Môi trường

Cứu được gấu rồi, chưa biết thả về đâu

Chúng tôi cũng chưa biết sẽ chăn nuôi chúng đến bao giờ vì chưa tìm được giải pháp tiếp theo - TS Tuấn Bendixsen - người Mỹ gốc Việt - Trưởng đại diện Tổ chức Động vật châu Á (AAF) tại Việt Nam, chia sẻ.

Chăm gấu như dỗ trẻ

 

Ông Tuấn là người phụ trách Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam (Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Ông cho biết, trước khi gấu được đưa về đây, chúng thường bị nuôi nhốt lâu, trong môi trường chật hẹp, được nuôi dưỡng không đúng cách, bị khai thác mật tùy tiện nên con nào cũng bị mắc nhiều bệnh: Sâu răng, mòn, gãy răng, béo phì hoặc suy dinh dưỡng, mắt kém hoặc mù hẳn, đường tiêu hóa hỏng, túi mật hỏng, khớp hỏng không đi được.

 

Hơn hết, chúng đều bị "sang chấn" tâm lý nặng nề, hung dữ và phá phách hoặc bỏ ăn. Có nhiều con khi được giải cứu đã quá yếu, không thể qua khỏi. "Nghĩa trang" gấu phía sau Trung tâm đã có tới 6 nấm mộ

 

Để cứu chữa và phục hồi cho từng con gấu, mỗi bác sĩ, nhân viên ở đây đều phải tận tâm tận lực, dựa vào sức khỏe và "tâm trạng" của mỗi con gấu mà chăm sóc cho phù hợp. Tại một góc của khu nuôi dưỡng, một chú gấu đang xù lông và lắc mình một cách điên cuồng. Khi chúng tôi tò mò lại gần, chị Mai - nhân viên Trung tâm vội vã ngăn lại. Chị cho biết: Đó là chú gấu mới được đưa về, đang bị căng thẳng, tức giận, nếu lại gần có thể gặp nguy hiểm.

 

Tại đây hiện có 20 gấu con vài tháng tuổi. Những chú gấu bị tách mẹ từ lúc bé nên rất khát sữa. Do gấu không tự uống được sữa nên nhân viên phải bế từng con gấu vào lòng và cho gấu bú bình, mỗi ngày 5-6 lần. Các chú cũng nhõng nhẽo, khó chiều hệt như những đứa trẻ.

 

Chưa biết “thả” về đâu?

 

Trung tâm Cứu hộ gấu được thành lập với mục tiêu giải thoát những con gấu không may mắn, đưa chúng trở lại thiên nhiên, nhằm bảo tồn loài gấu đã được liệt vào Sách Đỏ trước nguy cơ bị săn bắt, nuôi nhốt và tận diệt ở VN.

 

Theo ông Tuấn, chi phí cho mỗi con gấu khoảng 3-4 triệu đồng/ tháng và hiện đang nhờ vào sự trợ giúp của AAF. Hiện nhiều con gấu đã được nuôi dưỡng, chăm sóc 3-4 năm. Nơi nuôi dưỡng được Trung tâm xây dựng "bán hoang dã", để gấu được gần gũi với thiên nhiên, nên chúng cũng đã biết tự kiếm ăn, biết bóc, tước hoặc lấy tay thu lượm đồ ăn như gấu hoang dã.

 

Thường thì tại các trung tâm nuôi gấu trên thế giới chỉ nuôi 2-3 năm để dưỡng thương, chữa bệnh và phục hồi một số kỹ năng hoang dã cho gấu, rồi thả về rừng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, gấu được chăm sóc, phục hồi xong, không biết phải nuôi đến khi nào, vì chưa biết sẽ thả chúng về đâu...

 

Trong số 98 con gấu được đưa về Trung tâm thì chỉ có 20% do các gia đình dân tự giác giao nộp, còn 80% được "giải cứu" từ các trung tâm nuôi gấu khai thác mật trái phép.
 

Nói về khó khăn này, ông Tuấn cho biết: Gấu được cứu hộ tại VN rất đa dạng. Có nhiều con bị chuyển từ Lào, Campuchia về nên các chuyên gia càng không biết rõ về đặc điểm thích nghi của chúng. Thường là gấu bị bắt từ khi còn nhỏ, nuôi nhốt lồng, nên hoàn toàn mất hết các đặc tính tự nhiên. Ở VN hiện chưa có bất cứ nghiên cứu, điều tra nào về các đặc tính của gấu ngoài tự nhiên và gấu nuôi nhốt, nên không biết gấu được nuôi tại Trung tâm cứu hộ đã đủ kỹ năng để tồn tại khi trở về tự nhiên hay chưa...

 

Do chưa có kế hoạch cụ thể cho gấu nên hiện nay gấu chưa được chăm sóc về sinh sản. Đã có trường hợp gấu có thai mà nhân viên Trung tâm không biết, nên để gấu sinh thì đè chết con. "Nếu chưa biết thả về đâu thì chúng ta cần xây dựng một khu bảo tồn lâu dài, rộng rãi và nhiều điều kiện hoang dã hơn cho gấu" - ông Tuấn đề nghị.

 

Theo Dân Việt

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo