Cứu trợ doanh nghiệp cần đúng và nhanh
Tránh chạy chọt, xin cho
TS Lê Đăng Doanh hoan nghênh gói cứu trợ của Chính phủ thông qua việc ban hành nghị quyết riêng, tuy nhiên ông cũng đề xuất mọi bước đi, số tiền hỗ trợ, cách thức cần phải được công khai. Muốn công khai thì bộ, ngành chủ quản phải xây dựng được các điều kiện, đối tượng cần hỗ trợ một cách rõ ràng, cụ thể và có tiêu chí.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng nhỏ và vừa cỡ nào, bao nhiêu lao động, ngành nào... phải nêu rõ. Chính phủ phải giám sát kỹ quá trình thực thi tránh tình trạng sinh ra chuyện doanh nghiệp “sân sau”, “chân gỗ” chạy chọt, xin cho.
Đối với gói giải pháp miễn, giãn giảm thuế, theo TS Doanh, vấn đề hiện nay nằm ở chỗ doanh nghiệp đang ngắc ngoải vì hàng tồn kho quá nhiều, không bán được. Vì vậy, cần phải xin Quốc hội giảm thuế VAT, có giải pháp kích thích tiêu dùng, tạo ra thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp như khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Tín dụng tăng trưởng âm đồng nghĩa với việc thiếu phương tiện thanh toán trong nền kinh tế. Nếu chúng ta không có những giải pháp đồng bộ để giải quyết ngay thì tình hình càng trở nên nguy kịch hơn Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành |
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng một lần nữa vấn đề “thúc đẩy” giải ngân và chi tiêu công trong các dự án được đưa ra như giải pháp để tăng cầu, nhưng xem ra sẽ khó đạt hiệu quả như mong muốn. Số tiền vài nghìn tỉ đồng kiên cố hóa kênh mương, bơm thêm cho các dự án cấp bách xem ra quá lệch so với số hàng tồn kho của xi măng, sắt thép, lên tới hàng triệu tấn. Vì vậy, bà Lan đề xuất, phải có những giải pháp căn cơ hơn từ thị trường bất động sản, chứ không chỉ ở khu vực công.
Chú trọng doanh nghiệp vừa và nhỏ
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đề xuất, Chính phủ cần hỗ trợ khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý. Trước mắt, sớm thành lập Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định 56/2009 tạo nguồn vốn đề ủy thác cho các ngân hàng thương mại cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Triển khai mô hình cho vay tín chấp đối với doanh nghiệp cực nhỏ (dưới 10 lao động) có kế hoạch kinh doanh khả thi và có các tiêu chí định mức tín nhiệm tin cậy với sự hợp tác của các hiệp hội. Mở rộng hình thức cho vay thế chấp bằng sản phẩm của các doanh nghiệp. Rà xét, đánh giá để có biện pháp mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và của các quỹ bảo lãnh tín dụng ở các địa phương.
Cần giảm thuế thu nhập cá nhân cho người dân Chính phủ phải thực sự làm gì để người dân và doanh nghiệp thấy rằng trong hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ thực sự. Thuế VAT đã giãn, thuế thu nhập doanh nghiệp giảm nhưng chưa đủ... bởi người dân vẫn cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn như việc giảm thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan |
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng kiến nghị, vấn đề hiện nay của nền kinh tế đang rơi vào tình trạng đình lạm - tức sản xuất đình trệ, doanh nghiệp phá sản nhưng lạm phát vẫn còn ở mức khá cao. Vì vậy, việc đưa ra các gói giải pháp hỗ trợ là cần thiết, nhưng thực tế, cần phải được thực thi một cách đúng địa chỉ, liều lượng, đúng hướng.
Nếu hỗ trợ không đúng, không trúng chắc chắn một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp sẽ chết, ngân sách bị thâm hụt, nợ công tăng lên, và nền kinh tế rơi vào giảm phát thì khó khăn chồng chất khó khăn.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 chỉ còn tăng 0,05% so với tháng trước; GDP quý 1/2012 chỉ tăng 4% thay vì mức 6-7% như những năm trước. Tất cả những con số đó đều cho thấy nền kinh tế đang bị đình đốn khá nghiêm trọng. “Tín dụng tăng trưởng âm đồng nghĩa với việc thiếu phương tiện thanh toán trong nền kinh tế. Nếu chúng ta không có những giải pháp đồng bộ để giải quyết ngay thì tình hình càng trở nên nguy kịch hơn”, ông Thành cảnh báo.
Theo TN
End of content
Không có tin nào tiếp theo