Đại gia thời nay ngả mũ trước khối tài sản đồ sộ của Công tử Bạc Liêu
Sự giàu có, chất chịu chơi của công tử Bạc Liêu đã là thương hiệu nổi tiếng một thời. Không chỉ có biệt thự lớn theo lối kiến trúc nước ngoài với nội thất sang trọng, cả đời tiêu xài trên 5 tấn vàng,...Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy còn là người Việt Nam đầu tiên có máy bay riêng, và là người miền Tây đầu tiên đi chiếc Chevrolet.
“Hai lúa” mua xe như Vua Bảo Đại
Hãng bán xe hơi ngay ngã tư Charner - Bonard (ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi, quận 1, TP.HCM ngày nay) không thật niềm nở khi có hai người khách trong bộ dạng nhà quê ghé vào. Người lớn tuổi trong bộ đồ bà ba “lục soạn” trắng ngả màu phèn, ôm khư khư chiếc giỏ đệm, bên trong là cái mo cau. Ông già nhà quê và người thanh niên đi cùng xem khắp lượt các loại xe hơi đậu trong hãng. Sau một hồi ngắm ngắm nghía nghía, người thanh niên kéo ông già nhà quê tới bên chiếc xe “Huê Kỳ” (xe hơi) hiệu Chevrolet loại mới nhập cảng ở Mỹ qua, chưa ai có ở Nam Kỳ.
Ông già ra lệnh cho mấy thằng Tây bán xe mở cửa xe cho ông lên ngồi, bọn chúng trố mắt ngạc nhiên nhưng vẫn làm theo khách hàng. Xong ông bảo chúng chạy một vòng quanh chợ Bến Thành. Đến chừng đã ưng ý, ông kêu sốp-phơ chạy trở về hãng, xong mở mo cau ra đếm tiền, cả cọc giấy bạc bộ lư (loại 100 đồng Đông Dương). Bọn Tây trố mắt kinh ngạc, chúng đâu biết rằng, ông già nhà quê kia là một đại điền chủ giàu nhất Nam Kỳ khi ấy, ở xứ Bạc Liêu. Ông chính là Hội đồng Trạch (Trần Trinh Trạch), người đang nắm trong tay hơn 100 ngàn hécta ruộng lúa và khoảng 50 ngàn hécta ruộng muối. Ông Hội đồng Trạch mua xe mới là để đón đứa con Trần Trinh Huy (tên thật là Trần Trinh Quy) đi học bên Tây “thành tài” về nước cho nó đúng điệu. Ông Hội đồng Trạch đã dày công tổ chức một cuộc đón rước con rình rang có một không hai thời bấy giờ, với những phương tiện và nghi thức không hề thua kém đón rước Vua Bảo Đại. Bắt đầu từ đây, giới ăn chơi Nam Kỳ biết đến một Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy.
Ông Trạch có 3 người con trai, nhưng ông cưng nhất là cậu Ba Quy vì có “đầu óc hơn người”, được đi Tây học. Ông Trạch (“trạch” là tên một loài cá, cá trạch, có nhiều ở miền Tây Nam Bộ) thích đặt tên con theo các loài thủy tộc giống như mình, vì ông quan niệm “muốn giàu nuôi cá”. Đứa con trai đầu lòng ông đặt tên Trần Trinh Đinh (“đinh” là tên một loài giống như rùa, nhưng lớn hơn, sống ở ven biển Nam Bộ). Đứa con thứ ba là Trần Trinh Quy (“quy” nghĩa là rùa). Đứa con trai út, ông cũng đặt tên một loài thủy tộc khác là Trần Trinh Khương, nhưng người đời quen gọi là Tám Bò.
Trước đó gia đình ông Trạch có chiếc Ford tuy chưa cũ nhưng đã thua kém xe của nhiều điền chủ khác, trong khi chiếc Chevrolet chỉ mới Vua Bảo Đại có.
Và máy bay đầu tiên ở Nam kỳ
Không chỉ sở hữu nhiều dòng xe ô tô, đi đòi nợ các tỉnh, Ba Huy dùng chiếc Ford Vedette, còn đi chơi ông có chiếc Peugeot thể thao, sản xuất năm 1922. Công tử Bạc Liêu còn sở hưũ máy bay và sân bay tư nhân đầu tiên. Một sự kiện chấn động cả nước khi đó là Ba Huy đi thăm ruộng bằng máy bay. Và lúc ấy cả Việt Nam cũng chỉ có 2 chiếc là của Công tử Bạc Liêu và của vua Bảo Đại.
Một hợp đồng mua máy bay, loại 2 cánh quạt, 2 chỗ ngồi, đã được Công tử Bạc Liêu ký với hãng cung cấp máy bay của Pháp. Theo một vài nguồn thông tin, giá trị hợp đồng lên đến vài chục triệu đồng Đông Dương, tương đương hơn 100kg vàng
Sau 3 năm “du học” bên Tây, cậu Ba Huy lái xe hơi như bay, lại còn lái được cả máy bay. Ngoài 2 bằng lái xe và lái máy bay, Ba Huy còn có mấy tấm bằng chứng nhận về nhảy đầm, kết quả của 3 năm ròng “du học” giữa thủ đô Paris hoa lệ.
Gia tài trên 5 tấn vàng
Nhờ làm ăn, ông Trần Trinh Trạch đã trở thành người có số tài sản lớn nhất trong các chủ điền. Ông đã sở hữu tổng cộng gần 200.000 hécta ruộng trồng lúa và làm muối ở Bạc Liêu và vùng lân cận. Thời ấy, nếu có ai đề nghị ông Trạch đem cơ ngơi của ông để đổi lấy vùng đất mà ngày nay là nước Singapore giàu có, chắc chắn ông sẽ lắc đầu từ chối. Diện tích đất mà ông Trạch sở hữu vào lúc cực thịnh rộng gấp 3 lần nước Singapore, đất đai ở Bạc Liêu vào thời đó cũng tốt hơn nhiều so với vùng đất ven biển của nước Singapore.
Được biết, tổng số tài sản mà công tử Bạc Liêu được thừa hưởng và "tiêu hao" vào ăn chơi xa xỉ ước tính lên tới trên 5 tấn vàng.
Nhà Lớn đồ sộ, ăn đứt dinh thự của quan chủ tỉnh người Tây
Nhà Lớn là tên mà người dân Bạc Liêu đặt cho tòa nhà đồ sộ, nguy nga nằm bên sông Bạc Liêu. Tuy thua về diện tích khuôn viên, nhưng về kiến trúc và mức độ đồ sộ thì ăn đứt dinh thự của quan chủ tỉnh người Tây. Đó là cơ ngơi của ông đại điền chủ Trần Trinh Trạch.
Ngôi nhà được xây dựng năm 1919, do kỹ sư người Pháp thiết kế, có hai tầng, hai đại sảnh. Toàn bộ vật liệu xây dựng ngôi nhà đều được chở từ Pháp sang, các đồ trang trí bên trong ngôi nhà được nhập cảng từ Ý và Hoa Kỳ. Toàn bộ các đồ sứ, đồ gỗ lại được đưa từ Trung Hoa sang.
Trong đó, đáng chú ý là cặp giường nóng lạnh giờ đây đã trở nên vô giá, không ai có thể mua được. Mỗi chiếc giường có độ cao khoảng 2,6 mét. Hai chiếc giường này còn được nhiều người đoán định làm nên từ gỗ giáng hương hóa thạch nên rất chắc chắn. Đứng cách xa gần 1 km, mùi thơm vẫn bốc lên dịu nhẹ.
Tái hiện không gian sống của gia đình Công từ Bạc Liêu
Sau nhiều năm trùng tu, cụm dinh thự Công tử Bạc Liêu - người ăn chơi nổi tiếng khắp Nam Kỳ vừa mở cửa đón hàng chục nghìn khách du lịch đến tham quan trong những ngày Tết.
Theo ông Tô Huy Phong Phú, Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Cẩm Quyên, sau vài ngày mở cửa (từ sáng 3/2), nhà lưu niệm công tử Bạc Liêu (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) đã thu hút hàng ngàn du khách ghé thăm.
Không gian sống của gia đình công tử Bạc Liêu chừng 100 năm trước đã được tái hiện tại khu biệt thự sang trọng này với gian thờ, bốn sảnh nhà và bốn phòng ngủ (phòng của công tử, của bố mẹ và hai phòng dành cho hai người con). Việc tái hiện dựa vào 42 hiện vật và nhóm hiện vật quý hiếm, chủ yếu bằng gỗ quý khảm nạm xà cừ rất tinh xảo, đẹp mắt. 60% trong số hiện vật này được các cơ quan hữu quan, nhân chứng và một số nhà nghiên cứu ở Bạc Liêu bước đầu công nhận là hiện vật gốc xuất phát từ gia đình công tử. Số còn lại là hiện vật cùng thời và hiện vật phục chế.
Theo ông Phú, sắp tới ông sẽ tiếp tục sưu tầm một chiếc máy bay và nhiều hiện vật khác của công tử Bạc Liêu để bổ sung cho hiện vật trưng bày. Một ngôi nhà khác cạnh bên của công tử đang được nâng cấp theo phong cách sang trọng cũng sắp được đưa vào khai thác dịch vụ lưu trú cao cấp.
Báo Đất việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo