Đại biểu thảo luận về tổ chức xúc tiến thương mại ở nước ngoài
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật quản lý ngoại thương cho thấy, về tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài, có ý kiến đề nghị không quy định tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài trong dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị cần thiết quy định về tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài trong dự thảo Luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin cho rằng, việc không quy định thành lập một tổ chức mới là tổ chức xúc tiến thương mại của Việt Nam tại nước ngoài thuộc Bộ Công Thương tại dự thảo Luật phù hợp với chủ trương tinh giản tổ chức, bộ máy theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc thành lập các tổ chức và các cơ quan mới.
Thảo luận tại Hội trường về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Đinh Công Sỹ - tỉnh Sơn La cho rằng, dự thảo trình lần này đã bỏ quy định về thành lập cơ cấu tổ chức xúc tiến thương mại nhưng lại gián tiếp quy định tại Điểm b, Điểm đ, Khoản 1, Điều 108. Việc thành lập tổ chức xúc tiến thương mại ở nước ngoài cần tuân thủ chủ trương về tinh giảm biên chế, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về nguyên tắc thành lập tổ chức xúc tiến thương mại theo hướng đưa hiệu quả hoạt động của tổ chức xúc tiến thương mại đặt lên hàng đầu và đại biểu không đồng tình với việc sử dụng ngân sách nhà nước hoàn toàn để chi trả và duy trì các hoạt động của tổ chức này.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Tuân- tỉnh Thái Bình cho rằng, trong xu thế hội nhập quốc tế như hiện nay, việc thực hiện nhiệm vụ xúc tiến thương mại ở nước ngoài là cần thiết. Tuy nhiên đại biểu đề nghị, không nên thành lập tổ chức xúc tiến thương mại riêng, mà Chính phủ giao nhiệm vụ này cho các tổ chức của Việt Nam ở nước ngoài hoặc các địa phương, các hiệp hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ xúc tiến thương mại để phù hợp với chủ trương tinh giảm biên chế, tổ chức bộ máy biên chế theo tinh thần nghị quyết số 39 ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị.
Đại biểu Quốc hội Ngô Đức Mạnh- tỉnh Bình Thuận cho rằng, nếu phải thành lập và cho phép thành lập các tổ chức xúc tiến thương mại và được quy định ở Điều 108, 109 thì các hội, các tổ chức cá nhân đều có quyền thành lập các tổ chức xúc tiến thương mại. Nói như thế có nghĩa rằng, bên cạnh cơ quan nhà nước thì các tổ chức, các thành phần kinh tế cũng đều được tham gia. Điều này giúp cho công tác thông tin của những xúc tiến thương mại của chúng ta triển khai có hiệu quả hơn. Đại biểu đề nghị cần phải công khai minh bạch, Ban soạn thảo cần phải quy định những nguyên tắc mà nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức này.
Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà- tỉnh Lào Cai lại cho rằng không nên quy định thành lập tổ chức xúc tiến thương mại trong dự thảo luật. Đại biểu đề nghị, nên tăng cường vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, trong đó đã có đại diện của Bộ Công Thương mà trước khi sáp nhập theo Luật cơ quan đại diện là các cơ quan đại diện thương mại, Bộ Khoa học và Công nghệ... và tăng cường vai trò của các hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức kinh tế thành lập trong thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại.
Trong khi đó, đồng tình với giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nhưng đại biểu Quốc hội Dương Xuân Hòa- tỉnhLạng Sơn băn khoăn nếu không có hệ thống tổ chức thống nhất từ trong nước ra nước ngoài thì vấn đề đầu tư xuất nhập khẩu có đảm bảo chất lượng, hiệu quả và phù hợp không. Nếu giao cho các đại sứ quán như ý kiến của một số đại biểu thì đại sứ quán có chức năng, nhiệm vụ và đủ sức đảm đương nhiệm vụ này không. Còn nếu cho rằng không thành lập tổ chức mới để tinh giản biên chế, đại biểu đề nghị phải nhìn nhận thêm là cái gì cần thiết, có lợi cho đất nước, cho nền kinh tế, nhất là vấn đề ngoại thương thì vấn đề thêm tổ chức và tinh giản không phải là việc bắt buộc. Theo đại biểu, nên căn cứ vào mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước, vùng lãnh thổ để xem xét nơi nào cần thành lập tổ chức xúc tiến thương mại, nơi nào không cần để hợp lý hơn.
Giải trình trước Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, để tiếp tục thúc đẩy phát triển thương mại, nếu chúng ta chỉ trông chờ và chỉ giao duy nhất nhiệm vụ cho cơ quan đại diện thì sẽ vướng mấy vấn đề. Một là, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài sẽ khó để có thể tham gia trực tiếp vào các hoạt động xúc tiến thị trường. Hai là, nguồn lực của chúng ta sẽ không thực thi được theo hướng xã hội hóa, làm sao để huy động nguồn lực của doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương và cơ quan để phục vụ cho hoạt động phát triển thị trường dưới nhiều hình thức khác nhau. Vì vậy, Bộ Công thương đề nghị Quốc hội xem xét cho ý kiến để có thể có cơ chế linh hoạt và có thể khai thác tối đa các nguồn lực để phục vụ cho phát triển thương mại, cũng như hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp trong quá trình hội nhập và trong phát triển thương mại quốc tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
HoSE xem xét huỷ niêm yết bắt buộc đối với Thiên Nam TNA
Xăng dầu tăng giá mạnh, RON 95 lên sát 21.000 đồng/lít
Đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp Canada với thị trường Việt Nam
Đưa hàng Việt Nam tiếp cận người tiêu dùng ở Đông Bắc Thái Lan
Giá vàng trong nước tăng mạnh trở lại sáng 8/11 sau khi Fed hạ lãi suất
Giá ngoại tệ ngày 8/11/2024: USD giảm sau khi Fed điều chỉnh lãi suất