Môi trường

Đắc Lắc: Ồ ạt phá rừng đầu nguồn lấy hạt gỗ quý

“Vàng đen” - hạt của cây gỗ dổi - không xa lạ với ẩm thực Tây Bắc, đặc sản này được sử dụng làm gia vị cho các món thịt nướng, thịt hầm, giã nhỏ trộn với muối hoặc làm nước chấm... ngon tuyệt. Khi cây dổi ở núi rừng Tây Bắc đã bị khai thác cạn kiệt, gần đây người ta phát hiện”vàng đen” có mặt ở Tây Nguyên, thế là đến lượt các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc tỉnh Đắc Lắc lâm nguy.

Một cây dỗi bị đốn hạ để lấy hạt trong VQG Chư Yang Sin.

 

Mất 2 tháng kể từ khi có tin đồn, mất thêm vài tuần “bắt mối” vào những khu rừng ở huyện Krông Bông, rồi lang thang ở thị trấn Krông K’Mar tìm các điểm bán “vàng đen”, phóng viên đã chứng minh tin đồn người dân chặt phá gỗ giổi để lấy hạt về bán là có thật “trăm phần trăm”.

 

Bằng chứng từ rừng sâu
 
Sau nhiều ngày thuyết phục, chúng tôi được ông Hoàng Thanh Cung - người dân tộc Mông ở xã Cư Pui, huyện Krông Bông - dẫn đường lội rừng đến các bãi gỗ giổi bị triệt hạ. Từ thôn 12 (xã Hòa Lễ), chúng tôi vượt những khe suối, bám sườn núi đi khoảng 14km mới đến khu vực có tấm biển sắt ghi dòng chữ “Địa giới Vườn quốc gia Chư Yang Sin” - đã bị ai đó đập bẹp. Từ đây trở vào, dọc đường nghe rất rõ tiếng cưa máy, tiếng cây đổ ầm ầm. Càng đi sâu vào rừng đặc dụng vườn quốc gia, giổi cổ thụ bị cưa đổ để lấy hạt càng nhiều. Bãi đầu tiên có 3 cây giổi lớn, thân cao hơn 30m bị đốn ngã, cành lá vẫn chưa kịp khô héo, trong đó một cây đường kính gốc khoảng 1m. Cả vạt rừng xung quanh chừng vài trăm mét vuông cũng bị phá tan tành do cây đổ, do người ta phát quang làm đường ra vào. Theo ông Cung, không biết diện tích bao nhiêu, nhưng từ đây về hướng thị trấn Krông K’Mar, đi bộ hai ngày đường cũng chưa hết khu vực gỗ giổi thường xuyên bị chặt phá trong suốt vụ hạt vừa qua.
 
Quả đúng như vậy, đi chưa tới 1/4 quãng đường trên, mà chúng tôi đã chứng kiến tới 6 bãi gỗ giổi, với hơn 20 cây bị đốn hạ, phần lớn đường kính trên dưới 1m, dài hơn 30m. Nhưng không phải tất cả đều “đáng chết”, bởi người có kinh nghiệm thì chỉ cần nhìn tán cây, quan sát số hạt rụng dưới gốc để quyết định có hạ cây hay không. Còn dân nghiệp dư chỉ thấy có trái là chặt cây, chặt rồi mới biết trái đã già, hạt đã vỡ hoặc rụng gần hết, chỉ thu được vài lạng, khiến cả cây giổi cổ thụ chết oan. “Không phải bà con mình không xót, nhưng vì tranh nhau nên cứ cố sức mà cưa thôi. Người Mông, người Thái, người Kinh đều thế cả” - ông Cung nói. Hỏi gỗ giổi cũng rất có giá, sao người chặt không lấy về, ông Cung nói: “Với mục đích chỉ lấy hạt, người ta luồn rừng chứ không mở đường, chặt luôn những cây nằm dưới thung lũng sâu nên không đem gỗ ra được. Mặt khác, mang vài kilogram hạt trên người mới trốn được kiểm lâm, còn vận chuyển gỗ thì dễ bị bắt”.
 
Cần khẩn trương làm rõ
 
Sau khi ra khỏi rừng, chúng tôi về huyện Krông Bông gặp thêm nhiều người dân khác, ai cũng biết chuyện phá rừng giổi lấy hạt rầm rộ suốt mấy tháng qua. Anh Phong - người chuyên vào Vườn Quốc gia Chư Yang Sin bắt chim thú, tìm lâm sản quý hiếm - nói: “Trong tháng 9 vừa rồi, có hai lần tôi vào đấy chặt giổi lấy hạt về bán, trong đấy người ta chặt hạ giổi tùm lum. Có chỗ hơn chục cây, có bãi gần như bị chặt quang như phát rừng làm rẫy vậy”. Còn bà Vàng Thị Đỏ - ở xã Cư Đrăm - cho biết: “Hai tháng vừa rồi có hàng trăm người dân đổ xô vào rừng Chư Yang Sin kiếm hạt giổi, đàn bà như tôi chỉ mót quả dưới gốc giổi, nhóm nào có đàn ông là họ chặt cả cây. Chính mắt tôi thấy nhiều nhóm chặt vài chục cây, thu được cả tạ quả, bán hơn 50 triệu đồng”. Cứ theo lời bà Đỏ, để kiếm được 50 triệu đồng, người ta đã khai tử đến vài chục cây giổi cổ thụ cả trăm năm tuổi.
 
Tuy nhiên, ông Tống Ngọc Chung - Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Yang Sin - cho rằng, khu vực gỗ giổi bị chặt phá có thể đã giao khoán cho dân xã Hòa Lễ theo Quyết định 187/QĐ-CP của Chính phủ, nên “vườn không” quản lý. Ngược lại, ông Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lễ - cho biết: “Rừng của xã có một số giổi ở tiểu khu 1158, còn chỗ các anh vào là tiểu khu 1159 và 1174 thuộc Vườn Quốc gia Chư Yang Sin. Trước đây vườn có văn bản đề nghị xã phối hợp kiểm tra việc chặt gỗ giổi lấy hạt, nhưng trạm 1 và trạm 2 của vườn báo là không có, nên thôi”. Còn ông Đoàn Văn Thành - Trưởng phòng Bảo vệ rừng thuộc Cty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Bông, một đơn quản lý rừng khác ở huyện Krông Bông - khẳng định: “Khu vực đó chắc chắn không thuộc Cty quản lý, vì gỗ dgiổi trong lâm phần Cty đã bị khai thác sạch sẽ từ lâu rồi”.
 
Vậy hàng trăm cây giổi cổ thụ bị triệt hạ do đơn vị nào quản lý, các cơ quan chức năng tỉnh Đắc Lắc cần chỉ đạo kiểm tra, làm rõ. Bởi không chỉ Krông Bông, câu chuyện tương tự đã xảy ra tại khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn huyện Krông Năng và cơ quan chức năng đã thống kê thiệt hại, ráo riết điều tra.
 
Theo Lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo