Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 thành công tốt đẹp
Sau 3 ngày tiến hành làm việc, sáng 27-10, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đã công bố kết quả bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Theo đó, ông Trần Văn Nam – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trúng cử chức vụ Bí thư Tỉnh ủy khóa X.
Ông Trần Văn Nam sinh năm 1963, quê quán huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương; trình độ Cử nhân Chính trị, Cử nhân Luật. Ông Nam từng giữ các chức vụ Bí thư Tỉnh Đoàn, Phó trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh, Bí thư huyện ủy Tân Uyên, Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.
Các ông: Phạm Văn Cành, Nguyễn Hữu Từ tái cử chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trần Thanh Liêm - Ủy viên Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trúng cử chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Trước đó, Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Dương khóa X gồm 52 đồng chí, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy gồm 11 đồng chí. Dự Đại hội có đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước. Các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Hà Thị Khiết, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư; Đại diện các Bộ, Ban, Ngành Trung ương,Lãnh đạo các tỉnh, Thành các mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, cùng 350 đại biểu đại diện cho hơn 37.000 đảng viên của toàn Đảng bộ.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo Đại hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, biểu dương Đảng bộ và nhân dân Bình Dương đã phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực đưa tỉnh phát triển nhanh về mọi mặt, thuộc nhóm tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước trong sự nghiệp đổi mới với những thành tựu quan trọng và khá toàn diện: Tăng trưởng tiếp tục duy trì ở mức cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, trở thành tỉnh công nghiệp; thu nhập bình quân đầu người vượt kế hoạch đề ra. Công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân 15,7%/năm; dịch vụ phát triển nhanh, bình quân 20,9%/năm; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định theo hướng nông nghiệp đô thị, công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến; 61,2% xã đạt tiêu chí nông thôn mới, vượt chỉ tiêu đề ra. Công tác quy hoạch phát triển, nhất là quy hoạch đô thị và kết cấu hạ tầng; huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển được quan tâm.
Các lĩnh vực Văn hóa - Xã hội, Giáo dục - Đào tạo, Khoa học - Công nghệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, văn hóa văn nghệ, thông tin truyền thông, thể dục thể thao, giải quyết việc làm, thực hiện các chính sách xã hội đều có chuyển biến tích cực. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, cơ bản xóa được hộ nghèo theo tiêu chí mới. Chương trình nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đạt kết quả tích cực. Quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, khu vực phòng thủ được xây dựng ngày càng vững chắc. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định. Công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh. Cải cách hành chính có nhiều tiến bộ; hiệu lực, hiệu quả.
Chủ tịch nước cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế: Kết quả đạt được trong 5 năm qua của Bình Dương còn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, còn một số chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ tỉnh đề ra; kinh tế phát triển nhanh nhưng chưa thật bền vững; năng lực cạnh tranh còn hạn chế; phát triển các ngành công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao chưa đạt mục tiêu đề ra; tỷ trọng dịch vụ trong GDP còn thấp. Liên kết vùng và phát triển vùng còn nhiều vướng mắc; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế; một số dự án trọng điểm về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội triển khai còn chậm; công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, quản lý đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu dân cư có mặt còn yếu. Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội một số mặt chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của nhân dân về học tập, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt văn hóa...
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị Đại hội cần đi sâu thảo luận, phân tích, đánh giá đúng mức những thành tựu đã đạt được, làm rõ thêm những mặt tồn tại, hạn chế trong nhiệm kỳ qua, tìm ra nguyên nhân để có giải pháp kiên quyết khắc phục trong nhiệm kỳ tới. Theo đó: Đảng bộ Tỉnh cần quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo các định hướng của T.Ư phù hợp điều kiện tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, hệ thống cơ sở hạ tầng, đô thị. Quy hoạch phát triển của tỉnh phải gắn kết chặt chẽ với phát triển chung của vùng, tạo sự liên kết vùng, nhất là trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển các ngành, các lĩnh vực, bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao tiềm năng Khoa học - Công nghệ. Nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao nhất để phát triển nhanh và bền vững, xây dựng Bình Dương thành đô thị văn minh, hiện đại.
Cần tập trung thực hiện hiệu quả các bước đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế để đổi mới cơ bản mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, thân thiện với môi trường, tăng tỉ lệ nội địa hóa, giảm tỉ trọng gia công. Phát triển nhanh các ngành dịch vụ, nâng cao tỷ trọng dịch vụ trong GDP, nhất là các dịch vụ chất lượng cao, có lợi thế và giá trị gia tăng cao. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với một tỉnh đang có tốc độ đô thị hóa cao. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, xây dựng, nâng cấp các đô thị gắn với quản lý đô thị văn minh, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, quan tâm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội, nhất là xây dựng nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp, nhà ở xã hội, các công trình giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Tỉnh cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo toàn diện; phát triển mạnh khoa học công nghệ, đẩy mạnh đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực sản xuất. Phát triển, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thông tin, truyền thông đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, tương xứng với phát triển kinh tế của tỉnh. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, các đối tượng chính sách xã hội.
Đồng thời, tăng cường củng cố quốc phòng an ninh, nhất là “thế trận lòng dân”, thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ then chốt xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp của Nghị quyết T.Ư4 về xây dựng Đảng. Đặc biệt, tập trung xây dựng cơ sở chính trị, nhất là tổ chức Đảng, Công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp. Nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Chính trị - Xã hội, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng.
Với những thành tựu đã đạt được, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ tin tưởng Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục chung sức, chung lòng, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phấn đấu xây dựng Bình Dương có bước phát triển mới nhanh hơn, toàn diện hơn, bền vững hơn, trở thành đô thị văn minh, hiện đại, có một nền sản xuất tiên tiến sánh vai với các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN.
End of content
Không có tin nào tiếp theo