Cứu doanh nghiệp là cứu cả nền kinh tế hiện nay
Đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế hiến kế nhưng thực trạng tháo gỡ khó khăn hiện nay với doanh nghiệp vẫn còn là vấn đề nan giải.
Hàng trăm ngàn doanh nghiệp đã và đang bị phá sản, đình trệ, và hoạt động cầm chừng không hiệu quả, đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người lao động và không có đóng góp cho nền kinh tế đất nước. Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đứng bên bờ vực phá sản hàng loạt đang rất cần sự giải cứu khẩn cấp của Chính phủ.
Tại kì họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII, hầu hết các đại biểu Quốc hội khi phát biểu đều rất nóng lòng trước khó khăn hiện nay. Những ý kiến thẳng thắn và thiết thực được đưa ra để sớm giải cứu doanh nghiệp đều trúng và đúng trên cả lý luận và thực tiễn.
Theo ý kiến của TS. Cao Sĩ Kiêm, đại biểu Quốc hội đoàn Thái Bình mà Báo Quân đội nhân dân đã trích dẫn, giới thiệu về nhóm giải pháp ông đưa ra đã được cộng đồng doanh nghiệp rất tâm đắc. Vấn đề ở đây là Chính phủ và các cơ quan chức năng phải vào cuộc ngay sau kì họp Quốc hội, để doanh nghiệp có niềm tin và sớm đựợc thụ hưởng các chính sách mới, thiết thực. Ví như việc giảm thuế, đối tượng nào được giảm, thời gian giảm và giảm bao nhiêu…Cơ quan chuyên trách giúp Chính phủ phải chuẩn bị kỹ, khi đưa ra chính sách là phải có hiệu lực ngay.
Về vốn cũng vậy, nhiều chuyên gia nêu không ít giải pháp, nhưng khi doanh nghiệp tiếp cận thì lại tắc. Vốn là huyết mạch của doanh nghiệp, có đại biểu đã ví von hiện nay vốn của doanh nghiệp bị tắc như cục máu bị đông. Vậy, muốn làm tan cục máu đông, không có cách nào khác là phải bằng mọi cách chỉ đạo các ngân hàng vào cuộc tích cực hơn, để doanh nghiệp khi tiếp cận vốn như quan điểm của TS Cao Sĩ Kiêm càng nhiều càng tốt, càng nhanh càng hay và không phiền hà.
Một thực tế giải quyết khó khăn về vốn của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương cho thấy, đã phối hợp rất có hiệu quả của việc chung tay giữa ngân hàng và các cơ quan trong tỉnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Vào tháng 5-2012 trước khó khăn về vốn của các doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Hải Dương đã báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, tổ chức cuộc đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng Nhà nước cùng các ngân hàng thương mại và hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn, có sự đại diện của Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Hải Dương cùng một số cơ quan trong tỉnh, bàn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến đối thoại thẳng thắn giữa ngân hàng và doanh nghiệp cùng các biện pháp tích cực của lãnh đạo tỉnh đã giải quyết được nhiều vấn đề mà các doanh nghiệp đang mong chờ như: Ngân hàng đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp vay vốn, thủ tục hành chính thông thoáng hơn, cơ chính sách minh bạch hơn.
Việc xử lí nợ xấu đã có những giải pháp cụ thể và điều rất thiết thực là khẩn trương tổ chức thực hiện, để ngân hàng cũng yên tâm và mạnh tay khi doanh nghiệp tiếp cận vốn. Về hàng tồn kho, tập trung nguồn tiền lớn vẫn là bất động sản. Thực trạng hiện nay, đang dư thừa hàng chục nghìn căn hộ ở các khu chung cư, chưa kể các căn biệt thự, các nhà liền kề. Song, người dân có nhu cầu thực thì không có tiền và thực chất đây là hậu quả của việc quy hoạch thiếu đồng bộ và không có kế hoach phân định khu dân cư.
Một thời gian dài buông lỏng trong quản lý, đã tạo nhiều kẽ hở để nhóm lợi ích trục lợi và nhu cầu ảo (kinh doanh kiểu lướt sóng của nhiều nhà đầu tư) trong giao dịch ở lĩnh vực này và ngân hàng cũng quá mạnh tay không kiểm soát chặt chẽ khi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư kinh doanh bất động sản vay vốn. Giải quyết hàng tồn kho của bất động sản chắc chắn phải kéo dài sang nhiều năm sau và tất nhiên hậu quả sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế. Vì thế, việc khoanh nợ xấu là rất cần thiết để các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có cơ hội khắc phục.
Ý nghĩa của việc cứu nền kinh tế trong tình hình hiện nay là rất cấp bách. Mỗi cấp, mỗi ngành cần phối hợp nhịp nhàng và cùng vào cuộc tích cực nhất theo chức năng của mình, biến chủ trương của Chính phủ thành hành động cụ thể thiết thực. Doanh nghiệp chỉ hồi sinh khi các ngành chức năng sớm chọn việc khẩn cấp làm trước, làm kiên quyết và giám sát chặt chẽ, cùng với các biện pháp hành chính thông thoáng mới sớm thực hiện có hiệu quả như các ý kiến của đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn phát biểu và cử tri cả nước cũng như doanh nghiệp đang từng ngày mong chờ.
Quang Trạch
End of content
Không có tin nào tiếp theo