Pháp luật

Đại ca giang hồ dằn mặt, 'cướp' tiền đại gia

Đã gọi là cộng sinh thì chắc chắn, yếu tố ràng buộc, thậm chí phụ thuộc nhau được đặt lên hàng đầu. Không ràng buộc sao được khi mối quan hệ của họ rõ ràng là tiền và tiền chứ không phải là ân tình.

Tất nhiên, có ân tình nhưng chỉ với những đại gia "nuôi" giang hồ mà thôi. Thế nhưng, kể cả "nuôi" đi chăng nữa, người ta cũng có những cái rất "độc" để ràng buộc ân tình của nhau, hoặc là chồng thêm ân tình, hai là bỏ ân tình để chồng thêm tiền... Điều đó đúng với nghĩa, thế giới đại gia, giang hồ thật khó hiểu.

 
Cú "đánh" trực diện khôn ngoan, đại gia choáng váng
 
Đại ca Ngọc, người "nuôi" "anh em xã hội" bằng cả ân tình và tiền chứng nhận rằng, để ràng buộc nhau, giữa đại gia và giới giang hồ chỉ tiền và ân tình thôi chưa đủ, chiêu này "xưa hơn diễm" rồi. Bởi, đại gia cứ rao giảng, vì ân tình mà "bố thí" cho "anh em xã hội" tiền để sống thì họ "lếch" (bỏ đi ngay - PV). Khi đã "nuôi" họ, có ân tình với họ phải tạo cho họ có cuộc sống thoải mái, hoà đồng thì họ mới "sống chết vì mình". Hãy tạo cho họ thấy được tôn trọng, được là người bình thường, không khác biệt, có như vậy thì mới không xảy ra "binh biến" hoặc nhạt, lảng tránh trong quan hệ, trong xử lý công việc. Đại gia Ngọc cũng thừa nhận rằng, để nói ra được những điều như trên thì phải làm nhiều hơn, phải thể hiện bằng hành động cụ thể để cả đôi bên "sờ" thấy, nhìn thấy và cùng nhau hưởng thành quả của nó.
 
Chỉ dựa vào ân tình, vào tiền thì mối quan hệ thuê mướn này là "thương vụ", mà đã là "thương vụ" thì giang hồ có quyền lựa chọn cái gì có lợi cho mình thì làm, đại gia không thể trách họ được. ân tình thì cũng có giới hạn nhất định, vượt qua giới hạn đó, giang hồ và đại gia đều tự "lếch" nhau. Thường thì đại gia hay "Mr Oai" nên cứ nghĩ là giang hồ phải luỵ tiền của mình, bị giang hồ "lếch" đến mức nhiều phen bẽ bàng trước mặt quan khách.
 
Thiệt đơn thiệt kép
 
Vụ đó, đại gia Th. phải chuyển nhượng dự án đã đầu tư hơn 40 tỉ đồng, chưa kể các loại tiền để có được dự án, cho một đối tác với giá chưa đến 10 tỉ. Lý do, nếu đại gia Th. tiếp tục thực hiện dự án sẽ bị "anh em xã hội" liên tục "hỏi thăm", công nhân không thể tiến hành làm việc được, để đất hoang hoá, sẽ bị thu hồi. Thế mới biết, chỉ vì tí sĩ diện, vì đánh giá không đúng bản chất, vì coi ân tình bằng không nên đại gia Th. đã phải trả giá đắt. Cái giá của sự ràng buộc rất lớn nhưng nếu xử lý đúng người, đúng tình thì nó chỉ là sợi dây thắt chặt thêm tình và tiền giữa giang hồ và đại gia mà thôi.
 
Anh "vẩu" kể chuyện, đại gia Th. đi đâu cũng khoe, có nhiều "anh em chiến hữu xã hội" lắm. Một cú điện thoại là họ "lên đường thực thi nhiệm vụ" (đi giải quyết "công việc" theo chỉ đạo của đại gia - PV) ngay. Họ biết tự phải làm gì và làm thế nào có lợi nhất cho mình...
 
Thực tế, đại gia Th. chỉ nói cho oai thôi, thực chất không hề xem trọng "anh em chiến hữu xã hội", đối xử với họ không có tình mà theo dạng, họ là dân giang hồ, có tiền là sai khiến được. Vì đại gia Th. thể hiện như vậy nên "anh em xã hội" đang từ có tình, chuyển sang khinh bỉ. Họ chuẩn bị rất nhiều chiêu "độc", "chơi" cho đại gia Th. một vố, đau đến chết đi sống lại. Chẳng là, sau khi đã có mối quan hệ rộng, có vài "người chống lưng", "mua" được một vài người làm truyền thông, bỏ tiền cho một "nhà văn" nghiệp dư viết tự truyện... cứ tưởng mình nổi tiếng, được cả xã hội quan tâm, không ai dám đụng đến, sai bảo ai cũng được, đại gia Th. đã quỵt tiền của "anh em xã hội".
 
Nhiều lần "anh em" sai người đến yêu cầu thanh toán, đại gia Th. chi cho vài đồng, nói giọng kể cả rằng, như thế là đủ rồi, chúng mày chỉ được hưởng thế thôi, đồ dưới đáy của xã hội. Ngay hôm sau, trên đường về nhà, đại gia Th. nhận được tin nhắn đến quán cà phê sang trọng nhất Hà thành nói chuyện. Đại gia Th. vẫn không yêu cầu lái xe quay xe, đi ra quán cà phê. Ngay sau đó, một xe ô tô chặn đầu làm ùn tắc giao thông cục bộ. Tin nhắn tiếp theo đến, "mời anh đến uống cà phê ban mê hảo hạng". Đại gia Th. buộc phải đến vì sợ ảnh hưởng danh tiếng nhưng với tư thế của kẻ bề trên, là người làm phúc, "bố thí" bao nhiêu thì "chúng sinh" được bấy nhiêu.
 
Người "anh em xã hội" một thời thân thiết không thèm ngồi chung bàn với đại gia Th. Sau đó, ông trùm giang hồ đưa cho đệ tử điện thoại iPhone đã mở file. Trong đó là hình ảnh đại gia Th. đang vui vẻ với ba "chân dài" theo kiểu dâm loạn của những kẻ thừa tiền, bệnh hoạn. Tiếp theo đó là clip ghi lại cảnh đại gia Th. "đi đêm" với một đối tác để họ rút hồ sơ cho đại gia Th. trúng thầu. Clip nào cũng khoảng 5-6 phút nhưng ông trùm chỉ cho đại gia Th. Xem 10 giây "gay cấn" nhất.
 
Sau ít phút thất thần, đại gia Th. định giở trò, gọi cảnh sát đến với tố cáo rằng, "anh em xã hội" tống tiền. Thế nhưng, ông trùm rất tỉnh, chỉ cho đại gia Th. xem và sau đó đi luôn, không nói gì. Đại gia Th. phải nhờ rất nhiều mối quan hệ để mong gặp trực tiếp "anh em xã hội" thân thiết để đàm phán, mua lại những tài liệu trên. Thế nhưng, ông trùm không lộ mặt. Đại gia Th. tự nguyện thanh toán hết số tiền trước đó còn nợ "anh em xã hội" theo hợp đồng. Ngoài ra, phải trả cả tiền lãi, vì chậm trả, theo đúng lãi suất đen, đây là đại gia Th. tự trả nhằm xoa dịu cơn tức giận của ông trùm.
 
Lợi thế thuộc về "anh em xã hội"
 
Anh "vẩu" nói với tôi rằng, đại gia có một lợi thế duy nhất là tiền, "anh em xã hội" không những có lợi thế là "không có gì để mất" thì còn giữ được nhiều "bảo bối" quan trọng khác của đại gia. "Anh em xã hội" mà công bố "bảo bối" đó, chắc chắn đại gia sẽ mất rất nhiều thứ, thậm chí có thể thân bại, danh liệt, tài sản tiêu tan. Vì thế, không biết người, biết ta như đại gia Th. là quá dốt nát trong ứng xử. Cùng là người với nhau, đã từng giúp đỡ nhau, có tình nghĩa với nhau, sao lại nghĩ rằng, giang hồ là tầng lớp dưới đáy xã hội? Đại gia Th. phải trả giá đắt cho cái suy nghĩ bệnh hoạn, ngu dốt của mình là đúng.
 
Chiêu độc “đánh” vào... hậu phương
 
Ngoài hàng "độc" là chứng cứ có dấu hiệu của tội phạm ra, "anh em xã hội" còn một "võ" nữa mà đại gia không thể xem thường, đó là xúi các bà vợ đánh ghen hoặc cho "chân dài" đến ghen ngược với vợ đại gia, làm ầm ĩ lên cho đại gia "mất mặt". Hàng "độc" này tác động đến "hậu phương" của đại gia, làm đại gia đau đầu và có nhiều đại gia phải đầu hàng những đòi hỏi của vợ, của "anh em xã hội" để được "hai chữ bình yên". Chiêu vừa đánh vào túi tiền, lại đánh vào "hậu phương", đại gia nào không đau đầu, không "nhảy" lên, mới là chuyện hiếm.
 
Biết chuyện của đại gia Th., đại gia Đ. chép miệng: "Tôi là người dị ứng với họ, thế mà chưa bao giờ nghĩ và coi họ là tầng lớp dưới đáy. ông Th. dại thật. Ngày xưa ông ấy ở đâu ra? Trước khi được nhập vào giới đại gia, ông ấy cũng có nhiều hành xử giang hồ với đối tác. ông ấy nói thế, hoá ra ông ấy cũng là tầng lớp dưới đáy xã hội sao?
 
Trong câu chuyện với các đại gia, ông ấy nói tục lắm. Đôi lúc còn chửi bậy, chửi thề. Tôi đã từng nói thẳng vào mặt ông ấy rằng, mẹ là người sinh ra mình chứ không phải là người để ông chửi. ông ta bị "anh em xã hội" "lếch" là đúng thôi. Đã xác định thuê, mướn nhau thì phải sòng phẳng, còn tình thì ở lúc khác".
 
Chị Hai Trâm phân tích rất có lý, rằng: "Đã nhờ vả nhau thì là đối tác làm ăn. Đối tác làm ăn mà có tình nghĩa với nhau thì càng tốt, rút ngắn được các công đoạn nhưng phải thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết, dù là miệng. Họ giúp mình xong, mình gặp khó khăn, chưa trả được thì xin khất đàng hoàng. Đối tác đã giúp mình xong việc rồi thì phải trả, không thể xong rồi thì trả theo kiểu bố thí cho họ như thế. Hành xử kiểu đó là kiểu của kẻ cướp chứ không phải của đại gia".
 
Chị Hai Trâm tiết lộ: "Mình nhờ "anh em xã hội" việc gì, họ đều lưu lại chứng cứ chứng minh mình nhờ. Đừng tưởng, thuê họ đi giải quyết "công chuyện" bằng miệng là xong, là phủi hết chứng cứ đâu. Chính vì thế, kể cả nhờ việc cũng phải chuẩn mực, rõ ràng, chứ không, họ quá tay, mình "lĩnh đủ". Tất nhiên, họ cũng thiệt nhưng với họ, có gì để mất đâu, mình thì khác".
Người Đưa Tin
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo