Đại biểu Phạm Trọng Nhân thẳng thắn về việc cải cách hành chính
Sáng nay 30-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016. Theo báo Pháp luật TP HCM.
Báo cáo của Đoàn giám sát cho biết, việc quản lý biên chế công chức, viên chức giai đoạn 2011-2016 được thực hiện thống nhất trên cả nước theo quy định của nhiều Luật và Nghị định. Tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện trong giai đoạn 2011 - 2016 có xu hướng giảm. Đặc biệt là trong giai đoạn 2014 - 2016 với số lượng giảm trung bình mỗi năm khoảng hơn 4.000 biên chế và tiếp tục giảm trong năm 2017. Một số Bộ, ngành, địa phương đã tích cực sắp xếp lại tổ chức bộ máy để tinh giản biên chế.
Cũng theo báo cáo, đa số các Bộ, ngành, địa phương chấp hành tốt các quy định của pháp luật, thực hiện quản lý và sử dụng đúng, thậm chí ít hơn số biên chế được giao. Trong đó, có 1 Bộ và 1 cơ quan ngang Bộ sử dụng đúng biên chế, 13/15 Bộ không sử dụng hết biên chế được giao tại các tổng cục trực thuộc; 20/20 Bộ, cơ quan ngang Bộ dư biên chế tại các vụ, cục trực thuộc.
Một số Bộ, cơ quan ngang Bộ còn dư biên chế với số lượng khá lớn. Cụ thể như: Bộ Tài chính còn dư 6.318/71.714 biên chế, Bộ Tư pháp dư 385/9.807 biên chế; Bộ Nội vụ còn dư 492/872 biên chế, Bộ Ngoại giao dư 334/1.179 biên chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dư 126/586 biên chế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dư 604/4.986 biên chế tại các vụ, cục...
Báo Một thế giới cho biết, tham gia phát biểu thảo luận tại hội trường QH sáng nay, Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) thẳng thắn cho rằng, việc cải cách hành chính chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân.
Đại biểu Nhân nói: “Từ sau vụ quán café Xin chào, tôi nghĩ đã khép lại những hành vi trì trệ, vô cảm của đội ngũ cán bộ. Chỉ một vụ việc cỏn con mà đích thân người đứng đầu của Chính phủ phải ra tay giải quyết. Nay vụ việc ống nước ở Quán Thánh cũng kéo cả bộ máy chính quyền từ Trung ương và địa phương vào cuộc, như gáo nước gạt thẳng vào những người có trách nhiệm đang cố gắng xây dựng nền hành chính hiện đại”.
Vị đại biểu này cũng nhấn mạnh: “Vụ việc ống nước ô nhiễm ở Quán Thánh không đáng sợ bằng ô nhiễm tư duy đã len lỏi vào một số cán bộ công chức hiện nay”.
Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, để cải cách hành chính hiệu quả, quan trọng nhất vẫn là nhận thức, tư duy của cán bộ công chức viên chức. “Cải cách tổ chức hành chính nhà nước dễ mà hóa ra khó. Cái khó ở đây là do lợi ích cục bộ và nhóm còn quá lớn, lấn át cả nhận thức và tư duy”. Theo đó, cần phải có “bàn tay sắc” để xử lý tình trạng này, tăng tinh chế bộ máy, chống tình trạng tham nhũng…
Còn Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) thì đánh giá, trong khi hướng tới việc tinh giản biên chế thì hệ thống văn bản còn nhiều sơ hở, một số văn bản làm phát sinh biên chế. Bên cạnh đó có tình trạng tùy tiện trong tổ chức, đề bạt, thành lập thêm các vụ, cục để “phong hàm”.
Đại biểu Phạm Văn Hoà bày tỏ bức xúc: “Quy định của Bộ không vượt 4 thứ trưởng nhưng có bộ có tới 9 người. Việc làm này khiến trung ương làm được thì tỉnh làm được, tỉnh làm được thì xã làm được, Bộ làm được thì vụ, cục cũng làm được…”.
Cũng theo đại biểu tỉnh Đồng Tháp, cấp phó tăng nhanh trong cơ quan đảng và đoàn thể. Thực tế có tình trạng một số phòng ban chỉ có lãnh đạo, không có nhân viên nhưng trong thời gian dài không bị xử lý.
End of content
Không có tin nào tiếp theo