Xã hội

Đã sẵn sàng để tiếp nhận người nghiện

Hai trung tâm Bình Triệu và Nhị Xuân có phòng cho cơ quan công an, y tế… đến làm việc. Và có cả phòng dành cho tòa án họp xét đưa người nghiện đi cai nghiện...

Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với phương án cho phép thí điểm lập trung tâm tiếp nhận người nghiện để cắt cơn, giải độc và tư vấn tâm lý trong khi chờ tòa án ra quyết định đưa đi cai nghiện tập trung. Nội dung này được bổ sung lồng ghép vào trong Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2015. Dự kiến hôm nay (10-11), Quốc hội sẽ bỏ phiếu thông qua nghị quyết này.

Nếu được Quốc hội thông qua thì cuối tháng 11 này, TP.HCM sẽ triển khai đề án đưa người nghiện không có nơi cư trú ổn định (gọi tắt là người nghiện lang thang) đi cai nghiện bắt buộc. Theo đó, khi phát hiện người nghiện lang thang, các cơ quan chức năng làm hồ sơ để đưa ngay họ vào hai trung tâm Bình Triệu hoặc Nhị Xuân.

Sẵn sàng để tiếp nhận người nghiện

Đến Trung tâm Bình Triệu vào chiều 8-11, chúng tôi ghi nhận được không khí sửa chữa khẩn trương. Chỉ vào tốp công nhân đang khoan nền trong tiếng động cơ rền rĩ, ông Hà Anh Tuấn, Phó phòng Bảo vệ trung tâm, giới thiệu: “Khu vực này trước đây là sân tennis, nay đang gia cố nền móng để làm hội trường xét xử của tòa án”. Chỉ tay vào dãy phòng kế bên, ông Tuấn cho biết dãy này sẽ dành để cho đại diện các ban ngành tới làm việc. Ông cho biết đã có thâm niên làm tại đây hơn 20 năm nhưng chưa khi nào rỗi việc như năm nay vì trung tâm tiếp nhận quá ít học viên. “Sắp tới chắc công việc sẽ bận rộn hơn nhưng nếu giải quyết được nỗi lo cho TP thì tụi tôi chịu cực xíu cũng không sao” - ông Tuấn cười.

Khẩn trương cải tạo sân tennis của Trung tâm Bình Triệu để làm nơi tòa án họp xét. Ảnh: ÁI NHÂN

Một ca cắt cơn, giải độc tại Trung tâm Bình Triệu. Ảnh: H.LAN

Ông Lê Bá Hoàng, Quyền Giám đốc Trung tâm Bình Triệu, cho biết: “Trung tâm chúng tôi có 22 phòng sinh hoạt cho học viên và tám phòng y tế nhằm cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện”. Tại đây đang khẩn trương sửa chữa phòng làm việc cho tổ đại diện các ngành tòa án, VKS, tư pháp, công an, y tế đến đây làm việc. Đặc biệt là gấp rút xây dựng hội trường cho tòa án xét xử để kịp thời hoàn chỉnh trong tháng 11.

Tại Trung tâm Nhị Xuân, ông Trần Hữu Thám, Phó Giám đốc trung tâm, cũng khẳng định đội ngũ y, bác sĩ, giáo dục viên của trung tâm đều là những người bám trụ lâu năm với nghề, sẵn sàng bắt tay vào thực hiện. Trung tâm có thể tiếp nhận 1.000-1.500 học viên nữa. Cũng như Trung tâm Bình Triệu, Trung tâm Nhị Xuân đang khẩn trương nâng cấp các phòng làm việc cho ban ngành và hội đồng xét xử của tòa án.

Hồ sơ bảo đảm đúng quy định

Vì sao tại hai trung tâm Bình Triệu và Nhị Xuân lại có phòng cho các cơ quan công an, y tế… đến làm việc? Thậm chí có cả phòng dành cho tòa án họp xử lưu động đưa người nghiện đi cai?

Về vấn đề này, Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho biết hai trung tâm trên lo cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện. Các việc khác như xác minh lai lịch, tiền án, tiền sự, tình trạng nơi cư trú, các giấy chứng nhận đã qua cai nghiện tại cộng đồng, đã qua giáo dục tại phường, xã… thì do phía công an làm hết. Hồ sơ được chuyển qua cho cơ quan tư pháp, LĐ-TB&XH, y tế quận, huyện để hoàn thiện. Khi người nghiện lang thang được tập trung vào đây thì các cơ quan vẫn tiếp tục hoàn thiện hồ sơ. “Trong quá trình đó, công an có thể phải đến trung tâm làm việc với đương sự (người nghiện). Luật sư cũng có thể phải đến trung tâm làm việc với đương sự. Các cơ quan khác như tư pháp, LĐ-TB&XH, y tế… muốn đến trung tâm để làm việc cho tiện thì đến, còn các cơ quan ấy thấy có thể hoàn chỉnh hồ sơ ở quận, huyện thì cứ ở quận, huyện mà làm” - tướng Minh nói.

Theo quy định, khi các ngành hoàn chỉnh hồ sơ thì chuyển qua tòa án cấp huyện để nơi đây ra phán quyết có đưa một người đi cai bắt buộc hay không. Theo đề án, TP dự kiến là các tòa sẽ mở phiên họp xử lưu động tại trung tâm. bởi vì đương sự có quyền có mặt tại phiên họp xử mà kinh phí chở người từ trung tâm đi 24 quận, huyện thì sẽ lớn hơn khi mời các thẩm phán đến trung tâm “xử” lưu động.

Thiếu tướng Phan Anh Minh khẳng định TP không xin cơ chế thành lập một hội đồng tập trung (gồm các cơ quan công an, y tế, LĐ-TB&XH, tư pháp… theo như luật cũ) và đặt trung tâm. Trung tâm chỉ bố trí phòng để trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thấy cần thiết thì các cơ quan trên đến trung tâm thì có chỗ để làm việc.

Về thời gian người nghiện được tập trung ở trung tâm, nếu tòa án ra phán quyết đưa đi cai nghiện bắt buộc thì sẽ phân loại tình trạng nghiện, giới tính… để đưa vào một trong 12 trung tâm cai nghiện bắt buộc tại TP. Nếu tòa phán rằng không đủ cơ sở để đưa đi cai nghiện bắt buộc thì phải cho họ ra ngoài chứ không giữ lâu dài tại trung tâm.

Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định các bước đưa người đi cai nghiện bắt buộc mà dự thảo đề án của TP.HCM thực hiện đảm bảo các quy định của pháp luật. Giai đoạn nào đơn giản có thể giản lược thời gian hoàn thiện hồ sơ nhưng nếu các cơ quan phối hợp tốt thì dự kiến 15 ngày là đủ để hoàn thiện hồ sơ, không nhất thiết phải kéo dài đến ít nhất là 37 ngày như quy định của luật.

Theo PL TPHCM
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo