Xã hội

Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Tài Chính: Điều hành xăng dầu sao mãi loanh quanh luẩn quẩn?

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga: “Cách sửa Nghị định 84 rất khó hiểu, cứ mấy tháng đưa ra bàn thảo một lần xong lại để đấy và sát kỳ họp này lại đưa ra bàn và nhất là còn có một đề xuất là chuyển quyền điều hành giá xăng dầu hoàn toàn về Bộ Công thương, làm nặng nề thêm tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi của Bộ Công thương”.

 Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) đặt ra một loạt các câu hỏi trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Công thương trong điều hành giá xăng dầu.

Vẫn đang sửa Nghị định 84

Chiều qua, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính – ông Đinh Tiến Dũng, Đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) đã đặt hai câu hỏi “nóng” liên quan tới xăng dầu: Tôi đã nhiều lần lên tiếng trước Quốc hội phản ánh của cử tri về thực trạng thiếu minh bạch, thiếu cạnh tranh, nhập nhằng lỗ lãi về những dấu hiệu lợi ích nhóm trong quản lý thị trường, điều hành giá kinh doanh xăng dầu. Bộ trưởng Bộ công thương và Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã nhiều lần đã trả lời và quy khá nhiều lỗi cho Nghị định 84. Từ năm 2011 nhiều lần hứa là sớm sửa đổi nghị định này, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tôi đã kiễn nhẫn nhiều lần đòi nợ lời hứa này nhưng cho đến nay không có kết quả và điều này đồng nghĩa với việc những hạn chế nêu trên vẫn tồn tại và thiệt thòi nhất vẫn là người tiêu dùng.
 
Đại biểu Nga đề cập tới trách nhiệm của Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Công thương trong việc không thực hiện đúng lời hứa trước Quốc hội và trước cử tri cả nước về việc tiến độ sửa đổi Nghị định 84, nhất là trong tình hình Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Quốc hội cũng vừa nói là yêu cầu sớm hoàn thiện thể chế để phục vụ phát triển kinh tế thị trường và tôi cũng xin trân trọng gửi đến Thủ tướng Chính phủ câu hỏi này.
 
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, Nghị định 84 vừa qua trong điều hành cơ bản có thể nói đáp ứng được yêu cầu. Chúng ta đề cao tinh thần điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước và nếu các đại biểu Quốc hội theo dõi trong 1 năm gần đây, việc điều hành xăng dầu cơ bản theo thị trường, rất thường xuyên.
 
“Chúng tôi cho rằng đến bây giờ nhân dân cả nước, các cơ quan đơn vị cũng đã quen với giá xăng dầu thường xuyên lên xuống, đó là điểm rất quan trọng và chúng tôi cho điều hành rất quan trọng. Chúng ta tránh điều hành, rút kinh nghiệm có những lúc giật cục vì kiềm chế lạm phát, đáng nhẽ giá xăng tăng lên chúng ta cứ giảm, giữ ở giá thấp nên khi thả ra là giật cục, tăng giá rất cao, như thế tự dưng tạo động lực lan tỏa là lạm phát. Nhưng điều hành vừa qua rất thường xuyên theo Nghị định 84, nên cũng tránh gây cú sốc về giá cả và từ đó tránh tác động đến kinh tế vĩ mô, đến lạm phát”, ông Dũng lý giải.
 
Bộ trưởng Dũng cho biết, từ năm nay tiếp tục công khai tiếp việc giá cơ sở và việc cách tính giá cơ sở của xăng dầu.
 
“Chúng tôi cho rằng cách điều hành như thế rất uyển chuyển và rất tốt. Tuy nhiên trong quá trình vận hành đúng là có những việc chúng tôi cho rằng cần phải đẩy mạnh hơn theo lộ trình điều hành giá thị trường thì việc sửa Nghị định 84 cũng là điều cần thiết”, ông Dũng nói.
 
Người đứng đầu ngành tài chính cho biết, vừa qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công thương làm chủ trì, Bộ Tài chính tham gia phối hợp sửa Nghị định 84. Gần đây nhất ngày 3/6, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì nghe lại Nghị định 84 này sửa đổi và Thủ tướng đã có kết luận, Bộ Tài chính cùng với Bộ Công thương tiến hành chỉnh sửa lần cuối lấy lại ý kiến thành viên Chính phủ, trong đó điều quan trọng nhất là giúp ngắn chu kỳ đánh giá cơ sở, càng ngắn càng sát thị trường.
 
“Ngày xưa mình tính 30 ngày, bây giờ chúng tôi đề xuất 15 ngày giữa hai lần tăng giá, ngày xưa 15 ngày, bây giờ chúng tôi đề xuất 10 ngày, càng ngắn, càng sát với giá thị trường diễn biến hàng ngày, chúng tôi cho rằng việc này rất quan trọng. Chúng ta mạnh dạn, mạnh nữa còn phải cho doanh nghiệp tự định giá trên cơ sở hướng dẫn của nhà nước, chúng ta hướng dẫn thanh tra, kiểm tra thì tốt hơn, vừa rồi chúng ta vẫn còn đang rụt rè, hai bộ vẫn còn phải can thiệp vào việc này, tức là công bố định giá từng thời điểm, chúng tôi cho rằng cần thiết phải mạnh hơn nữa và giá mà điều hành hàng ngày còn tốt hơn 10 ngày mới điều chỉnh 1 lần, tốt hơn 15 ngày mới điều chỉnh 1 lần. Chúng tôi cho điều này rất quan trọng và kiến nghị với Thủ tướng là cần mạnh dạn hơn trong vấn đề xử lý việc này. Chúng tôi thấy sau đây Văn phòng Chính phủ sẽ lấy ý kiến lại các thành viên Chính phủ, chúng tôi nghĩ nghị định này sớm được ban hành.
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính - ông Đinh Tiến Dũng
 
Vì sao chuyển điều hành giá xăng từ Bộ Tài chính sang Bộ Công thương?
 
Đại biểu Lê Thị Nga đã làm nóng phiên chất vấn khi nói rất thẳng thắn: “Cách sửa nghị định này thưa Quốc hội rất khó hiểu, cứ mấy tháng đưa ra bàn thảo một lần xong lại để đấy và sát kỳ họp này lại đưa ra bàn và nhất là còn có một đề xuất là chuyển quyền điều hành giá xăng dầu hoàn toàn về Bộ Công thương, làm nặng nề thêm tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi của Bộ Công thương”.
 
Tuy nhiên, ông Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc điều hành giá thường xuyên từ Bộ Tài chính hiện nay đang làm chủ trì sang Bộ Công thương làm chủ trì là bình thường ở chỗ Luật giá quy định như thế là Bộ Tài chính quản lý nhà nước về giá, hướng dẫn thanh tra, kiểm tra. Các bộ quản lý ngành sẽ điều hành về giá cụ thể theo phân công của Chính phủ, như thế việc chuyển điều hành giá thường xuyên từ Bộ Tài chính sang Bộ công thương cũng là chuyện bình thường.
 
“Tuy nhiên, Bộ Tài chính với vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của mình, chúng tôi vẫn thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn và trong quá trình điều hành thì vẫn xong hành, thay vì trước kia Bộ Tài chính chủ trì thì bây giờ Bộ Công thương chủ trì.
 
Trong một lần điều hành Bộ Tài chính sẽ tham gia với Bộ Công thương để Bộ Công thương ra công bố. Báo cáo với Quốc hội chúng tôi cho như thế vẫn là minh bạch, minh bạch ở đây còn là vấn đề, báo cáo Quốc hội câu chuyện về giá xăng dầu rất nhiều chuyện mà chúng ta cũng phải suy nghĩ, nghiên cứu một cách tổng thể để điều hành làm sao cho nó trúng, nó đúng và phải mềm dẻo theo cơ chế thị trường. Câu chuyện các chi phí của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng là câu chuyện chúng ta phải bàn. Nhưng giữa chi phí của nó với xăng dầu theo giá thị trường là hai câu chuyện có quan hệ với nhau, nhưng phần nào đó cũng có vai trò độc lập với nhau”, ông Dũng cho hay.
 
Xăng dầu buôn lậu lớn, Đại biểu truy trách nhiệm Bộ trưởng
 
Đại biểu Lê Thị Nga cũng cho biết, tại kỳ họp thứ 4 đã phản ánh về thực trạng yếu kém trong quản lý tạm nhập tái xuất xăng dầu. Thực tế đã không kiểm soát được đường đi của xăng dầu để doanh nghiệp trộn lẫn, không bóc tách được loại tái xuất với loại bán nội địa, cho tạm nhập rồi quên kiểm tra tái xuất để cho doanh nghiệp lũng đoạn thị trường, gây thất thu thuế. Năm 2009 đến 2012 các doanh nghiệp đã quên tái xuất đến gần 2 triệu tấn xăng dầu.
 
Chúng tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết trách nhiệm của hai bộ trong việc xảy ra tình trạng trên. Tại kỳ họp đó tôi cũng đã kiến nghị Bộ Tài chính là cần triệt để chống thất thu ở khâu này để bù vào giá xăng dầu, giảm gánh nặng cho dân. Thời gian qua Bộ Tài chính đã làm gì để thực hiện kiến nghị này?
 
Trước thực trạng này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định đang quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại và mặt trận xăng dầu là mặt trận rất nóng bỏng.
 
Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã tập trung tăng cường chống buôn lậu và gian lận thương mại, chỉ đạo cơ quan hải quan, cơ quan thuế phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng làm việc này và có kết quả cụ thể. Hải quan đã lập 3 chuyên án, bắt khởi tố và chuyển cơ quan chức năng điều tra tiếp tục 3 chuyên án về xăng dầu, 2 vụ án trên vùng biển Nam Định và Thanh Hóa, một vụ trên tuyến đường bộ của Cao Bằng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên xăng dầu hàng không Việt Nam Vinaco. Kết quả đấu tranh phát hiện đã bắt giữ được 3.500 tấn xăng dầu, giá trị vi phạm khoảng 70 tỷ đồng. Cơ quan hải quan đã khởi tố chuyển cơ quan công an cả 3 vụ và riêng cơ quan công an cũng đã khởi tố 18 bị can.
 
“Trong vụ bắt ở vùng biển Nam Định, Thanh Hóa, lực lượng chống buôn lậu của hải quan với lực lượng công an đã phối hợp rất chặt chẽ. Chúng tôi báo cáo với Quốc hội là anh em phải làm những biện pháp rất nghiệp vụ, ngay những người làm chống lậu trong hải quan, trong việc này có những người phụ trách địa bàn cũng không được biết. Anh em làm rất nghiệp vụ thì mới bắt được và đã khởi tố”, ông Dũng chia sẻ.
 
Bộ trưởng Dũng cũng cho biết, đã kiến nghị với Quốc hội sửa đổi Luật quản lý thuế. Theo đó đối với hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất nói chung và mặt hàng tạm nhập, tái xuất xăng, dầu nói riêng phải nộp thuế trước khi làm thủ tục tạm nhập. Trường hợp chưa nộp được thuế thì phải có bảo lãnh của ngân hàng thì mới cho tạm nhập; tức là nộp thuế thì mới cho tạm nhập, đảm bảo không bị thất thu thuế.
 
Anh Dũng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo