Cựu Đại sứ Mỹ cảnh báo lạnh người về mối đe dọa từ Triều Tiên
Tham vọng hạt nhân của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang dấy lên quan ngại về một cuộc chiến tranh thế giới thứ 3 khi Triều Tiên đang đẩy mạnh chương trình vũ khí hủy diệt với tốc độ được cho là nhanh chưa từng thấy. Trong một tuyên bố gần đây, ông Kim Jong-un đã cam kết sẽ giúp Triều Tiên trở thành "cường quốc hạt nhân" hàng đầu thế giới. Đáp lai, Mỹ tuyên bố sẽ không bao giờ chấp nhận để Bình Nhưỡng gia nhập "câu lạc bộ hạt nhân" và Tổng thống Donald Trump cũng nhấn mạnh sẽ "xử lý" Triều Tiên.
Bình luận về tham vọng hạt nhân của Triều Tiên mới đây, cựu Đại sứ Mỹ Thomas Pickering cảnh báo rằng, nếu Nga và Trung Quốc không giúp Mỹ ngăn chặn mối đe dọa từ nước này, thế giới sẽ phải đối mặt với "chiến tranh hoặc hỗn loạn".
"Triều Tiên là một vấn đề đặc biệt khó khăn. Có rất nhiều khả năng ở đây. Một là chiến tranh, hai là hỗn loạn và tôi nghĩ rằng người dân trong khu vực, đặc biệt là người Trung Quốc sẽ không muốn cả 2 kịch bản trên xảy ra. Tôi cho rằng, ở thời điểm này, người Nga cũng như vậy. Cho nên họ đang can thiệp vào (cuộc khủng hoảng Triều Tiên) để xem họ có thể làm gì để ngăn ngừa hỗn loạn trên biên giới của họ", CNN dẫn lời cựu Đại sứ Mỹ.
Để giải quyết "vấn đề Triều Tiên", cựu Đại sứ Mỹ Thomas Pickering nêu thêm lựa chọn thứ 3 là giải pháp ngoại giao, thương lượng.
"Thứ 3 là một giải pháp thương lượng. Tôi nghĩ Ngoại trưởng (Mỹ) Tillerson đã đúng khi nhấn mạnh rằng đã đến lúc chúng ta mở các kênh đối thoại với Triều Tiên để dẫn đến phi hạt nhân hóa mà không xung đột", ông Pickering chia sẻ.
Mới đây, trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm hạn chế sự tiếp cận của Triều Tiên đối với dầu mỏ để đáp trả việc Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa hồi cuối tháng 11.
Các lệnh trừng phạt nhằm ngăn 90% lượng dầu tinh chế xuất khẩu sang Triều Tiên bằng việc giới hạn tối đa 500.000 thùng/năm và hạn chế dầu thô xuất khẩu ở mức 4 triệu thùng mỗi năm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo