Quốc tế

Đại hội đồng Liên hợp quốc bỏ phiếu về nâng cấp cơ chế cho Palestine

Hôm nay, 193 thành viên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ bỏ phiếu về nâng cấp quy chế cho Palestine lên nhà nước quan sát phi thành viên.

Ngày 29/11, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ bỏ phiếu cho dự thảo nghị quyết của Palestine về nâng cấp quy chế tại Liên Hợp Quốc. Bên cạnh những tuyên bố ủng hộ, hay những cảnh báo Palestine sẽ phải trả giá đắt được đưa ra, một số nước cũng đã đặt điều kiện với Palestine để đổi lấy phiếu ủng hộ.

Sau bài phát biểu của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, 193 thành viên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ bỏ phiếu về việc nâng cấp quy chế cho Palestine từ thực thể quan sát viên lên nhà nước quan sát phi thành viên, tương tự như quy chế dành cho Vatican. Nếu được nâng quy chế với đa số phiếu ủng hộ, Palestine sẽ được phép tiếp cận các tổ chức quốc tế như Tòa án Hình sự Quốc tế…

Theo dự thảo nghị quyết về nâng cấp quy chế tại Liên Hợp Quốc, Palestine đã đề nghị Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chấp thuận nước này là một nhà nước quan sát viên, thành lập một Nhà nước Palestine với các đường biên giới năm 1967 và thủ đô là Đông Jerusalem, đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an "cân nhắc một cách thiện ý" yêu cầu trở thành thành viên đầy đủ mà Palestine đưa ra một năm trước.

Dự thảo nghị quyết cũng nhấn mạnh sự cấp thiết nối lại các cuộc hòa đàm bị đình trệ từ tháng 9/2010 sau khi Israel từ chối đề nghị của Palestine gia hạn lệnh tạm ngừng mở rộng các khu định cư Do Thái trên các vùng lãnh thổ chiếm đóng.

Trước nỗ lực gia nhập Liên Hợp Quốc của Palestine, Mỹ một lần nữa cảnh báo rằng Palestine sẽ phải trả giá bằng khoản tiền viện trợ của Washington nếu dự thảo được thông qua. Trong khi, Israel cũng đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp kinh tế hà khắc chống Palestine.

Palestine đã trải qua một con đường đầy chông gai để thực hiện ước mơ trở thành một quốc gia độc lập, được quốc tế công nhận. Và cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 29/11 là một cơ hội lớn để biến ước mơ của người dân Palestine thành hiện thực. Theo nhiều nguồn tin, khoảng 127 nước thành viên Liên Hợp Quốc sẵn sàng công nhận nhà nước Palestine với đường biên giới năm 1967. Đây là thuận lợi với quốc gia Trung Đông này hơn là việc đưa vấn đề gia nhập Liên Hợp Quốc tại Hội đồng Bảo an, nơi Mỹ luôn có quyền phủ quyết.

Phát biểu hôm 28/11, Trưởng đoàn đàm phán Palestine Saep Erekat nói: “Tôi không thể dự tính được số phiếu ủng hộ cho Palestine tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Nhưng tôi có thể nói rằng, chúng tôi đã thực hiện mọi nỗ lực để giành nhiều nhất sự ủng hộ mà chúng tôi xứng đáng có được. Palestine xứng đáng nhận được ủng hộ của những nước tin tưởng vào giải pháp 2 nhà nước cho hòa bình Trung Đông.”

Những ủng hộ chắc chắn đầu tiên cho Palestine đến từ Nga và Venezuela. Trong khi, với tuyên bố ngày 27/11 của Thủ tướng Jean-Marc Ayrault, Pháp đã trở thành cường quốc phương Tây đầu tiên ủng hộ việc nâng cấp quy chế của Palestine tại Liên Hợp Quốc. Thụy Sỹ và Đan Mạch hôm 28/11 cũng đã gia nhập danh sách các nước châu Âu ủng hộ Palestine. Tuy nhiên, Đức hôm qua đã cho biết nước này sẽ không bỏ phiếu cho Palestine.

Một thành viên khác tại châu Âu là Anh cũng chưa nêu rõ lập trường của mình. Trong phát biểu trước Quốc hội Anh hôm 28/11, Ngoại trưởng Anh William Hague đặt điều kiện ủng hộ việc nâng cấp quy chế của Palestine tại Liên Hợp Quốc nếu Palestine đảm bảo sẽ quay trở lại bàn đàm phán hòa bình và không theo đuổi việc kiện  Israel ra Tòa án hình sự quốc tế.

Ông Hague nói: “Chúng tôi ủng hộ đối thoại hòa bình, theo đó Israel sẽ chung sống hòa bình với nhà nước Palestine dựa trên đường biên giới năm 1967. Anh vẫn có thể bỏ phiếu ủng hộ cho Palestine, nhưng mối quan tâm của chúng tôi là những nỗ lực để thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông sau đó. Chúng tôi ủng hộ giải pháp 2 nhà nước, mà theo đó Israel, Palestine trở lại bàn đàm phán hòa bình, Israel phải ngừng xây dựng các khu nhà tái định cư, Palestine phải giải quyết vấn đề nội bộ và cộng đồng quốc tế cũng cần chung nỗ lực thúc đẩy hòa bình Trung Đông”.

Chính quyền và người dân Palestine có thể hy vọng những nỗ lực để giành được sự công nhận từ cộng đồng quốc tế sẽ được đền đáp. Trong khi, thế giới sẽ phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình Trung Đông, trong đó là thỏa thuận ngừng bắn mong manh tại Dải Gaza giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine./.

 

 

Hồng Lĩnh (Theo VOV)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo