Đại gia Hàn vào thị trường bán lẻ Việt Nam
Cuối năm 2015, tập đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc Emart sẽ tham gia thị trường bán lẻ Việt Nam. Song Emart Hàn Quốc có là đối thủ đáng lo ngại hay không?
Giá rẻ có còn hấp dẫn?
Emart là một chuỗi đại siêu thị hàng đầu Hàn Quốc với 153 trung tâm thương mại trong nước và 10 trung tâm thương mại tại Trung Quốc. Theo công bố trên truyền thông, Emart sẽ kinh doanh chủ yếu hàng hóa sản xuất tại Việt Nam và sẽ cung ứng hàng hóa chất lượng cao với giá cạnh tranh.
Đây cũng là cách mà các nhà bán lẻ như Co.opmart, Big C… đều thực hiện để thu hút người tiêu dùng (NTD). Họ có những chương trình khuyến mãi giảm giá, ưu tiên kinh doanh hàng Việt Nam với tỉ lệ 90%-95%, thậm chí đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt ra thế giới.
Đại diện Lotte Mart cho rằng thị trường bán lẻ Việt Nam đang rất hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt là có rất nhiều cơ hội cho họ trong tiến trình hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm nay. Theo đó, không chỉ Emart có chiến lược giá thấp mỗi ngày mà những đại gia bán lẻ khác cũng sẽ có những chiến lược hấp dẫn để thu hút và giữ chân khách hàng. Ngoài chuyện chuẩn bị hàng hóa, ưu đãi cho khách hàng…, chiến dịch tiếp thị cũng phải thay đổi nhằm thúc đẩy khách hàng mua sắm.
“Nếu hàng hóa chủ yếu là hàng Việt, hiện Co.opmart cũng đã làm rồi. Với chiến lược giá thấp mỗi ngày thì siêu thị Big C cũng đang thực hiện. Do đó NTD sẽ đòi hỏi những điều khác biệt ở người đến sau” - chuyên gia thương hiệu Đoàn Đình Hoàng đặt vấn đề. Doanh nghiệp (DN) Việt đã có lợi thế là đã đi trước, thân thuộc gắn kết với khách hàng, có hệ thống siêu thị vị trí thuận lợi… Do đó việc có mặt Emart tạo nên cuộc cạnh tranh mạnh hơn, đòi hỏi các DN bán lẻ phải nỗ lực hơn.
Chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng cho rằng chiến lược giá rẻ là một trào lưu không chỉ trong lĩnh vực bán lẻ mà còn ở những lĩnh vực khác như hàng không, ẩm thực... Cạnh tranh về giá luôn là một cuộc chiến khốc liệt. Sự xuất hiện của Emart chắc chắn sẽ tạo thêm áp lực lên những thương hiệu bán lẻ trong nước cũng như nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam.
Cạnh tranh dịch vụ cốt lõi
Ông Robert Trần, Tổng Giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược Robenny Canada, cho biết thị trường hiện tại không còn cạnh tranh về giá, về chất lượng sản phẩm, xuất xứ sản phẩm mà là cạnh tranh về dịch vụ cốt lõi và dịch vụ cộng thêm. Do đó NTD sẽ ít bận tâm về giá và chất lượng sản phẩm, bên nào có dịch vụ tốt hơn sẽ giữ được chân khách hàng.
Theo ông Hoàng Tùng, nếu chỉ dựa vào chiến lược bán hàng giá rẻ, Emart sẽ không có nhiều điểm khác biệt so với những thương hiệu đã và đang tồn tại ở thị trường Việt Nam. Với những thương hiệu bán lẻ lớn, ngoài việc đưa ra mức giá hấp dẫn, họ còn có nhiều chiến lược khác khiến đối thủ khó có thể bắt chước. Ví dụ như Sears có chiến lược tạo ra những nhãn hàng rất riêng, bán độc quyền, chỉ tại Sears mới có...
Ông Đoàn Đình Hoàng cho hay giá cả, dịch vụ tốt thôi chưa đủ vì thị trường sẽ chia ra nhiều phân khúc nhỏ khác nhau. Chẳng hạn nếu NTD mua thực phẩm họ sẽ ghé địa chỉ nào, mua hàng thời trang thì mua ở đâu, mua hàng tổng hợp ở siêu thị nào… Một DN bán lẻ nước ngoài có kinh nghiệm ở thị trường nào đó không hẳn sẽ thành công khi đầu tư tại một nơi khác.
Ông Hoàng Tùng cho rằng bản chất thị trường là phải có cạnh tranh mới phát triển. Từ đó DN vững mạnh hơn. “Chắc chắn là sẽ có nhiều làn sóng tiêu dùng nữa tràn đến thị trường Việt Nam nhưng việc quan trọng nhất của DN Việt là làm tốt sản phẩm cốt lõi bởi chúng ta không thể ngăn chặn những làn sóng đó” - ông Tùng nhấn mạnh.
Nhà cung cấp sẽ có lợi?
Chuyên gia thương hiệu Đoàn Đình Hoàng cho rằng hiện nay các nhà cung cấp không mấy thiện cảm với siêu thị. Họ vừa hợp tác vừa kháng cự nhau. Do đó muốn bán nhiều hàng Việt thì siêu thị chiều nhà sản xuất hơn một chút để có nhiều mặt hàng độc quyền hơn, giá rẻ hơn… Khi cùng một mặt hàng, NTD sẽ chọn nơi mua, sẽ đặt câu hỏi mua ở đâu tốt, ở đâu khác biệt.
Theo ông Robert Trần, siêu thị có thể có lợi nhuận nếu chuỗi siêu thị đó đủ mạnh để thuyết phục nhà sản xuất cho họ giá tốt nhất, hỗ trợ họ tiếp cận người dùng nhanh nhất. Ví dụ nhà sản xuất cùng bán hàng vào Co.opmart, Big C nhưng siêu thị nào có đầu ra tốt nhất thì nhà sản xuất sẽ đồng ý cho bên đó giá tốt, sản phẩm độc quyền…
Trong khi đó ông Tùng cho rằng để có thể tạo lập được một mức giá rẻ mà vẫn đảm bảo lợi nhuận, DN bán lẻ cần phải có được những hợp đồng với mức giá tốt từ nhà cung cấp và hệ thống quản lý hiện đại để đảm bảo lưu lượng luân chuyển hàng hóa một cách tối ưu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam