ trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ cho bộ binh ta bao vây, tiêu diệt các cứ điểm, thì pháo cao xạ được lệnh để tiêu diệt càng nhiều máy bay địch càng tốt.
Hai tiểu đoàn kéo pháo vào từ Nà Nhạn, sau đó phát triển cắt ngang Hồng Cúm, vòng vây khép kín dần. Những khẩu pháo cao xạ được bố trí như hình cánh cung, 2 tiểu đoàn ở phía đông, tây gom lấy lòng chảo Điện Biên, ôm lấy chiến trường, dựng thành lưới lửa phòng không.
Ông Cư cũng như các đồng đội phải liên tục cơ động, xây dựng trận địa. Hôm nay ở trận địa này mai ở trận địa khác.
Trong cuốn “Điện Biên Phủ chuyện kể với bạn bè”, nhà nghiên cứu quân sự, Đại tá Trần Trọng Trung viết: “Dựa theo sách vở đã học, anh em báo cáo với cấp trên: trong 8 điều kiện cần có để chọn trận địa cao xạ thì ở Điện Biên này thiếu mất 7, chỉ còn một điều kiện là “không gần đường dây điện cao thế!”.
60 năm trước, những ụ pháo cao xạ, trận địa pháo đơn sơ đã ra đời trong những điều kiện hết sức ngặt nghèo như thế. Tuy nhiên, cũng kể từ đấy, bá chủ mới trên bầu trời Điện Biên Phủ đã xuất hiện, là nỗi kinh hoàng của máy bay Pháp, đồng thời bóp nghẹt yết hầu của "con nhím Điện Biên Phủ".
VTC News
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo