Đà Nẵng: 76% doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ
UBND TP Đà Nẵng cho biết, tính cuối năm 2013, trên địa bàn TP có 12.759 doanh nghiệp đang hoạt động. Số lượng doanh nghiệp tập trung nhiều nhất là lĩnh vực thương mại - dịch vụ chiếm khoảng 68,8%, xây dựng chiếm 13,5%, sản xuất công nghiệp chiếm 11,9%, còn lại 5,8% doanh nghiệp hoạt động ở những ngành nghề khác.
Sự phát triển nhanh về số lượng các doanh nghiệp đã kéo theo sự gia tăng nguồn vốn huy động để đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Năm 2009, tổng vốn đăng ký là 2.347 tỷ đồng, tính đến 31/12/2013, tổng vốn đăng ký là 70.020 tỷ đồng (không tính vốn DN FDI).
Trên địa bàn TP Đà Nẵng chủ yếu là DN nhỏ và vừa chiếm đến 98%. Trong đó, doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ chiếm 76,07%. Đa số doanh nghiệp có vốn lớn đều nằm ở khu vực vốn đầu tư nước ngoài, công ty cổ phần.
Theo kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu phát triển KT-XH TP Đà Nẵng, các DN trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh như: thị trường, vốn, lao động, mặt bằng sản xuất kinh doanh, công nghệ, khó khăn về tiếp cận thông tin, chính sách hỗ trợ của thành phố, thủ tục hành chính…
Đối với thị trường xuất khẩu có 38,5% doanh nghiệp cho rằng việc tiếp cận, mở rộng thị trường là khó khăn lớn nhất. Nguyên nhân chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất tại Đà Nẵng hiện nay chưa đồng bộ, nguồn cung nguyên vật liệu chưa đáp ứng được nhu cầu. Bên cạnh đó, sản phẩm doanh nghiệp sản xuất ra khó cạnh tranh trên thị trường Đà Nẵng do chưa có thương hiệu và chưa tạo được lòng tin đối với người tiêu dùng. Về thị trường các yếu tố đầu vào, chủ yếu là giá đầu vào cao, nguồn cung không ổn định, số lượng nguồn cung còn hạn chế.
Để khởi động cho thời kỳ mới tập trung đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công đồng DN TP, UBND đã xây dựng đề án Phát triển DN đến năm 2020 và xem đây là chiến lược trung hạn cho phát triển DN; là kế hoạch trọng tâm của kế hoạch phát triển KT –XH TP trong thời gian tới
Theo đó, mục tiêu của đề án phát triển DN đến năm 2020 là số lượng doanh nghiệp phát triển tăng thêm bình quân 10%/năm, giải quyết việc làm bình quân cho 31.000 người/năm, tổng vốn đầu tư từ khu doanh nghiệp chiếm 65-70% tổng vốn đầu tư thành phố và khu vực doanh nghiệp đóng góp 75-85% tổng thu ngân sách của thành phố.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, là một thành phố có cơ sở hạ tầng được trang bị tốt, môi trường đầu tư luôn được cải thiện, luôn giữ top đầu trong bảng xếp hạng nhưng việc phát triển DN còn hạn chế, năng lực cạnh tranh thấp, giá trị sản xuất chưa cao.
“Để Đề án thực sự hiệu quả, Đà Nẵng cần định hướng cho sự phát triển chung của DN. Trong đó, khâu định hướng cần điều chỉnh hướng đến chính là phát triển dịch vụ: du lịch, ngân hàng, logictis chứ không phải là chú trọng ngành là dệt may, cơ khí hay nông nghiệp. Với những ưu tiên phát triên này, Đà Nẵng chắc chắn sẽ trở thành 1 cực phát triển của cả vùng”, TS Nguyễn Đình Cung nói thêm.
Ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng cho biết: Ngoài việc đổi mới các cơ chế, chính sách; Đà Nẵng sẽ khuyến khích, hướng DN thành lập các DN mới từ đó hình thành công ty lớn và mời các công ty đa quốc gia, các tập đoàn kinh tế về đầu tư, phát triển trên nguyên tắc học tập trao đổi kinh nghiệm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mạng 5G đã sẵn sàng, hướng đi nào để doanh nghiệp viễn thông 'đánh thức' tiềm năng thị trường?
Giá xăng giảm gần 500 đồng/lít
Vụ phát hiện giá đỗ độc hại dùng chất cấm gây não úng thủy, dị tật bẩm sinh: Một cơ sở khai bán cho siêu thị Bách Hóa Xanh 350-400kg/ngày
Lượt cài đặt ứng dụng mua sắm trên toàn cầu tăng mạnh
Hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá