Đại biểu Quốc hội hy vọng sớm thông qua Luật biểu tình
Thảo luận tại Hội trường về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015, đa số đại biểu đồng tình với những nội dung cơ bản trong tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các đại biểu cho rằng, thời gian qua công tác xây dựng pháp luật đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế. Tiến độ chuẩn bị các dự án luật và chất lượng ngày càng được nâng cao. Đó là cố gắng lớn của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan.
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn nhiều hạn chế như: Chất lượng của một số dự án luật chưa cao. Việc gửi tài liệu của nhiều dự án luật đến các ủy ban để thẩm tra, đại biểu Quốc hội nghiên cứu không đúng thời gian quy định làm ảnh hưởng đến chất lượng và chương trình làm việc của Quốc hội.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nói: “Tôi thiết tha đề nghị cho ý kiến dự án Luật Biểu tình vào kỳ 10, thông qua tại kỳ 11”. ĐB Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) cũng phát biểu: “Tôi hoàn toàn tán thành đưa vào chương trình dự án Luật Biểu tình. Luật này đưa ra càng sớm càng tốt, đặc biệt là trong tình hình Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta, người dân rất muốn biểu lộ ý chí nguyện vọng một cách hợp pháp”.
Nêu nguyên tắc ưu tiên triển khai các dự án luật nhằm triển khai Hiến pháp 2013, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) tán thành ý kiến của ĐB Trần Ngọc Vinh về việc ưu tiên xây dựng Luật Biểu tình và Luật về Hội. “Chúng ta nói nguồn lực hạn chế, nhưng tôi cho là chúng ta chưa biết cách khai thác các nguồn lực tiềm tàng”, ông Nghĩa bình luận. Ông còn đề nghị Quốc hội có giải pháp huy động sức dân, tận dụng trí tuệ của ĐBQH nghỉ hưu, các chuyên gia pháp lý… chứ không chỉ dựa vào các cơ quan Chính phủ trong việc xây dựng pháp luật.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) thì bình luận: “Nếu trong nhiệm kỳ này Quốc hội không bấm nút thông qua được Luật biểu tình và Luật về hội thì thật là một điều đáng tiếc”. ĐB Trần Quốc Khánh kiên trì nhắc lại đề xuất đưa dự án Luật Hành chính công vào chương trình xây dựng pháp luật.
Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) nhất trí với đề xuất lùi thời hạn trình Luật Biểu tình. Ông giải thích: “Không lùi cũng không được, vì dự án đã trình ra Quốc hội kỳ này đâu”. Tán thành việc dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 “chỉ đưa vào những dự án có thuyết minh rõ ràng, luận cứ thuyết phục”, nhưng ĐB tỏ ra không bằng lòng về việc hiện không có thuyết minh cho từng dự án, thì “căn cứ vào đâu để quyết định chương trình”?
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết cũng cho rằng, cần tránh tình trạng dồn quá nhiều dự án luật vào một cơ quan. ĐB dẫn chứng cụ thể: “Năm 2016, theo chương trình dự kiến này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng sẽ phải nghiên cứu, thẩm tra đến 6 dự án luật, chắc chắn sẽ lại xin điều chỉnh. Đề nghị chuyển các dự án Luật Du lịch, Luật Thể dục thể thao sửa đổi sang chương trình năm 2017”.
Bày tỏ mong muốn sớm được thông qua Luật Biểu tình, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, ĐB Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh: “Trong bối cảnh Trung Quốc xâm phạm chủ quyền quốc gia, xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, người dân rất muốn có điều kiện bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình”.
Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định) cũng nhấn mạnh: "Cử tri rất mong mỏi, quan tâm có Luật Biểu tình, họ đều đặt câu hỏi vì sao Quốc hội mãi không đưa vào chương trình, trình lấy ý kiến và thông qua luật này?"
End of content
Không có tin nào tiếp theo