Xã hội

Đại biểu Quốc hội không được quay phim, chụp ảnh tại lễ nhậm chức

(DNVN) - Trong lúc diễn ra Lễ tuyên thệ, các đại biểu không được quay phim, chụp ảnh; không đứng ngồi ngả nghiêng làm giảm tính trang nghiêm của nghi lễ...

Như tin đã đưa, chiều 21/7, Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu và tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, bằng hình thức bỏ phiếu kín. Chủ tịch Quốc hội khóa XIII Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên làm việc.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Chủ tịch Quốc hội khóa XIII Nguyễn Thị Kim Ngân báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. 

Tiếp đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Kết quả, với 97,17% Đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua việc giới thiệu đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV. 

Bên cạnh đó, 4 đồng chí Phùng Quốc Hiển, Uông Chu Lưu, Tòng Thị Phóng, Đỗ Bá Tỵ với 97,76% Đại biểu Quốc hội tán thành thông qua để Quốc hội bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XIV.

Với 95,55% Đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua danh sách nhân sự để bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, cụ thể gồm 13 đồng chí: Nguyễn Thúy Anh; Phan Thanh Bình; Hà Ngọc Chiến; Phan Xuân Dũng; Nguyễn Khắc Định; Nguyễn Văn Giàu; Nguyễn Đức Hải; Nguyễn Thanh Hải; Lê Thị Nga; Nguyễn Hạnh Phúc; Vũ Hồng Thanh; Trần Văn Túy; Võ Trọng Việt.

Tiếp đó, Quốc hội đã thành lập Ban kiểm phiếu và tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín.

 Bà Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch QH khoá XIII. Ảnh: Báo NLĐ.

Theo chương trình dự kiến, sáng mai 22/7, Ban kiểm phiếu sẽ công bố kết quả kiểm phiếu; Quốc hội sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội sẽ thực hiện nghi lễ tuyên thệ trước Quốc hội.

Trả lời báo chí, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, lễ tuyên thệ nhậm chức tiến hành với các chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao.

Lễ tuyên thệ được quy định rõ trong Điều 70 Hiến pháp và Điều 8 Luật tổ chức Quốc hội: "Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao phải tuyên thệ trung thành với tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp".

Ngoài nội dung bắt buộc là Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, những nội dung còn lại do người tuyên thệ quyết định, miễn sao phù hợp với chức trách và thời gian không quá 3 phút. Khi đọc những lời thiêng liêng, tay trái người tuyên thệ đặt lên cuốn hiến pháp, tay phải giơ cao.

Theo Tổng thư ký Quốc hội, hình thức tuyên thệ cơ bản giống như đã thực hiện tại kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIII. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ lần trước, để đảm bảo tính trang trọng, trong lúc diễn ra lễ tuyên thệ sẽ mời Đoàn Chủ tịch của Quốc hội xuống bục và tất cả đại biểu Quốc hội đứng lên giống như làm lễ chào cờ.

 

Ngoài ra, trong phần tuyên thệ trước đây có câu: “Đứng trước cờ…”, lần này sẽ được sửa thành “Dưới lá cờ…” và cờ Tổ quốc được kéo cao. Lý giải việc sửa câu nói này, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết nó xuất phát từ việc nghiên cứu văn bản đề nghị của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và nghiên cứu, tiếp thu 68 văn bản nghi lễ tuyên thệ từ các nước trên thế giới.

Đáng chú ý, trong lúc diễn ra Lễ tuyên thệ, các đại biểu không được quay phim, chụp ảnh; không đứng ngồi ngả nghiêng làm giảm tính trang nghiêm của nghi lễ.

Nên đọc
Hòa Hậu (t/h)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo