Đại biểu Quốc hội "nhặt sạn" dự thảo Luật xây dựng
Chiều nay, thảo luận về Luật xây dựng sửa đổi, nhiều ĐBQH đề nghị cần xem xét điều chỉnh một số điều khoản, ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư và đơn vị thi công các công trình, đồng thời cũng phải tránh gây phiền hà cho người dân
“Ăn bát phở không thể bị đòi tiền trang trí…”
ĐBQH Hoàng Hữu Phước (TP Hồ Chí Minh) nêu ba nội dung cần phải xem xét:
Thứ nhất, về các loại hợp đồng xây dựng, Điều 135, Khoản 2, Điểm c, hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ, kính xin Ban soạn thảo xem xét lại vì do hợp đồng xây dựng là giữa bên giao thầu và bên nhận thầu. Hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ khó có thể được liệt kê như một trong những loại hợp đồng xây dựng mà là hợp đồng mua bán đơn thuần giữa bên mua thiết bị công nghệ và bên bán thiết bị công nghệ ấy.
Trong trường hợp này bên nhận thầu thường là bên mua khác với công trình xây dựng gia dụng của cá nhân mà chủ nhà hay giành lấy phần mua sắm. Bên bán thiết bị công nghệ do đó chỉ có nghĩa vụ thực hiện và chịu trách nhiệm thực hiện phần việc của mình như ghi trong hợp đồng mua bán giữa họ với nhau chứ không chịu trách nhiệm bất kỳ đối với bên giao thầu. Đồng thời bên giao thầu không có nghĩa vụ và trách nhiệm thanh toán với bên bán thiết bị công nghệ.
Thứ hai, về xây dựng công trình đặc thù, Điều 123.1, công trình bí mật nhà nước cần ghi vài chi tiết nhằm cho thấy mức độ cao cấp đòi hỏi công nghệ cao chẳng hạn như hầm trú ẩn khi có sự cố vụ nổ hạt nhân trong hoặc không trong chiến tranh v.v... Điều 123 cần có thêm Điều 123.4 mới, chuyển Điều 123.4 hiện có thành Điều 123.5, cụ thể điều mới liệt kê ít nhất vài công trình xây dựng đặc thù, chẳng hạn như công trình thủy lợi, thủy điện, phong điện, điện nguyên tử, kể cả nhiệt điện; công trình xây dựng sân bay, bến cảng, cầu qua sông, vượt biển; công trình giao thông đường hầm xuyên núi, dưới lòng đất, trên cao, xuyên phố thị; công trình xây dựng các khu vui chơi giải trí hiện đại; các tòa nhà siêu cao tầng, siêu rộng, siêu sâu.
Mục đích của việc liệt kê này là để diễn giải ý nghĩa của đặc thù vốn luôn đòi hỏi công nghệ cao, không những nơi đội ngũ chuyên viên đảm trách các phần việc mà còn trong việc xây dựng, kể cả công tác quản lý thi công, giám sát thi công và nghiệm thu v.v..., luôn đi kèm theo đó là trách nhiệm trước pháp luật, kể cả đối với luật hình.
Thứ ba, về giám sát thi công xây dựng công trình, do giám sát thi công là khâu quan trọng, dễ phát sinh tiêu cực, góp phần trầm trọng hóa vấn nạn tham nhũng nhưng thường bị xem thường hoặc lợi dụng, hoặc chỉ có hình thức cho vui dẫn đến việc đã có những cột mốc công nghệ bê tông cốt tre dọc xuyên quốc lộ, hay công trình xây nhà máy thủy điện bị xe tải hạng trung chạm vỡ như bách bích quy hoặc nước chảy lờ đờ. Để đảm bảo các Điều 116.3.c quy định việc giám sát thi công xây dựng phải trung thực, khách quan, không vụ lợi, Điều 117.2.đ quy định chủ đầu tư xây dựng có nghĩa vụ không được thông đồng hoặc dùng ảnh hưởng của mình để áp đặt làm sai lệch kết quả giám sát và Điều 118.2.c quy định nhà thầu giám sát thi công có nghĩa vụ không được thông đồng với nhà thầu thi công xây dựng với chủ đầu tư có các hành vi vi phạm khác làm sai lệch kết quả giám định.
Dự thảo nghị định về quản lý chất lượng công trình xây dựng cần được biên tập lại các Điều 27 và 31 theo hướng thêm các chi tiết nghiêm ngặt hơn, có nhiều những giá trị cộng thêm hơn. Chẳng hạn Điều 27 nên có quy định số lượng nhân sự phải đông cho mỗi nội dung giám sát vì sẽ khiến kẻ muốn kết quả giám sát sai lệch phải suy nghĩ lại do tiêu cực phí "bôi trơn" tăng cao.
Ông Phước nêu thí dụ: “Mỗi khi một công trình xây dựng hoàn tất phải có cảnh nhếch nhác của xà bần, rác rưởi, bụi bẩn. Còn công trình cầu vượt sông ở nhiều nơi là nơi tập kết rác và vật liệu xây dựng ngổn ngang ở các gầm cầu, trong khi phim ảnh Hàn Quốc cho thấy dạ cầu chính là nơi tuyệt đẹp về đêm mà các nhân vật trong phim hay lái xe đến đó để nói chuyện, tâm tình, sang trọng, quý phái hoặc gào to, hét lớn để giải tỏa nỗi lòng. Phải ấn định việc tạo cảnh quan cho công trình là trách nhiệm đương nhiên của bên nhận thầu đối với môi trường, không được tính chi phí trong giá trị thi công của hợp đồng. Ăn bát phở mà đòi thêm tiền cho tranh ảnh trang trí, quét rác, lau sạch bàn ghế sau mỗi lần phục vụ thực khách thì không phải”.
Cũng theo ĐB Phước, đây là bộ luật được sự quan tâm của các nhà thầu và các nhà đầu tư nước ngoài, xin Ban biên tập vui lòng dùng bảng chữ cái tiếng Anh trong đánh số các điều, khoản, vì cách dùng a, b, c, d, đ, e, g rất kỳ lạ, do đã không dùng các chữ cái tiếng Việt khác như ă, â, ê, v.v... còn chữ đ không thể ghi trong bản dịch tiếng Anh của luật này và người nước ngoài cùng luật sư của họ không hiểu đ là ký hiệu gì, phát âm ra sao, gõ thế nào, trong văn bản họ có thể gửi đến cơ quan chức năng của ta, nội dung này tôi đã gửi đến lãnh đạo Quốc hội để mong được áp dụng trong tất cả các bộ luật của Việt Nam.
Tránh gây khó khăn cho người dân
ĐBQH Phạm Thị Mỹ Lệ (Bình Phước) cho rằng, về các bước thiết kế xây dựng công trình, Điều 67, Khoản 1 quy định thiết kế xây dựng công trình gồm thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ, thiết kế thi công và các bước thiết kế khác theo thông lệ quốc tế. Trong khi nhiều công trình xây dựng dân dụng nhà ở nhỏ lẻ do người dân đầu tư xây dựng, công trình thiết kế phải đầy đủ, thiết kế bản vẽ như đã nêu trên. Ngoài ra, dự thảo luật còn quy định các bước thiết kế theo thông lệ quốc tế cụ thể là như thế nào.
“Do đó, với nội dung dự thảo như trên là không thực tế, không có tính khả thi, chỉ gây khó khăn cho người dân. Nên tôii đề nghị dự thảo luật cần quy định cụ thể đối với từng loại công trình khác nhau thì quy định các bước thiết kế khác nhau để cho phù hợp thực tế hơn”, ĐB Lệ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo ĐB Lệ, về điều kiện cấp giấy phép xây dựng, Điều 79 dự thảo luật quy định điều kiện cấp giấy phép xây dựng là có thiết kế xây dựng được duyệt theo quy định, bảo đảm chất lượng và an toàn có nhà thầu thi công xây dựng đủ điều kiện năng lực theo quy định. Như vậy, theo dự thảo luật trước khi cấp giấy phép xây dựng thì phải có thiết kế xây dựng được duyệt theo quy định, có nhà thầu thi công xây dựng đủ điều kiện năng lực theo quy định.
Vậy đối với nhà ở riêng lẻ của người dân thì trước khi được cấp giấy phép xây dựng thì bắt buộc phải xin phép duyệt thiết kế trước. Với quy định như trên chỉ gây khó khăn, tốn kém cho người dân.
“Theo tôi dự thảo luật cần phải quy định cụ thể đối với công trình xây dựng nào khi cấp giấy phép xây dựng phải có thiết kế xây dựng được duyệt theo quy định. Còn đối với nhà ở riêng lẻ của nhân dân thì không nên bắt buộc phải có thiết kế xây dựng được duyệt theo quy định mới được cấp phép xây dựng. Dự thảo luật còn quy định điều kiện cấp phép xây dựng là phải có nhà thầu thi công là hết sức vô lý, bởi vì chưa có giấy phép xây dựng thì cơ sở nào thuê nhà thầu thi công. Theo tôi điều kiện này chỉ gây khó khăn cho người dân, không thực tế, nên tôi đề nghị Điều 79 dự thảo luật nên bỏ quy định này”, ĐB Lệ nói.
Cũng theo ĐB Phạm Thị Mỹ Lệ, Khoản 3 Điều 79 quy định điều kiện cấp giấy phép xây dựng là phải có nhà thầu thi công xây dựng đủ điều kiện, năng lực theo quy định. Dự thảo luật cũng không có điều, khoản nào quy định bản vẽ thiết kế xây dựng bắt buộc phải có nội dung, có chữ ký và có con dấu của nhà thầu thi công. Do đó dự thảo luật quy định bản vẽ xây dựng phải chứng minh được điều kiện có nhà thầu thi công là trái luật.
“Tôi đề nghị bỏ nội dung này, ngoài dự thảo luật còn quy định hồ sơ cấp phép xây dựng còn có các tài liệu khác có liên quan. Việc quy định như trên dễ dẫn đến tiêu cực, gây khó khăn khi cấp giấy phép xây dựng cho người dân. Do đó tôi đề nghị nên bỏ quy định này”, ĐB Lệ đề xuất.
Anh Dũng
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo