Đại biểu Quốc hội đề nghị siết quản lý vốn đầu tư Nhà nước
Tiếp tục phiên họp thường trực mở rộng, chiều 11/4, các thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã thẩm tra sơ bộ dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Dự án sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 27 (dự kiến từ 14-24/4/2014) và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII (tháng 5/2014).
Đa số các thành viên Ủy ban Kinh tế nhất trí với việc ban hành dự án luật nhằm khắc phục các hạn chế, tồn tại phát sinh trong thực tiễn đầu tư, quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp trong thời gian qua; đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước trong việc định hướng, tổ chức lại, nâng cao, phân định vai trò quản lý nhà nước; phù hợp với quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đảm bảo tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan.
Các thành viên Ủy ban cho rằng dự án luật cần kế thừa những quy định dưới Luật đang thực hiện ổn định, bổ sung những vấn đề đang diễn ra trong thực tiễn cần có sự quản lý của nhà nước; phân định quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước, đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp đồng thời dự án luật cũng cần khắc phục được việc doanh nghiệp sử dụng vốn, tài sản để đầu tư vào sản xuất kinh doanh không đúng mục tiêu, chiến lược, đầu tư dàn trải; tuân thủ nguyên tắc phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo bình đẳng giữa mọi thành phần kinh tế trước pháp luật, thực hiện công khai, minh bạch và giám sát chặt chẽ mọi hoạt động trong đầu tư và quản lý vốn đã đầu tư của Nhà nước vào doanh nghiệp.
Về tên gọi của dự án luật, theo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và phân công của Thủ tướng Chính phủ, tên của dự án Luật là "Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh."
Tuy nhiên, Ban soạn thảo dự án Luật đề nghị đổi tên luật là "Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp" để xác định phạm vi điều chỉnh của Luật thành hai nhóm vấn đề: Đầu tư vốn của Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý vốn của nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp.
Một số thành viên Ủy ban Kinh tế đề nghị dự án luật lấy tên "Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp", ý kiến khác lại đề xuất tên gọi "quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp." Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng nên giữ 4 tên gọi này trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, xem xét.
Nhiều thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đều cho rằng phạm vi điều chỉnh của luật "quy định việc đầu tư, quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và giám sát các hoạt động đầu tư, quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp" là quá rộng vì vậy cần rà soát lại cho cụ thể.
Các thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ ràng hơn các chế tài xử lý vi phạm; rà soát, xem xét các điều khoản của dự án luật tránh chồng chéo với các luật khác; hoàn chỉnh báo cáo đủ điều kiện để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, thông qua.
Tại phiên họp, các đại biểu cho ý kiến về một số nội dung khác như: quy định rõ các cấp thực hiện giám sát, lộ trình giám sát, lĩnh vực giám sát, vai trò của Quốc hội, chính phủ, địa phương trong lĩnh vực này; vấn đề thoái vốn, quản lý vốn, đối tượng áp dụng dự án Luật, vai trò của Nhà nước trong đầu tư và quản lý vốn tại doanh nghiệp…/
VietnamPlus
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo