Đại biểu QH nói về vụ cháu bé 18 tháng bị bảo mẫu đánh chết
Về vụ bé trai 18 tháng tuổi bị bảo mẫu đánh chết ở quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, trả lời Infonet, ĐB Nguyễn Thị Khá (Đoàn Trà Vinh) cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền sở tại.
“Nếu không cương quyết xử lý, cách chức khi lãnh đạo để xảy ra sự việc nghiêm trọng trên địa bàn quản lý, mà cứ nể nang, né tránh bằng hình thức kiểm điểm tập thể, thì sự việc tương tự vẫn diễn ra và hậu quả người dân lại gánh chịu”, bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh.
Thưa bà, qua vụ việc bé trai 18 tháng tuổi bị bảo mẫu hành hạ dẫn đến tử vong mới xảy ra tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, dư luận cho rằng lỗi chính trong vụ việc này là do chính quyền địa phương đã không sát sao trong việc quản lý tình trạng trông trẻ tự phát ngày càng diễn ra phổ biến tại các đô thị. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?
Theo tôi việc mở các cơ sở trông trẻ nhỏ để giúp cho bố mẹ có điều kiện đi làm là một điều tốt, tuy nhiên việc cấp phép cho các cơ sở trông trẻ này như thế nào lại là việc cần phải bàn, từ việc người trông trẻ có trình độ như thế nào, có được đào tạo bằng cấp không, cơ sở đó có đủ điều kiện cấp phép không thì chính quyền phải xem xét nếu đủ điều kiện mới cấp phép thành lập cơ sở trông trẻ được.
Tôi thấy, hiện nay công tác quản lý của nhà nước về lĩnh vực này chưa rõ ràng, địa phương là người cấp phép, quản lý theo dõi trực tiếp lĩnh vực này chưa sát sao. Đặc biệt, trong thời gian gần đây tôi thấy nhiều trường hợp như trẻ em bị bạo hành, tử vong, rồi bác sỹ thẩm mỹ viện phi tang xác nạn nhân... Qua đó tôi thấy vai trò quản lý nhà nước của cấp chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa làm hết trách nhiệm của mình nên để xảy ra tình trạng cháu bé 18 tháng tuổi bị tử vong do bảo mẫu đánh đập tại quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh mới đây. Đó là sự việc đau lòng.
Việc trông trẻ tự phát của bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ (SN 1995) nằm trong khu đô thị của quận Thủ Đức, nhưng không được chính quyền địa phương “để mắt” kịp thời, mặc dù ở mỗi tổ dân phố đều có đầy đủ cán bộ hội, đoàn thể của địa phương?
Thường là khi sự việc đã xảy ra gây hậu quả rồi thì các cơ quan chức năng mới đi thanh tra, tập trung giải quyết hậu quả. Cái đó mới gọi là xử lý công việc phần ngọn. Còn theo tôi thì chính quyền phải có sự vào cuộc từ ngay khi các hoạt động trốn chui trốn lủi, hoạt động không phép diễn ra để tránh hậu quả đáng tiếc.
Vấn đề tôi đặt ra đối với trường hợp này là tại sao những cán bộ của các tổ chức, ban ngành ở địa phương lại không biết được việc này, vì nó không phải là cái kim, mà cái kim giấu trong bọc lâu ngày cũng lòi ra.
Theo tôi, bây giờ cần quy định trách nhiệm đối với lãnh đạo địa phương khi để xảy ra ra những vấn đề như vậy. Bởi khi anh có quyền thì phải gắn trách nhiệm của anh phải chịu khi để xảy ra những sự việc gây hậu quả nghiêm trọng trên địa bàn anh quản lý, có như thế thì bắt buộc anh phải kiểm tra giám sát thường xuyên và phân công trách nhiệm đối với từng cán bộ mình quản lý.
Còn lãnh đạo có quyền mà không thấy được trách nhiệm khi để xảy ra những sự việc đau lòng trên địa bàn mình quản lý là không được. Cái này là tôi bất bình. Do không thực hiện hết trách nhiệm của mình nên khi để xảy ra hậu quả mà người dân vẫn luôn là người phải gánh chịu. Phải quy trách nhiệm cho chính quyền địa phương.
Việc quy trách nhiệm cho chính quyền địa phương mỗi khi có sự việc nghiêm trọng xảy ra chỉ thấy nói suông. Phải chăng, từ sự việc này có nên cách chức lãnh đạo phường sở tại để “răn đe”, tránh những vụ việc tương tự xảy ra, thưa bà?
Theo tôi để làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo địa phương khi để xảy ra sự việc đau buồn như vậy thì trong luật phải ghi rõ trách nhiệm, tốt thì khen, sai thì xử lý. Hiện nay công tác này vẫn còn chung chung, vẫn theo chế độ tập thể, tuy nhiên chính quyền là vai trò thủ trưởng nhưng khi có vấn đề xảy ra lại quy trách nhiệm cho tập thể.
Tôi cũng không hiểu sao các tổ chức đoàn thể ở tổ dân phố, khu dân cư như hội phụ nữ, thanh niên, mặt trận tổ quốc, người cao tuổi...tại địa bàn nơi cháu bé tử vong lại không phát huy được vai trò của mình, có thể nơi trông cháu bé cũng gần ngay đó thôi.
Theo tôi, khi có sự việc nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn thì mỗi khi họp HĐND, UBND thì cần tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người lãnh đạo phụ trách lĩnh vực để xảy ra sự việc như vậy và anh phải từ chức nếu có số tín nhiệm thấp. Chứ cứ để tình trạng như bây giờ thì thế rất khó xử lý. Còn nếu để xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì cần phải xử lý theo pháp luật, chứ không có cách nào khác. Nếu không cương quyết xử lý, cách chức mà cứ nể nang, né tránh bằng hình thức kiểm điểm tập thể, thì hậu quả ai chịu trách nhiệm với tập thể đó và hậu quả vẫn diễn ra và người dân lại gánh chịu.
Xin cảm ơn bà!
InforNet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo