Đà Nẵng: Kinh tế tư nhân làm động lực cho tăng trưởng
Đó là một trong những nội dung tại tại hội thảo chuyên đề “Cơ hội mở rộng đầu tư đối với doanh nghiệp” vừa được tổ chức tại TP Đà Nẵng.
Rào cản lớn từ đất đai
Theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch Đầu tư Thành phố Đà Nẵng từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/ 5/2018, thành phố thu hút được 61 dự án mới với tổng vốn đăng ký đầu tư là 76, 091 triệu USD, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó có 6 lượt tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 27,03 triệu USD, tăng hơn 33,5 lần so với cùng kỳ năm 2017; có 12 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp với tổng vốn là 24,135 triệu USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2017.
Bà Huỳnh Liên Phương – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ Đầu tư (IPA) TP Đà Nẵng cho biết: Tổng vốn FDI từ ngày 1/1 đến 31/5/2018 thành phố thu hút được 127,239 triệu USD, có một dự án chấm dứt (với tổng vốn đăng ký là 50.000 USD, lý do: nhà đầu tư quyết định giải thể).
Theo bà Phương: Lũy kế đến nay, Đà Nẵng thu hút được 609 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 3,1 tỷ USD, trong khi vốn đầu tư trong nước lớn hơn rất nhiều.
Hiện IPA đang xúc tiến 27 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn khoảng hơn 1,2 tỷ USD và một số dự án trên khu công nghệ cao, tập trung vào bất động sản, du lịch y tế, trung tâm thương mại, công nghệ cao.
Phó Giám đốc IPA Đà Nẵng cũng chia sẻ thêm về việc có rất nhiều nhà đầu tư tiềm năng lớn nhưng những khó khăn khi xem xét đầu tư, thường liên quan đất đai. Quy trình thủ tục phức tạp hay lựa chọn đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất… chiếm thời gian dài nên có nhiều nhà đầu tư không có thời gian để kiên nhẫn chờ đợi.
Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu - ông Hà Ngọc Thống, từ kinh nghiệm thực tế của doanh nghiệp chia sẻ về tiềm năng rộng lớn của ngành công nghiệp phụ trợ, cụ thể là sản xuất bao bì, carton. Năm nay, doanh nghiệp ông dự kiến nâng doanh thu lên 300 tỷ.
Nói về các đề xuất, Giám đốc Công ty Á Châu cho rằng để phát triển sản xuất, doanh nghiệp cần có điều kiện thuận lợi về đất đai và rút ngắn thời gian đối với thủ tục đánh giá tác động môi trường.
Ông Thống cũng đề cập hiện có tình trạng các điều kiện dành cho công ty nước ngoài thì rất dễ, nhưng với công ty nội địa thì khó. Theo ông, khi bước ra thị trường quốc tế, công ty được gọi là lớn của Việt Nam trong một lĩnh vực khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh quốc tế thì rất bé, đơn cử khi so sánh về số vốn đầu tư, nên công việc hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển ở Việt Nam là rất cần thiết.
Với những vướng mắc cụ thể hơn, ông Nguyễn Thanh Bình – Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng chỉ ra bất cập trong chế độ thuê đất tại KCN Liên Chiểu, Đà Nẵng - hiện đang được Công ty CP Đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng (SDN) làm chủ đầu tư. Khẳng định bất cập và các vấn đề đang bỏ ngỏ tại đây, ông Bình đề nghị lãnh đạo Ban Tuyên giáo và các lãnh đạo có trách nhiệm xem xét về trách nhiệm quản lý nhà nước.
Phàn nàn về giá đất cho thuê tại KCN Liên Chiểu quá cao, bà Đặng Trần Gia Thoại - Giám đốc Công ty CP Container miền Trung (VICONSHIP) chia sẻ về kế hoạch của công ty đang muốn đầu tư xây dựng một số công trình, cảng dịch vụ, depot tại đây để đón đầu dự án Cảng Liên Chiểu, đồng thời dự định mở rộng sân tập golf trên địa bàn. Là một công ty kinh doanh bình thường không có bất kỳ ưu đãi nào, theo bà Thoại, doanh nghiệp bà mong nhận sự quan tâm để góp phần phát triển ngành logistics, dịch vụ du lịch của TP như Thủ tướng đã từng chỉ đạo.
Góp vào các vướng mắc và đề xuất mong được tháo gỡ, ông Nguyễn Hữu Sia – Giám đốc Công ty Cảng Đà Nẵng chỉ ra nhiều nút thắt trong phát triển giao thông cảng biển dẫn đến những giảm sút của vận tải biển tại Đà Nẵng trong những năm gần đây. Ông dẫn chứng, “Cảng Chu Lai, Trường Hải mới thành lập 4 năm nhưng sản lượng hàng hóa qua cảng đã bằng một nửa so với Cảng Đà Nẵng có kinh nghiệm 27 năm”, cùng một số vấn đề bất cập hiện hữu khác. Ông Sia khẳng định cần phải thúc đẩy dự án Cảng Liên Chiểu nhanh hơn nữa để phục vụ kịp thời yêu cầu của thị trường.
Chính quyền tạo niềm tin cho doanh nghiệp
Theo ông Đặng Việt Dũng - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Đà Nẵng, qua những thông tin được chia sẻ, có thể thấy rằng: “Nhu cầu hợp tác đầu tư, nhu cầu phát triển của doanh nghiệp và cơ hội đẩy mạnh đầu tư là hiện hữu”.
Khẳng định trước đại diện doanh nghiệp và các đơn vị, ông Dũng cho biết: “Chúng ta có đủ tiềm năng, dư địa để tiếp tục phát triển sản xuất”, điều này bắt đầu từ ngay chính địa bàn thành phố.
Doanh nghiệp trên địa bàn đã có tốc độ phát triển rất nhanh, rất mạnh và rất đa dạng, ông nhận xét.
“Không chỉ phát triển trong lĩnh vực sản xuất, chế biến; các lĩnh vực liên quan thương mại - dịch vụ, nông nghiệp, doanh nghiệp Đà Nẵng cũng đang có sự hiện diện, phát triển rất mạnh mẽ. Đóng góp vào GDP của thành phố rất cao”, ông Đặng Việt Dũng cho biết.
Tuy nhiên, những hạn chế tồn tại cũng được ông Dũng nhìn nhận như: “Đa số doanh nghiệp quy mô nhỏ, triển vọng phát triển, cơ hội vươn ra bên ngoài còn rất hạn chế. Đặc biệt trình độ công nghệ, khả năng cạnh tranh với ngay trong nước cũng như quốc tế còn rất nhiều khó khăn”.
Theo người đứng đầu ngành Tuyên giáo Thành phố, chủ trương của Đà Nẵng là lấy doanh nghiệp làm động lực cho tăng trưởng và phát triển.Điều này cũng được xác định trong tầm nhìn đến năm 2030, 2045 của Đà Nẵng.
Ông khuyến khích các doanh nghiệp tìm cách nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động của chính bản thân; nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác và liên kết phát triển giữa các doanh nghiệp, các nhóm ngành liên quan.
"Ngoài yêu cầu phát huy các ý kiến sáng tạo, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, biến các giải pháp thành hiện thực, tại buổi gặp gỡ với sự có mặt của lãnh đọa các sở ngành liên quan, ông Đặng Việt Dũng đề nghị các đơn vị tháo gỡ, giúp đỡ doanh nghiệp những khó khăn trước mắt, chia sẻ thông tin nhiều hơn phục vụ giải quyết các vấn đề, đặc biệt phải biết tận dụng thời cơ để phát triển”, ông Đặng Việt Dũng nhấn mạnh.
“Chủ trương của thành phố Đà Nẵng là luôn luôn lấy doanh nghiệp làm động lực cho phát triển, động lực cho tăng trưởng. Nghị quyết Trung ương 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã xác định rõ: kinh tế tư nhân là động lực và trong tầm nhìn phát triển kinh tế xã hội của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng cũng lấy doanh nghiệp, lấy kinh tế tư nhân làm động lực cho tăng trưởng. Bởi vậy sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua và trong tương lai sẽ là đóng góp rất lớn” - ông Đặng Việt Dũng, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Đà Nẵng nhấn mạnh. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Thị trường nông sản: Giá gạo xuất khẩu tiếp tục biến động