Cứu loài tê giác: Nam Phi huy động quân đội, Việt Nam kêu gọi phụ nữ
Ngày 22/10, Cơ quan quản lý của Việt Nam thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp Việt Nam (CITES) và Humane Society Internationnal đã phối hợp với Hội Phụ nữ Hà Nội tổ chức Hội thảo chia sẻ thông tin nâng cao nhận thức bảo vệ tê giác và giảm cầu về sừng tê giác.
Phụ nữ Việt Nam sẽ tuyên truyền hiệu quả
Theo CITES, với số lượng thành viên lên đến hàng trăm ngàn người, Hội phụ nữ Hà Nội luôn được đánh giá cao trong các hoạt động xã hội, nâng cao nhận thức của các thành viên trong hội về nhiều vấn đề cấp bách.
Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam cho biết: “Tuyên truyền rộng rãi thông điệp giảm cầu về sừng tê giác đóng vai trò rất quan trọng để bảo vệ tê giác. CITES cam kết nỗ lực hết mình để giúp giảm cầu về sừng tê giác ở Việt Nam thông qua nhiều biện pháp, trong đó truyền thông là một trong những công cụ chủ yếu”.
Đối với việc chung tay bảo vệ tê giác, CITES cho rằng, những người phụ nữ hoàn toàn có thể đưa các thông điệp về việc bảo vệ tê giác về từng khu phố, từng gia đình để mọi người hiểu rõ hơn thực tế rằng, sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh như đồn thổi.
Về phía Hội phụ nữ Việt Nam, bà Trần Phương Hoa, Phó Chủ tịch Hội cho biết: “Hội rất vui mừng vì được CITES đánh giá cao trong vai trò tuyên truyền bảo vệ tê giác. Chúng tôi sẽ cố gắng nâng cao nhận thức bảo vệ các loài hoang dã nói chung và tê giác nói chung”.
Bà Teresa Telecky, Giám đốc Bộ phận loài hoang dã, Tổ chức Human Society International khẳng định: “Thông qua sự phối hợp này, chúng tôi đã có cơ hội giới thiệu chiến lược giảm cầu sử dụng sừng tê giác tới một bộ phận đông trong dân số. Nếu có thể thuyết phục được phụ nữ Việt Nam không mua hoặc sử dụng sừng tê giác thì sẽ giúp giảm cầu một cách hiệu quả và giúp cứu được loài tê giác đang trên đà tuyệt chủng”.
Mặc dù đã có thời gian việc giết hại tê giác đã giảm nhưng sự tái diễn nạn săn bắn trộm tê giác đang tàn phá quần thể tê giác hoang dã ở Châu Á và Châu Phi. Trong vài năm gần đây, hàng trăm sừng tê giác được săn bắn hợp pháp bởi người Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc dưới dạng mẫu vật săn bắn đã lợi dụng sự kiểm soát lỏng lẻo của giới chức Nam Phi để chuyển về các thị trường tiêu dùng một cách trái phép, đặc biệt là khu vực Châu Á.
Nam Phi huy động quân đội bảo vệ tê giác
Mặc dù Nam Phi đã dành nhiều triệu đô la hàng năm nhằm chấm dứt nạn săn bắt trái phép nhưng do nhu cầu lớn từ những khu vực tiêu thụ khiến những nỗ lực này chưa đạt được kết quả như mong muốn. Theo chính phủ Nam Phi cho biết, máy bay không người lái, quân đội đã được huy động đến bảo vệ Vườn quốc gia Kruger, nơi sinh sống của phần lớn số tê giác của nước này. Hành động này đã khiến rất nhiều kẻ săn trộm tê giác bị bắt, ít nhất 23 tay súng đã bị bắn chết kể từ năm 2008.
Không chỉ ở Nam Phi, các nước có tê giác như Kenya, Zimbabwe, Ấn Độ cũng có những báo cáo đáng chú ý về tệ nạn này. Hậu quả của việc săn bắn trộm không kiểm soát được trong vòng 3 năm qua đã khiến Mozambique giống Việt Nam khi chính thức tuyên bố quần thể tê giác ở nước này đã tuyệt chủng.
Mặc cho những tuyên bố tuyệt chủng và những nỗ lực bảo vệ loài vật này của các tổ chức, các nước còn tê giác vẫn đứng trước cảnh báo nguy cơ tê giác tuyệt chủng. Nam Phi đang đứng đầu danh sách khi các nhà bảo tồn đã chính thức cảnh báo, cả tê giác trắng lẫn tê giác đen tự nhiên của nước này có thể biến mất trước năm 2016.
Theo thông báo mới nhất, từ đầu năm 2013 tới nay, đã có 746 cá thể tê giác bị giết hại bởi các tay săn trộm ở Nam Phi, nơi có quần thể tê giác lớn nhất thế giới. Điều đó có nghĩa là mỗi ngày có hơn 2 cá thể loài này bị giết hại để lấy sừng. Đa số sừng này được đưa đến khu vực Châu Á, trong đó có Việt Nam, khu vực luôn coi sừng tê giác là loại thuốc kỳ diệu có thể chữa bách bệnh.
Tuy nhiên, kết quả nhiều nghiên cứu áp dụng công nghệ cao đã cho thấy, sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh và chỉ có chất keratin (chất sừng như móng tay) và các thành tố khác có hại cho sức khỏe con người.
Theo TTVH
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo