Quốc tế

Dải Gaza nổi lửa

Cuộc ngừng bắn tạm thời khi phái đoàn của Thủ tướng Ai Cập đến Palestine đã bị phá vỡ. Ngày 16-11, Israel không kích dữ dội dải Gaza và điều động 30.000 quân dự bị nhằm chuẩn bị một cuộc tấn công quy mô lớn.

Theo AFP, phía Israel tiết lộ rạng sáng 16-11 đã đánh bom hơn 130 mục tiêu tại dải Gaza. Đáp trả lại, các tay súng phong trào Hồi giáo Hamas bắn 11 quả rocket từ Gaza sang miền nam Israel, trong đó có thành phố Tel Aviv. Đến nay đã có 19 người Palestine thiệt mạng ở dải Gaza, trong đó có nhiều trẻ em và 235 người bị thương. Ở miền nam Israel, ba người đã chết. Sự hoảng loạn lan rộng ở Tel Aviv.

Bạo lực nổ ra dữ dội kể từ khi quân đội Israel hạ sát Ahmed Jabari, một thủ lĩnh quân sự của Hamas, hôm 14-11. Trong vài ngày qua, lực lượng Hamas cho biết đã bắn hơn 422 quả rocket vào lãnh thổ Israel. Tuy nhiên, phần lớn đã bị hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome (Vòm sắt) của Israel đánh chặn. Không quân Israel đã bắn hạ 70 địa điểm phóng rocket của quân Hamas.

Israel có thể chiếm đánh Gaza

Nhật báo Haaretz đưa tin ngày 16-11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak đã ra lệnh điều động 30.000 quân dự bị. Giới quan sát phương Tây dự báo đây là dấu hiệu cho thấy Israel đang chuẩn bị một cuộc tổng tiến công vào dải Gaza. Các lãnh đạo Israel cũng khẳng định nếu Hamas tiếp tục bắn rocket vào miền nam Israel, quân đội Israel sẽ đánh thọc sâu vào dải Gaza.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố đã sẵn sàng mở rộng chiến dịch tấn công có tên “Cột trụ phòng vệ”. “Israel đã khẳng định rõ rằng sẽ không chấp nhận các vụ tấn công tên lửa và rocket nhắm vào thường dân. Tôi hi vọng Hamas và các tổ chức khủng bố ở Gaza hiểu rõ thông điệp này. Nếu không, Israel sẵn sàng thực hiện mọi hành động cần thiết” - ông Netanyahu nhấn mạnh.

Báo chí Israel đưa tin hàng loạt xe buýt chở lính Israel, xe tải lớn chở xe tăng, xe thiết giáp đang nối đuôi nhau chạy đến biên giới dải Gaza. Khoảng 2.000 binh sĩ Israel đã được điều động đến biên giới. CNN cũng dẫn lời một số quan chức Israel tiết lộ lực lượng Israel đang nhắm vào các mục tiêu như kho vũ khí, boongke, phòng thí nghiệm vũ khí... của Hamas ở Gaza.

Báo New York Times dẫn lời một số chuyên gia Trung Đông bình luận cuộc xung đột lần này có một số điểm khác biệt so với trước. Đó là quân đội Israel phải đương đầu với một phong trào Hamas mạnh hơn nhờ sự ủng hộ của các thế lực lớn trong khu vực như Ai Cập, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, những đồng minh của Mỹ. Sức mạnh tấn công của Hamas cũng được cải thiện đáng kể với loại tên lửa Fajr 5 có tầm bắn 75km, vươn tới tận thành phố Tel Aviv.

Chuyên gia Trung Đông Nathan Thrall thuộc Tổ chức Khủng hoảng quốc tế cho rằng mục tiêu của Hamas không phải là chiến thắng quân sự mà là ngoại giao. Bởi đây là thời điểm Hamas “thử lửa” quan hệ liên minh với chính quyền Hồi giáo Ai Cập và các quốc gia khác trong thế giới Ả Rập.

Vai trò của Ai Cập

Theo Reuters, cuộc khủng hoảng tại dải Gaza cho thấy sự chia rẽ sâu sắc của cộng đồng quốc tế về vấn đề hòa bình ở Trung Đông. Hầu như toàn bộ thế giới Ả Rập đều lên án Israel dữ dội. Nhưng chính quyền Tel Aviv lại nhận được sự ủng hộ cần thiết của phương Tây.

Iran và Ai Cập là những quốc gia chỉ trích Israel mạnh mẽ nhất. Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi tuyên bố: “Israel phải hiểu rằng chúng tôi không chấp nhận sự hiếu chiến của họ”. Ai Cập đã triệu hồi đại sứ từ Tel Aviv và đưa một phái đoàn đến Gaza để bày tỏ sự ủng hộ Palestine. Ông Netanyahu cam kết sẽ không tấn công Gaza khi đoàn thủ tướng Ai Cập đến đây. Song lệnh ngừng bắn tạm thời này đã bị vi phạm. Hamas khẳng định quân đội Israel vẫn tấn công làm hai người thiệt mạng. Còn chính quyền Iran mô tả các cuộc không kích của Israel tại dải Gaza là “chủ nghĩa khủng bố có tổ chức”. Tehran kêu gọi Liên Hiệp Quốc và Liên minh châu Âu hành động để ngăn chặn Israel leo thang bạo lực.

Trong khi đó, dù quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Obama và ông Netanyahu đang sóng gió, song Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn tuyên bố “ủng hộ quyền tự vệ của Israel”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mark Toner nhấn mạnh: “Hamas không có quyền bắn rocket vào Israel”. Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp François Hollande cũng bày tỏ sự ủng hộ Israel dù kêu gọi hai bên kiềm chế để tránh sát hại thường dân.

Theo báo New York Times, chính quyền Mỹ vẫn đang đề nghị Ai Cập và các nước Hồi giáo có quan hệ tốt với Mỹ sử dụng ảnh hưởng của mình với phong trào Hamas để ngăn chặn bạo lực leo thang. Mỹ vẫn hi vọng Ai Cập đóng vai trò trung gian truyền thống để đảm bảo một cuộc chiến mới tại Trung Đông sẽ không nổ ra.




Hồng Lĩnh (Theo Tuổi Trẻ)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo