Cứu nền kinh tế phải từ doanh nghiệp
Nguyên bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Trần Xuân Giá nói về vấn đề này.
Tốc độ lạm phát đã giảm khá thấp trong sáu tháng đầu năm (so với cuối năm trước 2,52%), và dự báo cho cả năm 2012 lạm phát cũng sẽ không cao (khoảng xấp xỉ 5%). Kết quả này cho thấy có tác động nhất định từ việc thực hiện các giải pháp mang tính chất tình thế như: siết đầu tư công; kiểm soát chặt chẽ tiền tệ, tín dụng...
Nhưng có lẽ điều cần đặc biệt quan tâm là tốc độ lạm phát chậm lại do những nguyên nhân ngoài ý muốn, song tác động khá mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng như: tổng cầu toàn xã hội, nhất là sức mua, kể cả đối với các loại tư liệu sản xuất trọng yếu suy giảm nghiêm trọng. Hàng tồn kho tăng gây áp lực giảm giá... Đặc biệt, tín dụng đến sáu tháng vẫn tiếp tục âm so với cuối năm 2011. Điều này thể hiện đậm nét tình trạng nền kinh tế đang rơi vào suy giảm sâu.
Dự báo GDP cả năm tăng 4,5-4,7%
Cơ cấu lại nợ để doanh nghiệp đến được với ngân hàng là quan trọng nhất. Làm sao cho doanh nghiệp có đủ điều kiện để vay được vốn. Xử lý nợ xấu cho cả hệ thống doanh nghiệp là vượt tầm của từng ngân hàng và cả hệ thống ngân hàng, cần phải có sự hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước Nguyên bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Trần Xuân Giá |
Kinh tế sáu tháng đầu năm 2012 tăng 4,38% so với cùng kỳ 2011, trong đó quý 1 tăng 4% và quý 2 tăng 4,66%. Đây là một trong vài năm có mức tăng GDP sáu tháng đầu năm thấp nhất trong hơn mười năm qua. Nhưng điều quan trọng là đang có nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế nước ta khó tăng trưởng cao trong các quý tiếp theo như những năm trước, mà ngược lại có nhiều biểu hiện tiếp tục đà suy giảm.
Nếu không có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt thì việc thực hiện nhiệm vụ về tăng trưởng kinh tế để ra cho năm 2012 (6-6,5%) là cực kỳ khó khăn, nếu không muốn nói là không thể và khó khăn này không dừng lại ở năm 2012 mà có thể cả năm sau. Dự báo nếu tình hình tiếp diễn như những tháng qua thì GDP năm 2012 có thể chỉ tăng 4,5-4,7% so với năm 2011.
Căn cứ để khẳng định kinh tế VN đang rơi vào suy giảm là: vốn đầu tư toàn xã hội giảm sút. Năm 2011 xét về danh nghĩa thì vốn đầu tư tăng khoảng 3% so với năm 2010, nhưng nếu loại trừ yếu tố trượt giá thì giảm khoảng 7% và sáu tháng đầu năm 2012 cũng có tình hình tương tự. Trong điều kiện tăng trưởng kinh tế đang còn phải dựa chủ yếu vào tăng vốn đầu tư thì việc giảm vốn đầu tư toàn xã hội là nhân tố quan trọng nhất quyết định đà suy giảm kinh tế. Đây là điều phải đặc biệt quan tâm không chỉ cho năm nay mà còn vào năm 2013.
Tín dụng, kênh dẫn vốn chủ yếu vào nền kinh tế của nước ta hiện nay, tính đến ngày 20/6/2012 vẫn còn âm (-) 0,2% so với cuối năm 2011. Đây là hiện tượng kinh tế gần như lần đầu tiên xảy ra ở nước ta. Nguyên nhân của tình hình bất thường này có rất nhiều: ngân hàng thiếu thanh khoản, nợ xấu tăng cao nên ngân hàng siết chặt việc cho vay... nhưng nguyên nhân rất quan trọng là nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp sụt giảm mạnh do sản xuất kinh doanh khó khăn.
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động; dừng làm nghĩa vụ thuế tăng cao so với cùng kỳ 2011. Đặc biệt số doanh nghiệp sản xuất cầm chừng tăng nhanh và đang chiếm tỉ trọng cao trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phải xem việc nhanh chóng chặn đứng đà đi xuống này là nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay. Cứu doanh nghiệp là cứu nền kinh tế hay nói cách khác cứu nền kinh tế phải bắt đầu từ cứu doanh nghiệp...
Từng doanh nghiệp phải tự cơ cấu lại Ngay từ bây giờ cần phải quyết liệt, nhất quán, chủ động thực hiện các giải pháp cơ bản để nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của cả nền kinh tế cũng như từng ngành, từng lĩnh vực. Và đặc biệt từng doanh nghiệp phải tự cơ cấu lại sản xuất kinh doanh của chính mình để nâng cao năng suất lao động, hạ được chi phí, tăng sức cạnh tranh, không ai có thể làm thay được. Khác với nhiều năm trước, lần này hướng đi, biện pháp của việc nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế đã khá rõ. |
Ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập...
Hệ lụy sẽ có nhiều khi kinh tế suy giảm sâu, bởi tăng trưởng thấp sẽ làm các cân đối lớn bị phá vỡ, khó lòng kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và càng không thể bảo đảm được an sinh xã hội như mong muốn. Đối với nước ta, kinh nghiệm lịch sử cho hay nếu kinh tế tăng trưởng thấp, khoảng 4%/năm, và kéo dài vài năm thì chắc chắn các cân đối lớn của nền kinh tế sẽ bị phá vỡ nặng nề hơn, bội chi ngân sách sẽ tăng lên; tỉ giá sẽ khó kiểm soát; lạm phát sẽ tăng cao...
Kinh tế tăng trưởng nóng dễ gây ra lạm phát cao là điều dễ hiểu, nhưng kinh tế tăng trưởng nguội lạnh cũng là tác nhân rất mạnh gây ra lạm phát. Xử lý lạm phát trong trường hợp này cũng rất khó khăn và phức tạp. Như vậy, nếu để kinh tế suy giảm sâu thì ngay mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn cũng khó lòng thực hiện được.
Đồng thời việc làm, thu nhập của người lao động sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh (cả ở tầm sản phẩm, doanh nghiệp, ngành và cả nền kinh tế) bị suy giảm.
Điều đáng lo ngại nữa là nếu tiếp tục đà suy giảm sâu này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế cho cả năm 2013 và một số năm tiếp theo, đe dọa việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2011-2015 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020.
Không thể chỉ giải pháp tình thế mãi
Mấy năm qua chúng ta mới chủ yếu áp dụng các giải pháp tình thế, ngắn hạn. Các giải pháp cơ bản, dài hạn chưa thực hiện được bao nhiêu. Vì vậy, ngay như nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô có thể nói là chưa thành công trong trung hạn, chưa nói đến dài hạn. Số liệu thống kê cho thấy chỉ số giá (CPI) năm 2007 là 12,63%; năm 2008 là 19,89% và năm 2009 chỉ 6,53%.
Số doanh nghiệp giải thể tăng 21% Sở Kế hoạch - đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho biết tính đến ngày 19/6 đã có 1.114 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tại sở, đẩy số doanh nghiệp giải thể tăng 21% so với cùng kỳ năm 2011. Ngoài ra, có 972 doanh nghiệp đã gửi thông báo tạm ngừng hoạt động, tăng 284% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó so với cùng kỳ năm 2011, số lượng doanh nghiệp thành lập mới là 11.731 doanh nghiệp, giảm 3%, với tổng số vốn đăng ký giảm 2%. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thay đổi là 17.417 doanh nghiệp, giảm 1%. Tính chung tổng vốn đăng ký thành lập mới và bổ sung đã giảm 5% so với cùng kỳ 2011. |
Năm 2010 CPI là 11,75%, năm 2011 là 18,13% và khả năng CPI năm 2012 khoảng dưới 5%. Nếu kịch bản lạm phát năm 2012 xảy ra như dự báo trên đây thì chúng ta đang rơi vào vòng luẩn quẩn “hai năm lạm phát cao, một năm lạm phát thấp”. Và biết đâu chu kỳ 3 của vòng luẩn quẩn kể từ năm 2007 lại bắt đầu từ năm 2013.
Vì vậy, ngay từ bây giờ cần thực hiện song song hai nhóm giải pháp chính.
Nhóm giải pháp thứ nhất: Kiềm chế, nhưng tốt hơn là chặn đứng đà suy giảm sâu hơn của nền kinh tế. Để làm được điều trên đây cần phải chặn đứng đà suy giảm vốn đầu tư toàn xã hội, lấy lại đà tăng vốn đầu tư một cách hợp lý. Đương nhiên đầu tư phải có hiệu quả, nếu đầu tư không hiệu quả sẽ làm kinh tế vĩ mô rơi vào mất cân đối nghiêm trọng hơn, lạm phát cao hơn như đã xảy ra. Do đó tăng vốn đầu tư toàn xã hội phải đặt trong tái cơ cấu đầu tư, nhất là đầu tư công.
Nhóm thứ hai là cần cứu hệ thống doanh nghiệp. Đừng để tình trạng doanh nghiệp ngừng sản xuất, phá sản hàng loạt; giảm thiểu số doanh nghiệp sản xuất cầm chừng. Phải thống nhất quan niệm rằng cứu doanh nghiệp là cứu nền kinh tế hay để cứu nền kinh tế phải bắt đầu từ cứu doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết và cấp bách nhưng phải đồng bộ, quyết liệt và nhất là kịp thời. Cứu doanh nghiệp trước mắt, không tạo ra khó khăn quá trình cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, mà phải là một bước của quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp.
Đáng lưu ý, hơn lúc nào hết Nhà nước phải ra tay hỗ trợ doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp không phân biệt lớn, bé - nhà nước, ngoài nhà nước. Hỗ trợ doanh nghiệp xử lý cả hai đầu: đầu vào và đầu ra. Đầu vào là hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí và đầu ra là hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp giúp doanh nghiệp tiêu thụ được sản phẩm do mình làm ra. Đầu vào Nhà nước hỗ trợ trên ba mặt: phí - thuế - lãi suất. Về phí và thuế Nhà nước đã có các quyết định cụ thể, trước mắt tập trung giải quyết vấn đề lãi suất.
Việc hỗ trợ doanh nghiệp qua kênh phí và thuế, thực chất là Nhà nước dùng tiền thuế do dân đóng để hỗ trợ doanh nghiệp vào những lúc khó khăn và việc hỗ trợ này được thực hiện qua các lệnh hành chính. Trong khi đó, hỗ trợ doanh nghiệp qua kênh lãi suất, thực chất các doanh nghiệp hỗ trợ lẫn nhau, bởi lẽ ngân hàng cũng là một doanh nghiệp. Vì vậy công cụ lãi suất được thực hiện bằng vận động, thuyết phục, bằng cơ chế chính sách gián tiếp là chính.
Lãi suất luôn là vấn đề quan trọng, nhưng vướng mắc chính hiện nay không phải chủ yếu ở lãi suất cao hay thấp, mà là vấn đề doanh nghiệp có đến được với ngân hàng hay không. Ngân hàng không cho vay được chứ không phải không được cho vay. Hiện nay các ngân hàng không lo vượt chỉ tiêu cho vay, ngược lại đang cố thực hiện chỉ tiêu cho phép mà không thực hiện được.
Theo TT
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Mắc một loạt sai phạm, Chứng khoán SmartInvest AAS bị phạt gần 1,4 tỷ đồng