Chân dung

Đại gia Đường "bia" tung phao cứu hàng Việt

Xây dựng hệ thống trung tâm thương mại (TTTM) cho doanh nghiệp Việt Nam bán hàng Việt Nam và tự sản xuất hàng hóa để cạnh tranh với hàng ngoại, cứu nền sản xuất trong nước là hành động cụ thể mà ông Nguyễn Hữu Đường đã hiện thực hóa chủ trương “Người Việt dùng hàng Việt” do chính ông khởi xướng.

Ông Nguyễn Hữu Đường được biết đến với biệt danh

Miễn phí thuê TTTM cho doanh nghiệp Việt

 
Thưa ông, được biết ông là người khởi xướng phong trào “Người Việt dùng hàng Việt” và cũng là người bỏ ra 500 tỷ đồng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam bán được hàng Việt Nam. Vì sao ông lại có quyết định này?
 
Tháng 4/2008, tôi đã gửi một bức tâm thư tới Bộ Chính trị đề xuất phong trào “Người Việt dùng hàng Việt” để động viên, tuyên truyền, phát huy tinh thần “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Một năm sau, Bộ Chính trị có Thông báo số 264-TB/TW ngày 31/7/2009 thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tuy người dân rất ủng hộ, nhưng hiện hàng ngoại vẫn đang lấn át hàng Việt Nam, số DN ngừng sản xuất và phá sản quá nhiều. Nguyên nhân do trang thiết bị lạc hậu, giá thành sản xuất cao, hàng hóa sản xuất ra không có nơi tiêu thụ...
 
Để thực hiện được “Người Việt dùng hàng Việt”, thì đầu tiên phải có hàng Việt do DN Việt sản xuất; thứ hai, phải có nơi tiêu thụ hàng thì người dân Việt mới mua được hàng Việt.
 
Để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt, năm 2014, tôi đã có văn bản gửi Bộ Chính trị đề xuất rằng, muốn hàng hóa Việt Nam có chất lượng tốt thì phải có máy móc, thiết bị tốt. Tôi đã đề nghị hỗ trợ lãi suất vay cho DN mua thiết bị mới, hỗ trợ vay vốn xây dựng các TTTM của DN Việt bán hàng Việt. Nếu giải quyết được 2 vấn đề này, các DN đang khó khăn (vì không tiêu thụ được sản phẩm mới và không sản xuất được hàng chất lượng cao giá rẻ) sẽ bán được hàng và mở rộng sản xuất.
 
Để chứng minh đề xuất này là hoàn toàn khả thi, cuối năm 2013, tôi đã quyết định dành 5 tầng thương mại và tầng hầm Dự án Hòa Bình Green City rộng 25.000 m2 hoàn toàn miễn phí, không thu tiền mặt bằng cho các DN Việt Nam vào trưng bày, bán sản phẩm.
 
Theo quan sát của chúng tôi, sau một tuần TTTM V+ khai trương đi vào hoạt động thì lượng khách đến mua hàng rất đông và thường xuyên “cháy hàng”. Ông có thể cho biết lý do vì sao?
 
Nguyên nhân chỉ bởi TTTM V+ bán hàng Việt chất lượng cao và có thể nói là rẻ vào loại nhất thế giới. Các mặt hàng may mặc, nước uống, thực phẩm đều là các mặt hàng chất lượng cao, nhưng giá rất rẻ. Cụ thể, bánh mỳ bán 5.500 đồng/chiếc, trong khi siêu thị nước ngoài tại Việt Nam bán 8.000 đồng/chiếc; bát phở bò - gà bán 20.000 đồng/bát, trong khi cửa hàng tại siêu thị nước ngoài ở Việt Nam bán 135.000 đồng/bát, còn ở cửa hàng bên ngoài bán rẻ nhất từ 30.000 đồng/bát; cà phê Cappuccino, cà phê đen bán giá 15.000 đồng/cốc, trong khi cửa hàng trong siêu thị nước ngoài ở Việt Nam bán 50.000 - 70.000 đồng/cốc; thịt bò, thịt lợn bán rẻ hơn siêu thị nước ngoài ở Việt Nam từ 15-20%, rau của quả sạch rẻ hơn chợ cóc…
 
Mức giá này chính là biểu hiện của tác dụng miễn phí cho thuê mặt bằng.
 
Riêng bánh mỳ ở V+ mỗi ngày bán hơn 10.000 chiếc và hết hàng rất sớm. Lý do là, tôi đã thuê thợ người Bỉ làm bánh giỏi nhất thế giới về làm bánh với mức lương 200 triệu đồng/tháng và bột mỳ, nguyên liệu làm bánh cũng hảo hạng, ngon nhất thế giới. Các siêu thị nước ngoài thường dùng bánh mỳ để làm “mồi nhử” kéo khách hàng đến mua cả mặt hàng khác, song lợi nhuận vẫn rất cao. Còn tôi sẽ giữ giá bánh mỳ này đến hết năm 2015, nếu giá bột mỳ không tăng.
 
Hay như quần lót V+ tự sản xuất, sợi cotton 92% bán với giá 27.000 đồng/chiếc. Nếu như gắn mác nước ngoài, giá bán ở Việt Nam là 700.000 đồng/chiếc. Áo phông V+ 100% sợi cotton chất lượng cao hơn, đẹp hơn bán 36.000 đồng/chiếc, trong khi ở Bali (Indonesia) bán giá 150.000 đồng/chiếc… Tuy vậy, người sản xuất vẫn có lãi 15%.
 
Như vậy, tín hiệu bước đầu từ khách hàng cho thấy, hàng Việt Nam chất lượng cao, giá rẻ hoàn toàn được người Việt đón nhận tích cực. Việc hàng bán chạy cũng giúp cho DN Việt Nam tồn tại và phát triển.
 
Một hiệu ứng tích cực thể hiện rõ là, chỉ sau 5 ngày V+ đi vào hoạt động, hệ thống siêu thị nước ngoài ở Hà Nội đã phải giảm giá 5-10% để cạnh tranh với V+. Điều này đã chứng minh rằng, tôi đã đưa ra được đáp án đúng cho phương án đề xuất với Quốc hội là phải có các TTTM chuyên bán hàng Việt.
 
Tại sao trong V+ mới chỉ có tầng 1 là có DN bán hàng, còn tầng 2, 3, 4, 5 vẫn để trống? Ông có ý định cho các DN liên doanh miễn phí gian hàng hay không?
 
Vấn đề này cũng được nhiều nhà báo quan tâm. Tôi khẳng định, sẽ không có chuyện miễn phí mặt bằng cho các sản phẩm của các DN liên doanh tại V+. Họ sẽ không được hưởng các ưu đãi như miễn phí thuê mặt bằng, chỉ phải trả 1% tiền điện nước, phí vệ sinh. Vì tất cả các DN liên doanh đều muốn có lợi nhuận và sau đó mang lợi nhuận về nước, xây dựng đất nước của họ.
 
V+ chỉ dành cho hàng hóa của Việt Nam. Đối với những mặt hàng mà DN Việt Nam không sản xuất được, chúng tôi sẽ nhập về với giá gốc, giá bán buôn rẻ nhất và bán lẻ với giá chỉ cộng thêm 1% để trả chi phí.
 
Còn tại sao gian hàng để trống? Tôi cũng đã cử nhân viên đi mời các DN Việt có sản phẩm chất lượng cao vào bán hàng ở V+, nhưng người ta từ chối. Lý do là họ bảo: “Chả có ai ở Việt Nam lại tốt như thế cả. Chắc là sau này ông Đường sẽ áp giá cao, vì trước đây, rất nhiều DN miễn phí mặt bằng 1-2 năm cho thuê, nhưng lại bắt trả phí khác cao đến 7-8 lần”.
 
 Người ta không tin và nói thẳng là: “Những người có hành động như ông Đường thì chỉ có ở bệnh viện tâm thần hoặc ở thế giới khác, còn ở Việt Nam chưa có ai cả!”.
 
Thực tế tôi cũng giải đáp cho những nghi ngờ bằng việc thể hiện trong các hợp đồng ký với DN: trong 5 năm không thu tiền phí mặt bằng, chỉ trả 1% trong lợi nhuận chi phí điện nước, quản lý và trong 6 tháng, nếu không bán được hàng, tôi sẽ trả giúp 1% này.
 
Tôi đề nghị UBND TP. Hà Nội bổ sung trong giấy phép đầu tư là 50 năm TTTM V+ không thu tiền mặt bằng của các DN trong nước.
 
Tại sao lại là 50 năm, bởi vì trong giấy phép đầu tư có ghi thì sau này không hủy cam kết được. Năm nay tôi đã 60 tuổi, vài năm nữa tôi sẽ nghỉ hưu, nhưng với giấy phép này, các DN Việt cứ yên tâm mà bán hàng trong TTTM ít nhất trong 50 năm tới.
 
Có DN phản ánh là, họ đến xin vào bán hàng trong TTTM V+, nhưng ông không tiếp. Vì sao?
 
Vừa rồi, một lãnh đạo của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) có gọi điện phàn nàn rằng, xin vào bán hàng khó quá, muốn gặp, tôi cũng không cho gặp. Tôi có trả lời không phải là khó, mà Giám đốc của TTTM V+ là cháu tôi, tôi đã ra lệnh không tiếp một ai từ giờ đến Tết để tập trung cho việc hoạt động của TTTM. Cháu tôi cũng báo cáo rằng, có rất nhiều người “lobby” để xin vào TTTM (cười).
 
Tôi cũng đã trả lời lãnh đạo Vinatex rằng, là tuần này tôi trực tiếp gặp họ. Riêng Vinatex tôi sẽ dành diện tích rộng 5.000 m2 ở tầng 1-2.
 
Tại sao ông lại ưu tiên nhiều cho Vinatex như vậy?
 
Đất nước ta có 3 triệu người làm trong lĩnh vực dệt may, nhưng có tới 95% làm gia công và họ được hưởng giá trị rất thấp. Ví dụ, một chiếc quần lót, giá làm gia công là 3.500 đồng/chiếc, tôi bán ra 27.000 đồng/chiếc bao gồm cả tiền vải và các chi phí khác. Nhưng các hãng nước ngoài chỉ cần đóng thêm mác của họ vào là có thể bán với giá 27 USD/chiếc. Công nhân của mình làm gia công thực tế là đi làm thuê với đồng lương rẻ mạt. Tôi miễn phí mặt bằng để sản phẩm có giá rẻ, thậm chí rẻ nhất thế giới để người nước ngoài đến Việt Nam ngoài nhu cầu du lịch còn đáp ứng  70% nhu cầu mua sắm.
 
Nếu giải quyết được điều này, công nghiệp nước ta sẽ rất phát triển, chúng ta sẽ là chủ nhân thật sự của đất nước này, chứ không phải đi làm thuê, làm gia công nữa.
 
Tự sản xuất hàng Việt cạnh tranh với hàng nước ngoài
 
Được biết, ngoài các mặt hàng như may mặc, thực phẩm, Hòa Bình Group tự sản xuất và bán tại V+. vừa rồi ông có làm dự án nhà máy nước ngọt có gas, nước tăng lực. Đây là lĩnh vực mà DN nước ngoài đang độc chiếm thị trường và cạnh tranh rất cao. Liệu sản phẩm của ông có cạnh tranh nổi? Có được người dân chấp nhận hay không? Hiệu quả kinh tế của việc này như thế nào?
 
Cuối năm 2013, khi quyết định không bán mặt bằng rộng 13.000 m2 cho Big C lấy 330 tỷ đồng để cụ thể hóa ý tưởng xây dựng TTTM bán hàng Việt Nam, thì phát hiện không có nhà sản xuất nào của Việt Nam sản xuất nước ngọt có gas mà 100% thuộc về các hãng nước ngoài. Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành đồ uống, tôi cho rằng, nước ngọt và bia là các mặt hàng siêu lợi nhuận, nhưng DN Việt không cạnh tranh nổi với các “gã khổng lồ” đang độc chiếm thị trường.
 
Tháng 7/2014, tôi chính thức ký hợp đồng với Hãng Krones (Đức) đầu tư dây chuyền sản xuất nước ngọt có gas hiện đại nhất và mới nhất thế giới. Nhà máy có công suất 200 triệu lít/năm được xây dựng nhanh nhất thế giới, khi chỉ sau 6 tháng đã có sản phẩm. Chuyên gia Đức đánh giá rất cao trình độ xây dựng, đội ngũ kỹ sư, công nhân và cường độ làm việc của người Việt Nam.
 
Về chất lượng thiết bị, đây là nhà máy hiện đại nhất thế giới, theo công nghệ mới nhất của Đức, thân thiện môi trường. Nước thải nhà máy qua xử lý có thể uống được. Tôi có thể khẳng định rằng, nhà máy của tôi an toàn, hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Tất nhiên, mức đầu tư cũng rất cao. Tôi có thể mời các hãng sản xuất trong nước, nhà báo Việt Nam và quốc tế đến tham quan để so sánh.
 
Vì thế, tôi khẳng định rằng, các sản phẩm sản xuất ra tương đương và hơn chất lượng sản phẩm của các nhà sản xuất tại Việt Nam. Nhưng giá bán sản phẩm chỉ bằng 70% giá bán sản phẩm của họ. Sản phẩm V Cola được bán với giá 5.700 đồng/lon.
 
Đặc biệt, trong dịp Tết Ất Mùi, tôi đã tặng 254.000 túi quà tặng cho gia đình có công, có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa và Thái Nguyên. Trong mỗi túi quà có 2 lon sản phẩm Vcola, nước tăng lực và các sản phẩm bánh kẹo Hải Châu, bánh mứt Hữu Nghị, bia Sài Gòn.
 
Đồng thời, từ ngày khai trương đến khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, chúng tôi miễn phí uống thử sản phẩm của nhà máy. Nếu thấy sản phẩm của chúng tôi uống ngon, chất lượng cao thì hãy ủng hộ chúng tôi.
 
Với giá bán từ 5.700 đồng/lon, chỉ sau 5 ngày, các đối thủ của V Cola đã giảm giá sản phẩm 850 đồng/lon, tức gần 20.0000 đồng/thùng. Tính từ năng suất 1,15 tỷ lít/năm, với việc giảm giá này đã giảm lợi nhuận của họ hơn 1.440 tỷ đồng. Nếu bán cùng giá với V Cola, mỗi năm họ sẽ mất hơn 5.000 tỷ đồng. Như vậy, người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc Hòa Bình Group tham gia cạnh tranh vào lĩnh vực này.
 
Liệu các hãng sản xuất nước ngoài có giảm giá để cạnh tranh với sản phẩm của Hòa Bình Group không, thưa ông?
 
Chắc chắn họ sẽ phải giảm giá, vì trước đây, giá thành sản xuất chỉ 1.200 đồng/chai họ đã dám bán lỗ 800 đồng/chai được cơ mà. Bây giờ, tôi làm ra bao nhiêu thì họ cũng làm ra được bấy nhiêu. Tất nhiên, theo các chuyên gia Đức, với thiết bị mới, chúng tôi có thể có giá thành thấp hơn 100-200 đồng/lon. Nhưng tôi bán 5.700 đồng/lon vẫn có lãi thì chắc chắn họ sẽ phải giảm giá để cạnh tranh bán được hàng.
 
Trong cuộc cạnh tranh với đối thủ ngoại sắp tới rất cam go. Ông có điều gì nhắn gửi tới đối tác, khách hàng của mình?
 
Một đất nước hùng mạnh, giàu có, thì các DN phải phát triển. Các DN muốn phát triển được, thì phải có nơi tiêu thụ sản phẩm và được người dân ủng hộ. Chúng tôi tin tưởng rằng, nếu đất nước có các TTTM như V+,  thì các DN sẽ phát triển, đất nước hết nghèo đói và vươn lên.
 
Chúng ta biết rằng, trong dòng máu của mỗi người Việt Nam đều có lòng tự hào dân tộc và tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau. Nhờ tinh thần đó mà trên thế giới chưa có một dân tộc nào 3 lần đánh thắng quân Nguyên, đánh thắng giặc ngoại xâm như dân tộc Việt Nam.
 
Tôi mong muốn rằng, khi các DN Việt Nam đã sản xuất được hàng hóa, thì người dân trong nước cũng như kiều bào nước ngoài sẽ hết lòng ủng hộ họ, vì không có người Việt nào không mong muốn được dân giàu nước mạnh. Ủng hộ hàng Việt là ủng hộ đồng bào mình, ủng hộ người thân và gia đình mình để con cháu được sống trong ấm no và hạnh phúc.
 
Theo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo