Pháp luật

Cuối năm hàng giả, hàng nhái không ngừng gia tăng

Cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng trên thị trường tăng cao. Lợi dụng sự biến động về sức mua của thị trường, hoạt động buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại không ngừng gia tăng.

Ông Trần Hùng - Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương

Đó là trao đổi của ông Trần Hùng, Phó cục trưởng Cục QLTT, Bộ Công Thương về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng giai đoạn từ nay đến tết nguyên đán 2013

 
PV: Giai đoạn giáp tết là thời điểm nạn buôn lậu hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thường gia tăng và phức tạp, cho đến thời điểm hiện tại tình hình buôn lậu hàng giả hàng nhái trên thị trường ra sao thưa ông?
 
Ông Trần Hùng: Cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng trên thị trường tăng cao. Lợi dụng sự biến động về sức mua của thị trường, hoạt động buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại không ngừng gia tăng. Hiện nay trên thị trường đã có dấu hiệu gia tăng nhiều mặt hàng giả như quần áo may sẵn, mũ bảo hiểm, sữa, bánh kẹo, rượu …
 
Tính đến thời điểm hiện tại, các lực lượng chức năng đã phát hiện gần 24.800 vụ buôn lậu, buôn bán vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu với trị giá trên 330 tỷ đồng. Trong đó, đã bắt giữ gần 4 triệu bao thuốc lá nhập lậu các loại; phát hiện, xử lý gần 33.000 vụ gian lận thương mại, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (tăng 188 vụ) so với cùng kỳ năm 2012. 
 
Ngoài ra, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cũng là một trong những “điểm nóng” trong công tác chống hàng giả, hàng nhái. Theo thống kê của Cục QLTT, hàng xâm phạm SHTT có xu hướng gia tăng, tính đến tháng 9- 2013 đã phát hiện xử lý 6.000 vụ, trị giá hơn 20 tỷ đồng. Trong đó, mỳ chính tăng 750.000 gói, máy tính cầm tay tăng 651 chiếc, mũ bảo hiểm tăng 59.000 chiếc ...
 
PV: Việc xuất hiện nhiều hàng giả, hàng nhái như vậy ảnh hưởng như thế nào đến người dân và doanh nghiệp?
 
Ông Trần Hùng: Khi mua trúng hàng giả, người tiêu dùng không những không nhận được giá trị sử dụng hàng hóa tương xứng với số tiền bỏ ra mua, mà hàng giả còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Về phía những doanh nghiệp làm ăn chân chính, thì sự xuất hiện của hàng giả đã làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của công ty. Không ít người tiêu dùng dù đứng trước hàng thật, nhưng vẫn hoài nghi vì trước đấy đã mua phải hàng giả. Mức độ nguy hại của hàng giả đối với xã hội là không thể đong đếm được. Vì thế chống hàng giả luôn được đặc biệt quan tâm. 
 
PV: Trước thực trạng trên Cục QLTT đã có kế hoạch gì từ nay đến cuối năm để kiểm soát, ngăn chặn và xử lý?
 
Ông Trần Hùng: Từ nay đến cuối năm 2013, đặc biệt là dịp mua sắm cao điểm vào dịp Tết Giáp Ngọ 2014, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Cục QLTT còn tập trung tăng cường chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại. Đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ thị trường trước, trong và sau Tết; chống buôn lậu đối với mặt hàng đường; chống sản xuất, buôn bán rượu bia, thuốc lá giả; kiểm soát giá sữa...
 
Cục QLTT cũng đã yêu cầu các sở, ngành, chi cục QLTT các tỉnh khẩn trương, chủ động nắm diễn biến giá cả, cung cầu hàng hóa, dự báo tình hình của những mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014; kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh gây bất ổn thị trường để có các giải pháp xử lý.
 
Về mặt hàng, cần chú trọng phát hiện, kiểm tra, xử lý tình trạng vận chuyển, mua bán các mặt hàng cấm như tiền giả, pháo, đèn trời các loại, thuốc nổ, ma túy các loại; các mặt hàng thiết yếu và tiêu thụ nhiều như xăng dầu, rượu ngoại, thuốc lá ngoại, bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo, hoa quả, lương thực, thực phẩm các loại, rau củ quả, gia súc, gia cầm, quần áo, đồ gia dụng… 
 
Yêu cầu việc kiểm tra phải chú trọng vào thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, xử lý kịp thời các trường hợp lợi dụng tình hình để đầu cơ, ép giá, găm hàng, đưa tin thất thiệt đẩy giá bán lên cao, gây bất ổn thị trường, đảm bảo nhu cầu Tết cho nhân dân. Kiểm tra việc cân, đong, đóng gói hàng hóa, chất lượng hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa; kịp thời phát hiện các thủ đoạn gian lận đo lường, đóng gói để tăng giá; các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…
 
PV: Nguyên nhân và những bất cập của công tác QLTT hiện nay?
 
Ông Trần Hùng: Công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại còn nhiều bất cập, kết quả phòng chống so với thực tế của tình hình thị trường chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác nắm thông tin, dự báo tình hình thị trường chưa theo kịp diễn biến của thị trường, cơ chế chậm sửa đổi, kinh phí, phương tiện chưa đáp ứng; phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng tinh vi, phức tạp.
 
PV: Xin cảm ơn ông!
Như Trâm (Thực hiện)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo