Đại án OceanBank: Diễn biến mới tại tòa
Thông tư 02 do Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 3/3/2011 quy định về lãi suất huy động vốn tối đa bằng đồng Việt Nam do Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến ký, theo tin tức trên báo TTXVN.
Trong đó quy định: Tổ chức tín dụng ấn định lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam (lãi suất tiền gửi; lãi suất chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và trái phiếu) của các tổ chức (trừ tổ chức tín dụng) và cá nhân bao gồm cả khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức không vượt quá 14%/năm; riêng các Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở ấn định lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam không vượt quá 14,5%/năm.
Mức lãi suất huy động vốn tối đa này áp dụng đối với phương thức trả lãi cuối kỳ; đối với các phương thức trả lãi khác, phải được quy đổi theo phương thức trả lãi cuối kỳ tương ứng với mức lãi suất huy động vốn tối đa.
Cũng trong Thông tư 02 có quy định: “Nghiêm cấm tổ chức tín dụng thực hiện khuyến mại huy động vốn bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác không đúng với quy định của pháp luật và Thông tư này”.
Bào chữa cho bị cáo Hoàng Bích Vân, luật sư Huyền Trang dẫn chứng trong nhóm hành vi “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, Viện kiểm sát khẳng định khách thể của tội danh này là Thông tư 02. Luật sư Huyền Trang cho rằng, sự ra đời của Thông tư 02 là vi phạm Bộ luật Dân sự và vi hiến.
Cụ thể, luật sư Huyền Trang đưa ra quan điểm: Thông tư 02 vi phạm các Điều luật quy định về tự do thương mại theo Luật thương mại, Vi phạm Điều 7 Luật Doanh nghiệp và đặc biệt vi hiến ở chỗ Thông tư 02 vi phạm Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008. Theo luật sư Huyền Trang, Thông tư 02 là do Phó Thống đốc ký ban hành mà không có một văn bản ủy quyền nào từ Thống đốc.
Theo quy định, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới hình thức Thông tư. Luật sư Huyền Trang cho rằng: Việc không được Thống đốc ủy quyền mà Phó Thống đốc vẫn ký ban hành Thông tư 02 là vi phạm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét Thông tư 02 là văn bản quy phạm pháp luật hay văn bản quy phạm dưới luật?
Cũng liên quan tới Thông tư 02, luật sư Nguyễn Phương Nam phân tích: Hầu hết các bị cáo đều thừa nhận là đã sai phạm trong việc chi vượt trần lãi suất trong thời gian 2011-2014 tại OceanBank, tuy nhiên hành vi sai phạm này cần được xem xét cụ thể ở nhiều góc cạnh. Cụ thể, luật sư Phương Nam cho rằng mức lãi suất trần được quy định tại Thông tư 02 này lại trái với quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành.
Thêm nữa, sự việc chi chăm sóc khách hàng (chi ngoài lãi suất) này, đã diễn ra trong một thời gian dài, các Ngân hàng khác đều có và đã từng bị phát hiện nhưng cũng chỉ xử lý hành chính. Và nếu có xử lý hành chính thì cũng chỉ là trách nhiệm của “người đứng đầu tổ chức tín dụng”.
Mặt khác, sự việc này đã được công tác thanh tra, kiểm tra biết nhưng làm “ngơ” không xử lý. Luật sư Phương Nam đặt câu hỏi: “Có nên hiểu chính cơ quan quản lý cũng đang thừa nhận thực trạng này là một hoạt động xúc tiến thương mại, cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động huy động vốn của Ngân hàng?”.
Luật sư Hoàng Hữu Được nêu: Về thông tư 02, VKS có tranh luận rằng, luật sư có động cơ gì mà cho rằng thông tư 02 là trái quy định pháp luật? Luật sư chúng tôi khẳng định: Thông tư 02 là trái pháp luật. Động cơ duy nhất của chúng tôi là làm rõ sự thật khách quan, VKS cần xin lỗi các luật sư, báo Vietnamnet đưa tin.
Theo luật sư, đang hình thành tư duy xử lý các bị cáo dựa trên vị trí làm việc của các bị cáo. Như vậy là không hợp lý. Với phần đối đáp của VKS cho rằng, luật sư nói có nhiều ngân hàng chi lãi ngoài như Oceanbank nhưng không chỉ rõ ra là ngân hàng nào, luật sư Được tranh luận: Chính thông tư 02 của NHNN đã thừa nhận hiện trạng chi lãi ngoài của nhiều ngân hàng tại thời điểm đó.
Luật sư Được nêu: Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NH Đại Dương đề nghị HĐXX áp dụng tình tiết giảm nhẹ triệt để cho các bị cáo vì thấy các bị cáo sụt sùi. Nhưng chính vị này đề nghị các bị cáo hoàn trả số tiền thiệt hại. "Thế mới biết việc chia sẻ này mới sâu sắc như thế nào", lời luật sư Được.
Về nội dung này, Viện kiểm sát cho biết: Thông tư 02 là cần thiết và đúng pháp luật. Cụ thể, về căn cứ pháp lý, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02 dựa trên cơ sở khoản 2 điều 12 Luật Ngân hàng Nhà nước 2010 và khoản 3 điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng: “Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để đảm bảo an toàn hệ thống của tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động của tổ chức tín dụng”.
Mục đích của việc ban hành Thông tư này là nhằm thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội theo Nghị quyết 11 năm 2011 của Chính phủ.
Thực tiễn triển khai Thông tư 02 cho thấy đây là biện pháp hiệu quả, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, cơ bản khắc phục được tình trạng huy động vốn vượt trần, mặt bằng lãi suất của hệ thống tổ chức tín dụng có xu hướng giảm, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo