Pháp luật

Đại án Huyền Như: Kiểm toán cũng bó tay

Liên quan tới vụ án Huyền Như, đại diện Kiểm toán Nhà nước cho rằng, cơ quan kiểm toán khó có thể kiểm soát hết được. Qua những vụ như thế này, đó là một bài học đối với ngành kiểm toán.

Tại buổi họp báo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), ông Lê Minh Khái - Phó tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, khi kiểm toán một Ngân hàng, kiểm toán chỉ có thể thực hiện bằng cách chọn mẫu. Vụ việc xảy ra ở một phòng giao dịch nào đó thì có thể phòng giao dịch đó đã không thuộc nhóm mẫu mà kiểm toán lựa chọn.

Theo ông Khái, mỗi ngân hàng có hệ thống kiểm soát nội bộ riêng nhưng vẫn lọt sai phạm. “Trong nhiều người tốt thì có những người xấu, những người làm kiểm tra giám sát nội bộ đều muốn phát hiện ra những vụ việc này nhưng con người không phải thánh để có thể phát hiện hết được”, ông Khái nói.
 
Kiểm toán nhà nước công bố kế hoạch 2014.
 
Ông Khái cho biết thêm, hàng năm, số vụ việc vi phạm có tăng lên và các cơ quan có trách nhiệm rất cương quyết trong mọi việc hơn nhưng... “cũng khó”. Trong thời gian vừa qua, nhiều vụ việc được cơ quan điều tra phát hiện xử lý cũng có phần từ cơ quan kiểm toán.
 
Về kiểm toán tại các Công ty tài chính thuộc các Tập đoàn, tổng công ty, cơ quan này cũng đã chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng 5 vụ việc. Cụ thể, vụ việc chuyển sang Thanh tra NHNN để thanh tra liên quan tới dấu hiệu sai phạm trong nghiệp vụ bán ngoại tệ của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đối với 3 ngân hàng khác.
 
Còn lại, việc chuyển sang Cơ quan điều tra (Bộ Công an) để điều tra liê quan tới quản lý làm thất thoát vốn tại Công ty CP tài chính Sông Đà, vụ việc thất thoát vốn tại Tổng Công ty Thủy sản VN (Seaprodex), vụ cho vay một số dự án BĐS không thu hồi được do thực hiện sai quy định của Nhà nước, liên quan tới 2 chi nhánh của Agribank là Chi nhánh Bình Phú và TP.HCM.
 
Theo đại diện của KTNN, mục tiêu tổng quát của KTNN năm 2014 là nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán; tăng cường đổi mới phương pháp kiểm toán và công tác quản lý hoạt động kiểm toán; nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ kiểm toán viên ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
 
Trong năm 2014, KTNN sẽ thực hiện 185 cuộc kiểm toán, trong đó kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2013 tại 42 tổng công ty vốn nhà nước như Tập đoàn hoá chất VN, Tổng công ty công nghiệp xi măng VN, Tổng công ty dược VN, Tổng công ty đường sắt VN, Tổng công ty thép VN, Tập đoàn Bảo Việt, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn NN (SCIC), Tổng công ty CP Bảo Minh,…
 
Đối với kiểm toán chuyên đề, KTNN sẽ tiến hành kiểm toán chuyên đề phát hành, quản lý và sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ 2013; chuyên đề tình hình thực hiện chính sách giá xăng dầu 2011 – 2013 tại các đầu mối nhập khẩu xăng dầu; chuyên đề huy động và sử dụng vốn tại Công ty Cho thuê tài chính 1 (ALCI) và ALC II thuộc Agribank; Công ty Cho thuê tài chính của BIDV, của Vietinbank và Vietcombank.
 
Trong lĩnh vực xây dựng đầu tư công, nhiều dự án cũng sẽ được kiểm toán như dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu, Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai giai đoạn 1, và một số dự án nhà máy điện, thuỷ lợi, hạ tầng,…
 
Năm 2013, tổng hợp kết quả kiểm toán từ 150 báo cáo, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 22.778 tỷ đồng. Trong đó, các khoản tăng thu 4.014,4 tỷ đồng, các khoản giảm chi 5.290,8 tỷ đồng, các khoản nợ đọng phát hiện tăng thêm so với báo cáo của cơ quan quản lý thu ngân sách nhà nước 2.587,5 tỷ đồng, các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua NSNN là 9.817,5 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 1.067,9 tỷ đồng.
Vietnamnet
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo