Cựu tổng giám đốc PVN liên quan đến những sai phạm gì?
Ông Phùng Đình Thực, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí (PVN) từ năm 2009-2014, nguyên Chủ tịch PVN giai đoạn 2011-2014 vừa bị Cơ quan An ninh khởi tố, điều tra về Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ông bị cấm đi khỏi nơi cư trú.
Sinh năm 1954, ông Thực tốt nghiệp Học viện Hoá dầu Bacu (Liên Xô cũ) chuyên ngành khai thác dầu khí năm 1977. Ông là tiến sĩ khoa học về công nghệ dầu khí biển, từng đảm nhiệm các chức vụ Giám đốc Xí nghiệp khai thác dầu khí (1993-1996), Chánh kỹ sư Vietsovpetro (1997-2001); Tổng giám đốc Công ty Thăm dò khai thác dầu khí (2001-2005).
Từ năm 2009 ông giữ vai trò Phó bí thư Đảng ủy, Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc PVN. Từ năm 2011 đến khi về hưu vào năm 2014, ông là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN. Đây là giai đoạn hoạt động kinh doanh của PVN liên tục tăng, từ 34.000 tỷ đồng năm 2011 lên 43.000 tỷ đồng vào năm 2014. Tuy nhiên, những sai lầm trong đầu tư của PVN đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Nhà chức trách cho hay, ông Thực bị xác định đã có sai phạm trong quá trình chỉ đạo thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, dự án do PVN chỉ định cho Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thực hiện. Việc khởi tố nằm trong tiến trình điều tra vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản”, xảy ra tại PVN và PVC.
Điều tra ban đầu của cơ quan điều tra cho thấy, sai phạm lớn tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 chủ yếu trong chỉ định thầu các hợp đồng thiết kế, mua sắm, xây dựng (EPC). Bên cạnh đó, dù mới có chủ trương giao PVC thực hiện gói thầu EPC và hợp đồng EPC chưa được ký, nhưng PVN đã chuyển 8,2 triệu USD và gần 1.320 tỷ đồng cho Ban quản lý dự án này. Nhờ phần rót vốn từ tập đoàn mẹ, PVC được tạm ứng 1.312 tỷ đồng và 6,6 triệu USD để triển khai dự án. Song, số tiền này không dùng vào việc thực hiện dự án mà được lãnh đạo PVC thời điểm đó là ông Trịnh Xuân Thanh chi vào những mục đích trả nợ khác.
Trước đó, theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại phiên họp thứ 14, ông Phùng Đình Thực được cho là thiếu trách nhiệm trong việc ký tên trong nhận xét không đúng đối với Trịnh Xuân Thanh khi chuyển công tác về Bộ Công Thương. Khi đó, ông Thực nhận xét ông Thanh trong giai đoạn 2007-2012 đã “lãnh đạo và xây dựng PVC vượt qua khó khăn và đạt được những kết quả nhất định”. Ở giai đoạn sau năm 2012 đến 2013, tuy công ty làm ăn thua lỗ nhưng ông Thực vẫn nhận định là do thị trường xây dựng, bất động sản có nhiều khó khăn, thách thức.
“Dù đã cùng tập thể lãnh đạo đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ nhưng doanh nghiệp vẫn làm ăn thua lỗ và với cương vị Chủ tịch HĐQT PVC, đồng chí Trịnh Xuân Thanh có phần trách nhiệm”, văn bản nhận xét về Trịnh Xuân Thanh do ông Phùng Đình Thực ký, nêu.
Xác định cấp dưới có “phần trách nhiệm” trong việc để doanh nghiệp thua lỗ kéo dài, song ban lãnh đạo PVN thời điểm đó không đưa ra hình thức xử lý nào. Ngược lại, nhờ bản đánh giá cán bộ này, ông Trịnh Xuân Thanh hoàn thiện hồ sơ chuyển từ PVN sang Bộ Công Thương và sau đó nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng tại tỉnh Hậu Giang như Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch tỉnh… Ông Thanh sau đó bị phát hiện sai phạm, bỏ trốn ra nước ngoài và "đến đầu thú", theo thông báo của Bộ Công an vào cuối tháng 7.
Cũng theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cựu Chủ tịch PVN cũng không chỉ đạo xem xét vi phạm của ông Nguyễn Xuân Sơn khi làm Tổng giám đốc Oceanbank. Đồng thời, nguyên Bí thư Đảng ủy PVN cũng chịu trách nhiệm cùng tập thể Ban thường vụ Đảng ủy, Hội đồng thành viên khi làm quy trình đề nghị cấp có thẩm quyền bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Sơn từ Phó tổng giám đốc lên Chủ tịch Hội đồng thành viên, Bí thư Đảng ủy PVN năm 2014.
Ngoài ra, ông Thực cũng có trách nhiệm liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm tại Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ (PVTex) và các dự án nhiên liệu sinh học.
PVTex là dự án do PVN nắm giữ trên 75% vốn cổ phần, tổng vốn đầu tư lên tới 325 triệu USD (tương đương gần 7.000 tỷ đồng). Sau khi hoàn thành và đi vào sản xuất kinh doanh, dự án đã để thua lỗ hơn 1.400 tỷ đồng. Trong khi đó, từ khi chạy thử và vận hành vào tháng 5/2014 đã liên tục đối mặt với việc không bán được hàng, tạm dừng sản xuất. Dự án đã chậm tiến độ tới 2 năm, khi đi vào hoạt động, vận hành khoảng 7 tháng đã lỗ hơn 1.085 tỷ đồng, doanh thu không đủ bù chi phí tối thiểu.
Trước thực tế thua lỗ liên tục, PVN đã từng đề nghị nhà nước cần có hỗ trợ bằng cơ chế đặc thù đưa nhà máy hoạt động ổn định và thu hồi vốn đầu tư. Theo báo cáo, PVN đang phải gánh chịu toàn bộ khoản công nợ đã vay để thực hiện dự án cũng như khoản lỗ gần 1.500 tỷ đồng của nhà máy.
Đặc biệt, trước đó, năm 2013 - giai đoạn ông Thực đang làm Chủ tịch PVN, Thủ tướng đã yêu cầu Tập đoàn này phải thoái vốn khỏi PVTex từ 56% xuống 36%. Tuy nhiên, đi ngược chỉ đạo trên, quyết nghị của Bộ Công Thương và các nghị quyết của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đẩy tỉ lệ vốn của PVN tại đơn vị này tăng lên 75%.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/11/2024: USD tăng nhẹ
Giá vàng ngày 26/11: Vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 26/11/2024: Thị trường miền Nam giảm nhẹ
Giảm phát thải carbon, bước đệm vào nền kinh tế xanh toàn cầu
Chính thức: Hộ cá nhân có doanh thu dưới 200 triệu đồng được miễn thuế VAT