Đại gia gây loạn vì sai phạm không hiểu nổi
Khi đang vật lộn với khó khăn thì những sai phạm không đáng có lại khiến đại gia thêm rối trí, thị trường thêm bấn loạn. Dù biết sai pham là khó tránh nhưng những sai phạm khó hiểu lặp đi lặp lại nhiều lần cho thấy nhiều vấn đề trong quản lý của DN và quản lý của nhà nước.
Lặp lại lỗi không đáng có
Mới đầu 2014, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) của nhà Cường Đôla đã phải giải trình về số liệu báo cáo tài chính. Theo đó, quá trình lập báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2013 sơ suất chưa phát hiện sai sót ở quý III/2012 nên đã đưa số liệu quý III năm trước vào để so sánh dẫn đến số liệu không chính xác.
Qua giải trình của QCG cho thấy, trên bảng Lưu chuyển tiền tệ hợp nhất giữa niên độ kết thúc ngày 30/9/2012 trên bản giấy và số liệu bản mềm được cập nhất trên công thông tin điện tử có sự sai lệch tại Mã số 16: “Tiền chi khác cho hoạt động kinh doanh” trong bảng Lưu chuyển tiền tệ số tiền hơn 7,2 tỷ đồng nhưng trên thực tế số tiền bằng không.
QCG lý giải, sai sót trên bản giấy là do “không kiểm tra lại trước khi gửi cho UBCK và HOSE”, đồng thời xin lỗi và mong cổ đông thông cảm cho sai sót này.
Đây không phải là lần đầu tiên QCG có sai sót kiểu này. Đầu năm 2013, QCG đã đính chính kết quả kinh doanh quý IV/2012 và cả năm 2012 hợp nhất với lợi nhuận bất ngờ tăng mạnh 3 lần so với con số công bố trước đó với lý do “kế toán nhầm lẫn” khi làm gấp số liệu báo cáo cổ đông thời điểm trước nghỉ tết âm lịch.
Trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ quý III/2010 của QCG cũng đã có sự sai lệch thiếu số tiền hơn 83 tỷ đồng. Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2010 của công ty cũng chênh lệch giảm số liệu lợi nhuận so với trước kiểm toán. Lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2010 sau soát xét của kiểm toán cũng đã tăng đột biến lên 4 lần…
Cuối tháng 7/2013, QCG cũng khiến giới đầu tư ngao ngán khi công bố báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2013 bằng nội dung của năm 2012.
Tình trạng DN báo cáo sai, báo cáo nhầm tiếp tục diễn ra rất nhiều trong năm vừa qua như các vụ: Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) công bố báo cáo soát xét bán niên 2013 với chênh lệch giữa báo cáo sau soát xét lỗ thêm 952 tỷ đồng; VIPCO 2 lần sai sót trong năm 2013 và phải điều chỉnh nhiều tỷ đồng do những sơ suất như không ghi nhận chi phí lợi nhuận trong liên doanh, liên kết, khong hạch toán chuyển nhượng tài sản…
Trong quý II/2013, Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) công bố lãi thay vì lỗ (do NHNN điều chỉnh cho áp dụng tỷ giá mới); toàn bộ 8 doanh nghiệp ngành than niêm yết lệch số liệu sau kiểm toán; CLG lãi sau kiểm toán tăng 5 lần; OGC lợi nhuận tăng gấp rưỡi; ITA của đại gia Đặng Thành Tâm lãi 2012 sau kiểm toán tăng hơn 80%; những tuyên bố bán tháo cổ phiếu của các đại gia rồi không thực hiện, hoặc chưa thực hiện như trường hợp ông Trầm Trọng Ngân (STB)…
Đặc sắc nhất có lẽ là trường hợpTập đoàn FLC. Trong khoảng 3 tuần cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2013, hai sàn HOSE và HNX đã liên tục phải điều chỉnh thông tin 5 lần với duy nhất một DN này, từ giá niêm yết mới, ngày niêm yết, những giao dịch mua bán hàng chục triệu cổ phiếu trước đó…
Nhiều thông tin nhiễu loạn được giới đầu tư vẫn còn nhớ như in như: ước tính lợi nhuận quý II/2013 của GAS chênh với thực tế 800 tỷ đồng; vợ ông Đặng Thành Tâm công bố thông tin không đúng về thời hạn kết quả bán hàng triệu cổ phiếu Navibank; SMC ước lãi 5 tháng đạt 53 tỷ đồng nhưng sự thực quý II lỗ 27 tỷ, kéo lãi 6 tháng xuống còn 18,5 tỷ đồng.…
Theo thống kê của một đơn vị, trong năm 2013, chỉ có 29 DN niêm yết đảm bảo tuân thủ hoàn toàn việc công bố thông tin trên TTCK (tương đương gần 4,2% số DN) theo quy định tại Thông tư số 52/2012/TT-BTC của UBCKNN.
Khổ sở đổ đầu nhà đầu tư
Trong hơn chục năm TTCK hình thành và phát triển đã có rất nhiều sai phạm từ mức độ nhẹ đến rất nặng xảy ra. Các quyết định xử phạt cũng được đưa ra khá nhiều với những trường hợp hình sự hóa như ở Dược Viễn Đông, SBS, SME… Mặc dù vậy, dường như hành vi vi phạm vẫn đang diễn ra khá phổ biến.
Trên thực tế, có những sự nhầm lẫn, sai phạm hoặc sự điều chỉnh thông tin khá nhỏ và có ảnh hưởng không lớn như trường hợp giá tham chiếu của FLC được công bố điều chỉnh từ 10.000 đồng/cp xuống 5.500 đồng/cp rơi vào quãng thời gian cổ phiếu này đã rời sàn HNX và chưa lên sàn HOSE. Tuy nhiên, những đính chính liên tục cùng với những thay đổi liên quan tới những nhân vật chủ chốt với những thông tin mua bán hàng chục triệu cổ phiếu cũng có thể ảnh hưởng tới thị trường.
Trong trường hợp SMC, cổ phiếu này đã rớt mạnh khoảng 20% chỉ trong vài ngày khi giới đầu tư nhận được thông tin doanh nghiệp này bất ngờ báo lỗ gần 27 tỷ đồng trong quý II/2013, thay vì dự báo lãi trước đó.
Nhiều NĐT đã thực sự sốc nặng trước sự thay đổi thông tin quá nhanh ở nhiều doanh nghiệp, thậm chí ngược chiều 100% như từ lãi thành lỗ, từ bán thành mua, mua thành bán, từ người này bán thành người kia bán….
Về phía các DN, việc liên tục ra tin rồi đính chính, rồi sửa sai như vậy có thể gây ra sự mất niềm tin đối với thị trường. Trong khi đó, với các cơ quan quản lý, những nhầm lẫn, hoặc sai sót, hoặc những thay đổi liên tục như vậy, có lẽ khiến nhiều người cảm thấy như một trò cười.
Đi cùng với sự nhầm lẫn, sai phạm hoặc sự điều chỉnh thông tin thông thường là những biến động về giá cổ phiếu. Giá các cổ phiếu này có nhiều lúc lên mây sau các thông tin như lãi lớn, tăng vốn gấp vài lần, dự án ngon, BĐS nhiều… nhưng cũng có lúc xuống sâu dưới bùn do “nguy cơ phá sản”, lỗ to, bán tài sản, gán nợ ngân hàng…
Đầu tư cổ phiếu phải dựa vào thông tin. Tuy nhiên, hiện tượng thông tin biến chuyển quá nhanh, tình trạng DN biến đổi quá nhanh đã khiến NĐT không nắm được, không theo kịp thông tin nên thua lỗ khá nặng. Có nhiều cổ phiếu nổi như cồn, được các NĐT ngoại săn lùng trong một thời gian dài và có giá lên như diều gặp gió, vài chục nghìn đồng/cp nhưng cũng nhanh chóng lao dốc khi mà tình hình tài chính DN be bét. Mặc dù vậy, sự chênh lệch nào trên thị trường cũng là cơ hội cho những người có quyền, có tiền, có thông tin.
VietnamNet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo