Quốc tế

Cựu điệp viên Skripal trúng chất độc Nga "chưa từng sản xuất"

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov hôm 14/4 cho biết chất độc thần kinh trong nghi án đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal ở Anh có thể là chất BZ - vốn chưa bao giờ được sản xuất ở Liên Xô hay Nga.

Theo lời ông Lavrov, các chuyên gia từ một phòng thí nghiệm ở thị trấn Spiez - Thụy Sĩ đã phân tích mẫu chất hóa học được sử dụng trong nghi án đầu độc.

Dẫn báo cáo từ phòng thí nghiệm này ghi ngày 27/3, Bộ trưởng Ngoại giao Nga cho hay bằng chứng chỉ ra rằng chất độc thần kinh sử dụng trong vụ việc có thể nằm trong kho của Mỹ và Anh.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết chất độc thần kinh trong nghi án đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal ở Anh có thể là chất BZ. Ảnh: Reuters.

Ông cho biết thêm phòng thí nghiệm Spiez của Thụy Sĩ nói rằng ông Sergei Skripal và con gái Yulia đã bị đầu độc bởi một loại chất mang tên 3-Quinuclidinyl benzilate hay có tên gọi khác là BZ. "Chất này ở trong kho của Mỹ, Anh và các nước NATO khác"- ông Lavrov nói tại cuộc họp của Hội đồng Chính sách Quốc phòng và Đối ngoại.

Theo đó, kết luận trên được đưa ra sau khi phòng thí nghiệm của Thụy Sĩ tiếp nhận mẫu vật mà London đã gửi cho Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW).
Trong khi đó, OPCW hôm 11/4 kết luận rằng chất độc trong vụ cựu điệp viên Nga và con gái nghi bị đầu độc hồi tháng rồi là chất độc thần kinh Novichok dạng tinh khiết cao, tương tự kết quả với công bố của giới chức Anh trước đó.

Thủ tướng Anh cho rằng nhiều khả năng Moscow đứng sau vụ tấn công này, song phía Nga không ngừng bác bỏ liên quan tới vụ đầu độc.

Ông Lavrov hôm 14/4 nói rằng báo cáo từ phòng thí nghiệm Thụy Sĩ không đề cập tới tên của các chất độc thần kinh, chẳng hạn như Novichok, nhưng thay vào đó, họ đưa ra công thức hóa học rất dài chỉ tới một chất độc vốn được rất nhiều nước phát triển.

Được biết, phòng thí nghiệm Spiez là một trung tâm nghiên cứu đã được thế giới công nhận trên nhiều lĩnh vực khác nhau, vốn trực thuộc Văn phòng Liên bang Bảo vệ Quyền công dân của Thụy Sĩ, về sau thuộc sự kiểm soát của Bộ trưởng Quốc phòng nước này.

 

Nên đọc
Theo Người lao động
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo