Đã xác định nguyên nhân hơn 1.000 tấn cá chết ở miền Tây
Tin tức trên báo Zing news, sáng 16/2 số liệu thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh An Giang và Đồng Tháp cho biết tổng lượng cá bè nuôi trên sông Cái Vừng (ranh giới của tỉnh An Giang, Đồng Tháp) bị chết là hơn 1.100 tấn, trong đó 650 tấn, Đồng Tháp 460 tấn.
Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang cho biết, kết quả giám định phân tích mẫu cho thấy cá chết không do thức ăn hay dịch bệnh mà vì ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân chính là do lượng DO (oxy hòa tan) rất thấp so với ngưỡng cần thiết cho nuôi trồng thủy sản.
Thời điểm cá chết hàng loạt vào đầu tháng 2/2016, tỉnh An Giang đã hỗ trợ 1.000 đồng/kg cá và UBND huyện Hồng Ngự hỗ trợ mỗi hộ 2-5 triệu đồng nhằm tạo điều kiện cho ngư dân thu gom cá chết đến nơi tập trung.
Về giải pháp để ngăn tình trạng cá chết xảy ra, ông Thư cho biết trên báo Công an Nhân dân: "Sở đã có báo cáo, đề nghị UBND tỉnh An Giang chỉ đạo lực lượng Cảnh sát môi trường và ngành tài nguyên môi trường điều tra làm rõ nguồn nước này bị ô nhiễm bắt nguồn từ đâu, do nhà máy nào thải ra...”
Cái Vừng là con sông giáp ranh tự nhiên giữa 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Nơi đây, có hàng trăm hộ dân của huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) và Phú Tân (An Giang), sống bằng nghề nuôi bè cá he, cá mè, điêu hồng, cá lăng…
Trước đó, những ngày giáp tết (từ ngày 3 đến ngày 9/2), hàng trăm tấn cá đồng loạt chết nổi trắng sông, khiến nông dân rơi vào cảnh khốn cùng dù có nhiều biện pháp kỹ thuật can thiệp. Số liệu thống kê từ ngành nông nghiệp An Giang và Đồng Tháp, tổng lượng cá nuôi bè trên sông Cái Vừng bị thiệt hại 1.119 tấn (An Giang 655 tấn, Đồng Tháp 464 tấn).
Ông Phạm Văn Đát (ngụ xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự) – nuôi 26.000 con cá điêu hồng cho biết, sáng 4/2, ông ra thăm bè cá thì phát hiện cá chết hàng loạt. 40/50 bè cá của các hộ dân ven sông Cái Vừng, phía bờ Hồng Ngự bị thiệt hại hơn 90%.
“Từ trước đến nay, người nuôi cá ở địa phương chưa bao giờ gặp tình trạng này”, ông Nguyễn Văn Thành - Phó trưởng trạm thủy sản huyện Hồng Ngự khẳng định. Còn tại Phú Tân (An Giang), có 51 hộ nuôi vùng nuôi 145 lồng/bè/vèo cá trên sông thuộc 3 xã Long Hòa, Phú Lâm, Phú Thạnh thiệt hại trên 655 tấn.
Ông Trần Anh Thư cũng cho biết thêm: An Giang và Đồng Tháp đã thống nhất ban hành chính sách hỗ trợ cho nông dân trong vài ngày tới, sau khi đạt thỏa thuận giữa các ngành chức năng như tài chính, ngân hàng... để hỗ trợ chi phí di dời đối với bè đã di dời an toàn và hỗ trợ chi phí cá giống đối với các hộ bị thiệt hại.
End of content
Không có tin nào tiếp theo