Cuối năm, dòng tiền có “chảy”?
Nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất được phía ngân hàng đưa ra thị trường, song tăng trưởng dư nợ cũng chỉ mới vượt qua 1%. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% dù còn xa, nhưng các ngân hàng vẫn kỳ vọng đạt được.
Lãi suất giảm, tín dụng 5 tháng vẫn ì ạch
Ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, hoạt động tín dụng những tháng gần đây tuy có cải thiện, nhưng vẫn khó khăn. Tăng trưởng dư nợ tín dụng của NamA Bank tính từ đầu năm đến nay mới đạt khoảng 2.000 tỷ đồng (tương đương mức tăng xấp xỉ 30% so với đầu năm). Tuy nhiên, nếu xét về con số tăng trưởng tuyệt đối của NamA Bank hiện vẫn khá khiêm tốn, vì quy mô của Ngân hàng còn nhỏ. Kế hoạch đến hết năm nay, tín dụng Nam A Bank đạt mức tăng 5.000 tỷ đồng.
Vì thế, Nam A Bank tiếp tục xây dựng các chương trình kết nối với DN để cùng nhau tháo gỡ khó khăn và khơi thông nguồn vốn. Ngày 26/6, NamA Bank đã phối hợp của UBND quận 1, TP. HCM hỗ trợ nguồn vốn 390 tỷ đồng cho các DN trên địa bàn, với lãi suất dao động từ 7 - 9%/năm. Theo ông Tâm, với những người cần vốn, nhất là DN trong bối cảnh hiện nay, lãi suất không còn là rào cản, mà quan trọng là đầu ra của sản phẩm có thông suốt thì nhu cầu vốn mới tăng.
So với các nhà băng khác, Sacombank có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn, do có lợi thế về cho vay phân tán, nhỏ lẻ. Theo ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank, tăng trưởng dư nợ của Ngân hàng đến nay đạt khoảng 7% so với mục tiêu 15% cả năm. Trong khi, từ đầu năm đến nay, Sacombank đã triển khai 13 gói cho vay ưu đãi trị giá 23.750 tỷ đồng và 120 triệu USD. Riêng với chương trình kết nối ngân hàng – DN, Sacombank đã dành 1.524,7 tỷ đồng và 2 triệu USD cho vay ưu đãi DN tại 18 quận huyện và các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TP. HCM, Khánh Hòa và Đắk Lắk.
TPBank cũng vừa triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng, tài trợ 90% khoản phải thu, lãi suất chỉ từ 8%/năm đối với VND hoặc 3,2%/năm đối với USD cho các khoản vay ngắn hạn (lãi suất cố định 6 tháng), trung và dài hạn (lãi suất cố định tối đa 12 tháng).
Trong hơn 5 tháng đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh giảm các mức lãi suất, nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN, khơi dòng tín dụng. Lãi suất đối với lĩnh vực ưu tiên chỉ còn 7 - 8%/năm; lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 9 - 10,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 11 - 12,5%/năm đối với cho vay trung và dài hạn… Thế nhưng, số liệu từ NHNN cho thấy, đến cuối tháng 5/2014, tín dụng toàn ngành cũng chỉ mới tăng 1,51%, trong khi mục tiêu cả năm 12 - 14%.
Kỳ vọng cải thiện vào cuối năm
6 tháng đầu năm nay, NHNN TP. HCM cũng triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN bên cạnh việc giảm lãi suất… Trong đó, với chương trình kết nối ngân hàng – DN, tổng số tiền giải ngân đạt gần 13.616 tỷ đồng. Chương trình bình ổn thị trường năm 2014 đến nay đã cấp tín dụng cho 17 DN và 1 liên hiệp tác xã, với hạn mức gần 1.750 tỷ đồng (trong tổng cam kết 8.300 tỷ đồng) và dư nợ đạt hơn 317 tỷ đồng. Ngoài ra, với chương trình tháo gỡ khó khăn cho các DN thông qua danh sách do Sở Công thương, Hepza gửi đến, NHNN TP. HCM cũng đã đề nghị các NHTM xem xét và đã có 48/129 DN được vay.
Thế nhưng, tăng trưởng tín dụng của các NHTM trên địa bàn Thành phố vẫn ì ạch. Theo số liệu thống kê của NHNN Chi nhánh TP. HCM, đến thời điểm này, tín dụng mới tăng 1,32% so với cuối năm 2013. Tín dụng còn tăng trưởng chậm trong những tháng qua một phần cũng do rào cản nợ xấu, sức khỏe của cộng đồng DN chưa được cải thiện nhiều nên nhu cầu vốn không tăng.
Lãnh đạo các nhà băng kỳ vọng tín dụng sẽ dần được cải thiện trong nửa cuối năm còn lại. Tại OCB, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng OCB nhận được cả năm nay là 10%, nhưng lãnh đạo nhà băng này cho biết, sẽ phấn đấu đạt mức tăng trưởng khoảng 25%, nhất là ở những tháng cuối năm khi nhu cầu vốn của DN tăng, cho vay ra từ đó sẽ tốt hơn hiện nay. Ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc Nam A Bank thì biết, Nam A Bank sẽ xin NHNN tăng “room” tín dụng, với kỳ vọng cuối năm tăng gấp đôi hiện nay.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho rằng, so với cùng kỳ 2 năm trước, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn hiện nay không phải thấp, vì thế, tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố có cơ sở để đạt mức tăng trưởng 12-14% trong năm nay. Đặc biệt, thông qua các giải pháp kết nối, tháo gỡ khó khăn cho DN đã sàng lọc được khách hàng tốt để cho vay.
Theo Đầu tư Chứng khoán
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
FID báo cáo sai khoản lỗ
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT
Cột tin quảng cáo