Đã rõ hơn thủ tục phá sản ngân hàng
Ở báo cáo giải trình vừa được gửi kèm dự thảo luật mới nhất để xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, nhiều nội dung đã được chỉnh lý, làm rõ. Như, tiêu chí xác định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, thẩm quyền giải quyết phá sản của tòa án; các biện pháp bảo toàn tài sản, phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản; thủ tục phá sản tổ chức tín dụng, thủ tục phá sản có yếu tố nước ngoài…
Liên quan đến quyền nộp đơn của chủ nợ, dự thảo chỉ còn một phương án: “Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán được khoản nợ đến hạn trong thời hạn ba tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu”. Thay vì có thêm phương án quy định cụ thể “khoản nợ đến hạn từ 200 triệu đồng” như đã trình Quốc hội.
Dự thảo luật cũng đã bổ sung quy định người tham gia thủ tục phá sản có quyền đề nghị kiểm toán doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Trong quá trình xem xét mở thủ tục phá sản, thẩm phán có quyền xem xét, quyết định việc thực hiện kiểm toán doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
Với quy định bổ sung thì các chủ nợ có quyền thành lập ủy ban chủ nợ để thay mặt cho các chủ nợ tham gia thủ tục phá sản, theo dự thảo luật.
Riêng thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung một số nội dung theo hướng quy định về quyền, nghĩa vụ nộp đơn, thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; hoàn trả khoản vay đặc biệt; xử lý tài sản ủy thác; các giao dịch trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt liên quan đến phá sản tổ chức tín dụng và tách thành một chương riêng trong dự thảo luật.
Theo đó, tòa án chỉ thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với các tổ chức tín dụng sau khi có kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đồng thời áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ phá sản tổ chức tín dụng.
Cụ thể, dự thảo luật quy định, tổ chức tín dụng có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán. Trong trường hợp này mà tổ chức tín dụng không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng đó.
Về phá sản có yếu tố nước ngoài, dự thảo luật cũng đã bổ sung một số nội dung theo hướng quy định việc ủy thác tư pháp giữa tòa án Việt Nam với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, thủ tục ủy thác tư pháp của tòa án Việt Nam đối với cơ quan thẩm quyền của nước ngoài.
Với 14 chương, 129 điều, tăng 2 chương, 5 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, dự kiến khai mạc vào 20/5 tới đây.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Xuất khẩu cá ngừ cần động lực để tăng tốc trong năm 2025
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết