Xã hội

Đà Nẵng kiện chưa xong, Quảng Ngãi tính đi 'đòi' nước

Do thủy điện phía thượng nguồn tích nước, chưa đến mùa khô nhưng dòng sông Trà Khúc đã trơ đáy khiến ruộng đồng của hàng ngàn dân khô queo quắt.

"Đòi" nước cho sông

Mới đầu mùa khô nhưng dòng sông Trà Khúc ở tỉnh Quảng Ngã đã khô kiệt, khu vực đầu mối phân phối nước cho các công trình thủy lợi đã cạn, hạ nguồn hầu như không còn nước, có thể qua sông mà không sợ ướt giày.
 
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo ông Nguyễn Mậu Văn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi là do để chuẩn bị phát điện trong tháng 4/2013, thủy điện Đắkdrinh đã ngăn dòng ở thượng nguồn để tích nước.
 
Một đoạn sông Trà Khúc đã bị khô cạn
 
“Chúng tôi đã yêu cầu các thủy điện phải xả nước, bảo đảm nước tưới cho sản xuất nông nghiệp nhưng thủy điện xả nước quá hạn chế. Trong vài ngày tới, chúng tôi sẽ mời đại diện các thủy điện, bàn biện pháp xả nước để bảo đảm đủ nước cho vụ hè thu sắp tới” - ông Văn nói.
 
Tại công trình thủy lợi Thạch Nham (nơi cung cấp nước tưới cho 30.000 ha hoa màu phía hạ du), một số khu vực giữa lòng hồ đã phơi đáy. Dọc sông Trà Khúc về hạ nguồn, nạn khô kiệt xảy ra khắp nơi. Đâu đâu cũng có những đồng lúa, hoa màu của người dân hai bên sông chết khô vì không có nước tưới.
 
Tại đoạn qua TP Quảng Ngãi, hiện chỗ nước sâu nhất cũng chỉ khoảng 1 m. Nhiều nơi, dòng sông bị “đứt mạch” hoàn toàn, có thể đi bộ qua sông. Dòng chảy tự nhiên trên sông gần như không còn, nước sông chỉ còn đọng trong ao, hồ.
 
Nhìn cảnh tượng này, ông Nguyễn Nhung, Giám đốc Công ty Quản lý công trình thủy lợi Quảng Ngãi ngao ngán: “Chưa năm nào mà mới đến tháng 3, nước sông lại khô kiệt như thế. Đây là hậu quả của những dự án thủy điện ở đầu nguồn dòng sông khiến sông “chết” không kịp… ngáp".
 
Ông Nguyễn Nhung cho biết, công ty Quản lý công trình thủy lợi Quảng Ngãi liên tục cử cán bộ đi “đòi” nước để trả về cho sông.
 
“Thấy nguồn nước sông cạn kiệt, hàng chục ngàn hecta hoa màu đang thiếu nước tưới, chúng tôi nhiều lần gửi văn bản đến Công ty CP Thủy điện Đắkdrinh (chủ quản thủy điện Đắkdrinh) yêu cầu xả nước nhưng không được đáp ứng.
 
Thấy không xong, chúng tôi cử cán bộ trực tiếp đến công ty yêu cầu xả nước cũng bị từ chối. Còn 1 tháng nữa mới thu hoạch lúa đông xuân nhưng thủy điện không chịu xả nước, vụ lúa có nguy cơ mất trắng”, ông Nhung nói.
 
Đà Nẵng dọa kiện Bộ ra tòa án
 
Trong khi đó, tại Đà Nẵng đã gần 1 năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng đã có văn bản kiến nghị với Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) góp ý dự thảo về quy trình vận hành liên hồ chứa A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2 do Bộ TN-MT soạn thảo, nhưng đến nay Bộ vẫn cho rằng quy trình này đúng và không cần chỉnh sửa.
 
Từ khi có thủy điện, dòng Vu Gia thường trơ đáy vào mùa cạn
 
Lý do vì thời gian qua, người dân địa phương luôn sống trong cảnh mùa khô cạn kiệt nguồn nước, mùa lũ lại xả ào ào trên đầu dân.
 
Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong trường hợp Bộ Tài nguyên môi trường không sửa, chắc chắn sẽ đưa vấn đề này ra tòa án theo quy định của pháp luật.
 
"Theo tôi có 2 vấn đề, vấn đề thứ nhất chúng tôi sẽ khiếu kiện Bộ TN-MT về việc lập quy trình vận hành liên hồ chứa gây tác động rất lớn cho hạ du vì quy trình này chỉ làm lợi cho thủy điện, bất chấp quyền lợi của hạ du. Vấn đề thứ 2 chúng tôi có thể khởi kiện là bắt chủ đầu tư đền bù những thiệt hại do thủy điện Đăk Mi 4 gây ra mặc dù vận hành đúng quy trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Người nào gây ra thiệt hại thì người đó phải có trách nhiệm đền bù và khắc phục thiệt hại. Đó là quy định của pháp luật Việt Nam, trong đó có Luật về tài nguyên nước", ông Thắng nói.
 
Mặc dù đã có ý kiến lên Cục Quản lý tài nguyên nước, thậm chí lên Thủ tướng song phía Sở Nông nghiệp Đà Nẵng vẫn chưa có thông tin phản hồi ngoài công văn của Cục cho rằng việc xây dựng đúng quy trình và đúng luật và đã tính toán kỹ.
 
“Tôi lo là Cục và Bộ TN-MT cứ lảng đi rồi trình Thủ tướng phê duyệt cho nên UBND tỉnh đã có văn bản báo cho Văn phòng Chính phủ biết sự việc này”, ông Thắng nói.
 
Theo ông Thắng, tình hình càng khốc liệt hơn nhiều, khi nguồn nước sinh hoạt chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu như dự thảo quy trình vận hành liên hồ thủy điện, thủy lợi do Cục Quản lý tài nguyên nước soạn thảo được thông qua mà chưa bàn bạc, thống nhất điều chỉnh lại.
 
Do vậy ông Thắng tha thiết mong muốn Bộ TN-MT thẳng thắn đối thoại.
 
“Nếu Bộ cho rằng mình làm đúng thì cũng nên một lần thẳng thắn tranh luận để địa phương, các nhà khoa học tâm phục, khẩu phục chứ không nên im lặng như hiện nay”, ông Thắng nhấn mạnh.
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo