Cuối năm, lại "nở rộ" lừa đảo xin việc làm
Thời buổi kinh tế khó khăn, sinh viên ra trường nhiều mà việc thì ít. Nhiều kẻ lưu manh lợi dụng hoàn cảnh này để lừa xin việc. Chiêu thức của bọn chúng không có gì mới, nhưng vẫn khiến không ít người nhẹ dạ phải “tiền mất tật mang”.
Thất học lừa… có học
Ngày 1/2 vừa qua, Cơ quan công an TP. Hà Nội đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 3 tỷ đồng bằng thủ đoạn lừa xin việc làm. Kẻ lừa đảo là Nguyễn Hoàng Anh, sinh năm 1967, quê quán huyện Cao Lộc, Lạng Sơn, tạm trú ở Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội. Hoàng Anh chỉ mới học hết cấp 3, lên Hà Nội làm nghề tự do, nhưng Hoàng Anh “nổ” là đang giữ vị trí quan trọng trong ngành giáo dục, nhận xin việc làm cho nhiều người, đương nhiên với điều kiện phải “lót tay” cho Hoàng Anh từ vài chục đến cả trăm triệu đồng để Hoàng Anh đi “quan hệ”.
Chỉ từ cuối năm 2010 đến cuối 2011, riêng tại huyện Ba Vì đã có gần 20 người mắc bẫy lừa, đưa cho Nguyễn Hoàng Anh trên 1,2 tỷ đồng để lo chạy việc làm.
Không chỉ lừa chạy việc, mà Nguyễn Hoàng Anh còn lừa “chạy” vào học trường… công an. Theo lời khai của một nạn nhân, năm 2010, biết gia đình bà có nhu cầu cho con trai đi học trường công an, Hoàng Anh khoe có người nhà đang làm việc tại Bộ Công an nên dễ dàng “xử lý” giúp. Không chút nghi ngờ, gia đình đã đưa cho Hoàng Anh gần 70 triệu đồng và từ đó đến nay “mất hút”.
Cơ quan công an cho biết, từ tháng 5/2011 đến tháng 10/2014, Hoàng Anh đã nhận số tiền trên 1,8 tỷ đồng để “chạy” trúng tuyển vào các trường thuộc lực lượng vũ trang cho 12 trường hợp. Sau khi nhận tiền, Hoàng Anh làm giả “Giấy báo trúng tuyển nhập học” và “Giấy chứng nhận kết quả tuyển sinh” giao cho người bị hại. Khi những người này mang giấy đi nhập học mới ngã ngửa ra là bị lừa.
Theo lời khai của các bị hại, tổng số tiền mà Nguyễn Hoàng Anh chiếm đoạt là hơn 3 tỷ đồng của hơn 30 người. Hành vi của Hoàng Anh kéo dài hơn 4 năm mới bị phát hiện bắt giữ.
Cũng với chiêu giả có quan hệ rộng, đã từng “xử lý” giúp nhiều người vào biên chế, Nguyễn Tiến Tùng, hộ khẩu tại phường Hà Tu, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, hiện tạm trú ở Hà Nội, đã lừa xin một chân biên chế giáo viên tiểu học với giá… 230 triệu đồng.
Theo đó, Tùng biết chị Phạm Thị Loan đang cần xin việc cho đứa cháu gái vừa tốt nghiệp ĐH Sư phạm, Tùng bèn “nổ” rằng mình là người thân của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, có thể xin cho cháu được một chân giáo viên ở quận Hai Bà Trưng. Không chút nghi ngờ, chị Loan đã đưa cho Tùng 230 triệu đồng, nhưng chờ hàng năm chả thấy tăm hơn gì, khi hỏi Tùng cứ hứa bừa, hẹn gặp thì Tùng bỏ trốn.
Tùng đã bị Tòa án nhân dân quận Bắc Từ Liêm xử 5 năm 6 tháng tù vì tội lừa đảo. Tuy nhiên số tiền mà nạn nhân trót đưa cho Tùng thì không thu hồi được do Tùng đã tiêu xài hết.
Vụ lừa xin việc táo bạo nhất mới bị phát hiện là vụ Lê Thị Bích Hạnh, sinh năm 1983, một kẻ không nghề nghiệp, đã lừa đảo hơn 6 tỉ đồng để “xin việc” cho 35 người làm ở các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội.
Hai đối tượng Lê Thị Bích Hạnh (phải) và Vương Thuý Nga tại cơ quan công an
Cơ quan công an cho biết, Hạnh tự nhận là nhân viên Bệnh viện Phụ sản Trung ương và có khả năng “chạy việc” tại các bệnh viện trên địa bàn TP. Hà Nội. Hạnh đã nhờ Vương Thuý Nga, sinh năm 1975, đóng giả nhân viên Phòng Kế hoạch tổng hợp của Bệnh viện Phụ sản Trung ương và nhân viên Sở Nội vụ Hà Nội để gặp một số cá nhân có nhu cầu xin việc. Táo bạo hơn, chúng còn thuê một người xe ôm giả làm Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến và Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương Vũ Bá Quyết để gọi điện thoại, nhắn tin cho người có nhu cầu xin việc làm tại các bệnh viện.
Không nghi ngờ gì, nhiều bị hại đã đưa tiền cho Hạnh và Nga. Mỗi trường hợp xin việc phải nộp cho Hạnh số tiền rất lớn, tới 300 triệu đồng. Khi thu tiền đặt cọc, các đối tượng cấp cho nạn nhân 1 phiếu thu giả có đóng dấu của các bệnh viện để làm tin. Bọn chúng còn tự khắc dấu của Bộ Y tế để đóng vào hồ sơ xin việc và in các thẻ nhân viên y tế tại các bệnh viện để đưa cho nạn nhân nhằm thu nốt tiền.
Tổng cộng, Hạnh và Nga đã làm giả 35 thẻ nhân viên y tế tại các bệnh viện, chiếm đoạt tổng cộng hơn 6 tỉ đồng của các bị hại.
Có học cũng… đi lừa
Một điều báo động, đó là đối tượng lừa đảo không dừng lại ở những kẻ vô nghề nghiệp, mà có nhiều trường hợp có học hẳn hoi, thậm chí có cương vị xã hội cũng lừa đảo. Mới đây công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố Nguyễn Thanh Dũng, nguyên Phó khoa ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) về hành vi lừa đảo xin việc. Lợi dụng là giảng viên ĐH Hồng Đức, Dũng đã đứng ra nhận xin việc, rồi lừa đảo chiếm đoạt của 3 người dân trên địa bàn huyện Yên Định và TP. Thanh Hóa với số tiền 400 triệu đồng.
Theo hồ sơ điều tra, Nguyễn Thanh Dũng cầm tiền với hứa hẹn “chạy” cho 3 người vào công tác tại Đại học Hồng Đức. Vì tin tưởng Dũng là Phó khoa nên không ai nghi ngờ gì, nhưng cầm tiền rồi thì Dũng đem tiêu xài, mãi chả đưa được ai vào công tác tại trường. Các bị hại đã làm đơn lên trường ĐH Hồng Đức thì Dũng biến báo là mình vay mượn tiền của những người này để trang trải công việc gia đình…
Cuối năm ngoái, công an TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đã bắt đối tượng Nguyễn Thị Na, 29 tuổi, đã từng tốt nghiệp đại học chuyên ngành tiếng Anh.
Với chuyên môn của mình, Na hoàn toàn có thể xin được việc nhưng vì muốn giàu nhanh, Na đã lừa đảo những người nông dân chân chất để chiếm đoạt tiền của họ, cũng với chiêu hứa hẹn xin việc.
Thủ đoạn của Na khá tinh vi. Biết một số người có con muốn “chạy” một chân giáo viên, Na lừa họ đưa 120 triệu đồng thì sẽ lo được. Tổng cộng Na đã lừa tất cả 3 người.
Để tạo được lòng tin với những người muốn xin việc, sau khi nhận hồ sơ và tiền của họ, Na đã gửi những người này vào các trường học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ với lý do thử việc. Hằng tháng Na trực tiếp dùng số tiền đã thu được trích ra một khoản tiền tương ứng với mức lương tập sự để trả cho những người này. Sau 6 tháng, không ai được tiếp nhận cả, hỏi thì nhà trường nói không biết gì hết, không có chỉ tiêu tuyển. Hỏi Na thì thị trả lời là do năng lực kém nên không được tiếp nhận.
Theo cơ quan công an, cho đến khi bị bắt, chưa ai trong số các bị hại lấy lại được số tiền đã đưa cho Na.
Dư luận cũng thắc mắc là, vì sao các hành vi lừa đảo này phải rất lâu mới bị phát hiện, khi đối tượng đã thực hiện hàng chục vụ lừa đảo. Luật sư Lê Việt Hà, Giám đốc Công ty luật Vinh Đức cho biết: hành vi này dễ lẫn giữa hình sự với dân sự. Chẳng hạn nếu một người có hành vi nhận 100 triệu đồng trên cơ sở thỏa thuận bằng miệng (hình thức hợp đồng miệng) để giúp xin được việc cho người khác và đã nhận được khoản tiền nói trên. Nhưng nếu họ không bỏ trốn, mặc dù không xin được việc, thì đó chỉ là hành vi vi phạm dân sự (vi phạm hợp đồng).
Trường hợp đối tượng bỏ trốn thì hành vi đó mới có thể quy trách nhiệm hình sự tội lừa đảo hoặc tội lạm dụng tín nhiệm nhằm chiếm đoạt tài sản.
Chính bởi lẽ đó, hành vi lừa đảo xin việc thường diễn ra lâu mới bị phát hiện, khi rất nhiều người đã bị “dính bẫy”.
Có một điểm chung của những vụ lừa đảo, đó là phần lớn người bị lừa là người có học, đã tốt nghiệp Đại học, mà không có ai là công nhân bị lừa xin việc cả. Điều đó cho thấy hậu quả của việc nở rộ các trường đại học, tỉnh nào cũng lập Đại học, đào tạo ra sinh viên không biết làm gì, không đâu nhận, để đến nỗi phải tính quẩn, bỏ cả trăm triệu ra để xin việc và bị lừa.
Theo Đầu Tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo