Xã hội

Cuống cuồng ra vựa ve chai tìm cục phóng xạ!

Ba tháng qua, không ai biết nguồn phóng xạ được tháo ra cất vào kho hay mất lúc nào.

 Ngày 6-4, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã triệu tập cuộc họp khẩn với đầy đủ ban ngành ở tỉnh và Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) cùng nhà máy luyện phôi thép (Nhà máy Pomina 3, ở Khu công nghiệp Phú Mỹ 1, huyện Tân Thành) để truy tìm nguồn phóng xạ của công ty thép bị thất lạc.

 
Không biết mất lúc nào
 
Phía Pomina 3 cho biết trong nhà máy có năm nguồn phóng xạ trên dây chuyền sản xuất. Tháng 1-2015, có một nguồn phóng xạ gặp sự cố, phải tháo dỡ cất đi chờ thay thế thiết bị mới. Đây là nguồn phóng xạ Co-60 (thuộc nhóm 4), dùng để đo mực thép lỏng trên dây chuyền sản xuất thép. Nguồn phóng xạ này chỉ còn vài tháng nữa là hết hạn sử dụng.
 
Vậy nhưng Pomina 3 lại không biết sau khi tháo nguồn phóng xạ Co-60 ra có cất vào kho hay mất lúc nào thì không rõ. Bởi qua kiểm tra thì không có biên bản tháo dỡ hay chứng từ xuất, nhập kho lưu trữ nguồn phóng xạ này. Cho đến ngày 25-3, khi bàn giao công việc, tài sản do thay đổi nhân sự phụ trách an toàn bức xạ thì mới phát hiện cục Co-60 biến mất. Lập tức sự việc được báo lên lãnh đạo công ty, song đến ngày 1-4 Pomina 3 mới trình báo cơ quan chức năng.
 
 “Công ty đã ra thông báo cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên trong nhà máy để tập trung, chia khu vực ra dò tìm bằng máy dò nhưng đến nay không tìm thấy. Về phía doanh nghiệp (DN), đây là lần đầu tiên trong Tập đoàn Thép Pomina bị thất lạc một nguồn phóng xạ như vậy. Ngay cả bản thân DN cũng rất bối rối, rất cần sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, ban ngành về quy trình quản lý, cách thức tìm kiếm” - đại diện Pomina 3 chia sẻ.
 
 Dò tìm nguồn phóng xạ tại các vựa ve chai quanh nhà máy thép bị mất cục phóng xạ. Nguồn phóng xạ bị thất lạc (ảnh nhỏ). Ảnh: TK
 
Có thể là cục vô hại song sẽ rất nguy hiểm
 
Theo Sở KH&CN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, sau khi nhận được tin mất đã lập tức cử cán bộ đến làm việc ngay hôm 2-4. Nhưng lúc này, phía nhà máy thép chưa báo cáo giải trình cụ thể sự việc.
 
Hôm sau, Sở KH&CN cùng với Phòng An ninh điều tra (PA92), Kỹ thuật hình sự, Công an huyện Tân Thành làm việc với Pomina 3 và xác định khi bàn giao nguồn phóng xạ ngày 25-3 là giữa ông Đào Đức Hùng (phụ trách an toàn bức xạ cũ) và ông Nguyễn Văn Út (người dự kiến thay thế ông Hùng) thì ông Út phát hiện mất nguồn phóng xạ. Trong khi đó, ông Hùng không giải trình được việc thất lạc và lúc làm việc với cơ quan chức năng, ông Hùng đã không có mặt theo yêu cầu.
 
Ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, nhấn mạnh nguồn phóng xạ này nếu nằm yên trong bình chì thì không sao nhưng chẳng may nếu người dân không biết phá ra sẽ rất nguy hiểm. “Do vậy, tôi phải tham mưu bộ trưởng Bộ KH&CN ra văn bản khẩn, đề nghị địa phương nhanh chóng tìm kiếm. Phía nhà máy thép cũng có nhiều sai phạm khi để thất lạc nguồn phóng xạ nhưng việc quy trách nhiệm, xử phạt ra sao sẽ được xem xét sau vì việc quan trọng trước mắt phải tìm được nguồn phóng xạ” - ông Tấn nói.
 
Dò tìm trong nhà máy, vựa ve chai
 
Ông Lê Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đánh giá đây là sự việc nghiêm trọng nên bằng mọi cách phải tìm được. Theo ông Vương Hữu Tấn, năm ngoái TP.HCM đã xảy ra sự việc tương tự và việc chụp ảnh đưa lên phương tiện thông tin đại chúng đã giúp việc tìm kiếm được nhanh hơn. “Chúng tôi sẽ hỗ trợ phương tiện dò tìm, trong đó tập trung quanh nhà máy và các vựa ve chai, phế liệu. Ngoài ra, đề nghị người dân cảnh giác về sự nguy hiểm và báo cơ quan chức năng khi phát hiện ra” - ông Tuấn đề nghị.
 
Chiều 6-4, cơ quan chức năng đã đến Nhà máy Pomina 3 chỉ đạo tìm kiếm. Cơ quan An ninh điều tra tỉnh cũng khẩn trương dùng mọi biện pháp nghiệp vụ điều tra nguyên nhân. Tại nhà máy, các cán bộ Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ và ứng phó sự cố (Cục An toàn bức xạ và hạt nhân) cầm máy đo phóng xạ chia ra các hướng dò tìm. Sau đó các cán bộ chuyên môn xách máy rà các vựa ve chai xung quanh và đưa thông tin, hình ảnh nguồn phóng xạ đến người dân để nhờ báo gấp khi phát hiện.
 
Đến cuối ngày 6-4, cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được.
 
Sở KH&CN đã ra thông báo, nếu tổ chức, cá nhân nào biết được thiết bị phóng xạ này vui lòng thông báo theo số điện thoại 0643.858.298 hoặc liên hệ trực tiếp ông Đỗ Vũ Khoa (0909.262.464). Ai cung cấp thông tin tìm thấy thiết bị này sẽ được khen thưởng.
 
 

 Các vụ mất phóng xạ trên thế giới

 
- Năm 2010, các thanh phóng xạ được sử dụng để hiệu chỉnh máy quét CT của một bệnh viện đã bị đánh mất khi được vận chuyển từ Bắc Dakota tới bang Tennessee (Mỹ).
 
- Tháng 12-2013, chiếc xe tải chở các chất đồng vị phóng xạ bị đánh cắp tại miền Trung Mexico trong khi trên đường từ bệnh viện (nơi được sử dụng để xạ trị) tới một trung tâm lưu trữ chất thải phóng xạ, trong đó có chứa chất phóng xạ cobalt-60 - được cho là “cực kỳ nguy hiểm”. Sau hai ngày mất, chiếc hộp chất phóng xạ được tìm thấy ở gần chiếc xe tải bị đánh cắp, cách thị trấn Hueypoxtla nửa cây số. Sự việc không gây đe dọa và không phải sơ tán.
 
- Tháng 11-2014, Hạm đội 15 của Mỹ đã làm mất một chiếc hộp lưu trữ nguyên tố phóng xạ strontium-90. Cụ thể, một chiếc hộp chứa cánh trực thăng bị rơi xuống biển từ tàu tuần tra ở phía tây Ấn Độ Dương và vịnh Ba Tư. Trong cánh của trực thăng này có một thiết bị giám sát bao gồm 500 microcuries nguyên tố strontium-90. Nơi chiếc hộp rớt xuống biển nằm dưới sự kiểm soát của Hạm đội 15 và vị trí chính xác không được tiết lộ. Theo Ủy ban Pháp quy hạt nhân Mỹ (NRC), sự việc này không gây ra đe dọa cho môi trường.
 
 
 
Theo cán bộ của Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ và ứng phó sự cố trực tiếp cầm máy dò, nếu nguồn phóng xạ vẫn nằm trong bình chì, máy đo sẽ phát hiện trong khoảng cách 2 m. Nhưng bình chì trên dễ bị cạy, phá khóa và khi vỡ mất lớp vỏ thì nguồn phóng xạ sẽ tạo bức xạ cao, có thể phát hiện ra được ở khoảng cách 10-20 m.
 
Nguồn phóng xạ Co-60 là thể rắn như thanh sắt dài khoảng 30 cm, có hoạt độ hiện tại khoảng 2,33 mCi. Ở khoảng cách 10 cm nguồn phóng xạ có thể gây ra suất liều chiếu xạ là 2,5 mSv/h, trong khi mức liều chiếu xạ cho phép đối với người dân bình thường trong một năm chỉ là 1 mSv. Do vậy nguồn phóng xạ này có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khi tiếp xúc trực tiếp.
Theo Pháp luật TP.HCM
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo