Đại biểu Quốc hội thẳng thắn nêu 6 bất an của người dân
Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 9/6, Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội, đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong đã thẳng thắn nêu lên 6 nỗi bất an của người dân Việt Nam.
Thứ nhất, ông Phong nêu vấn đề, "tại sao Chính phủ hành động, kiến tạo và liêm chính trong khi đất nước có cả hệ thống chính trị. Chức năng của Chính phủ là kiến tại, tại sao hành động và liêm chính sao không song hành".
Tiếp theo, theo ông Phong, tham nhũng và lãng phí quá lớn và chưa được chặn đứng là vấn nạn đưa quốc gia đến bờ vực của sa sút lòng tin. "Tiền người dân chắt chiu gom góp trong mồ hôi, nước mắt nhưng tham nhũng nhiều, lãng phí lớn là dấu hiệu hết sức đáng báo động", ông nói.
Bên cạnh đó, việc xuất hiện dấu hiệu mất cân đối ngân sách, tính ổn định bền vững của kinh tế vĩ mô chuyển biến chậm; các yếu tố tăng trưởng chưa tận dụng hết. Đặc biệt là nặng về đầu tư công trong khi hiệu quả đầu tư thấp, nợ công còn cao, nếu theo chỉ số nợ công thì hiện mỗi người dân Việt Nam có thể gánh 1.000 USD và xu hướng còn tăng trong những năm tới.
"Áp lực trả nợ quá lớn, chi đầu tư phát triển chưa cân bằng, chi thường xuyên gần 70%, mức bội chi 3 lần tăng trưởng, như vậy chúng ta là làm 1 đồng tiêu 3 đồng. Người dân hưởng lợi và tạo sinh kế từ kết quả tăng trưởng GDP chưa như mong muốn", ông Phong cho biết.
Bất an thứ tư theo ông Phong là tình trạng thương mại hoá các quan hệ xã hội, đồng tiền đã chi phối nhiều hoạt động và làm phai nhạt tính công tâm của cơ quan công quyền. "Đáng lo hơn, đồng tiền đã làm suy thoái đạo đức, có lúc dẫn dắt cả chính sách, đâm thủng pháp luật", ông nói và nêu minh chứng về hiện tượng chạy ở Việt Nam.
"Trong bụng mẹ là chạy chỗ sinh đẻ, đi học phổ thông các cấp và đại học thì chạy trường, chạy lớp, chạy điểm; tuyển dụng thì chạy chỗ, chạy chức, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển; vi phạm pháp luật thì chạy truy tố, chạy án, thậm chí chạy khỏi tổ quốc, đến nơi Việt Nam chưa ký kết hiệp định dẫn độ để an thân", ông Phong phát biểu ý kiến.
Bất an thứ năm, theo đại biểu tỉnh Bến Tre là việc, người dân Việt Nam hiện không thể an tâm khi nhiều nơi rừng đã hết, có chỗ biển gặp sự cố môi trường nặng nề, tài nguyên khoáng sản quốc gia cho các đời sau dần cạn kiệt. Đất ở, đất sản xuất cho một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số không có, trong khi đất nông lâm trường hoạt động kém hiệu quả, thậm chí còn phát canh thu tô.
Ông cũng lo ngại về chính sách trải thảm và sử dụng lao động giá rẻ, kêu gọi đầu tư nhưng thiếu trách nhiệm trong thẩm định, đánh giá dự án khiến từng bước biến Việt Nam thành điểm đến của công nghiệp rác, công nghệ lạc hậu.
"Đừng vì những lợi ích tức thời mà buông bỏ tương lai dân tộc. Tiền có thể nhiều đến đâu cũng không mua lại được môi trường tươi đẹp đã mất", ông Phong nói.
Và cuối cùng, đại biểu Phong đề cập đến bất an trong cuộc sống hàng ngày. Ăn cơm thì sợ an toàn vệ sinh thực phẩm, bước ra đường thì sợ an toàn giao thông, gặp chuyện bất bình thì không dám can thiệp. "Mỗi thứ đều do người Việt hại người Việt và từng bước biến sự vô cảm thành vấn đề đạo đức mang tính phổ biến", đại biểu Phong nhấn mạnh trên nghị trường.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững