Đắk Lắk: Chủ tịch xã “tự ý” cho doanh nghiệp xây lò đốt than
Thời gian gần đây, người dân ở thôn 4 (xã Krông Jing) và thôn 2 (xã Ea Riêng, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk) liên tục phản ánh tình trạng khói, bụi và ô nhiễm môi trường do hoạt động đốt than một doanh nghiệp trên địa bàn. Trong khi đó,việc xây dựng các lò than này lại được lãnh đạo UBND xã Ea Riêng (huyện M’Đrắk)cho phép.
Cấp phép vượt thẩm quyền
Theo ông Trần Văn Thuyết – đại diện Công ty TNHH MTV Thương mại Đức Nga (ở (ở thôn 8, xã Ea Riêng, gọi tắt là Công ty Đức Nga), công ty được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk cấp giấy phép hoạt động số 40.04.000.226 vào ngày 16/10/2008. Vào tháng 12/2013, ông Thuyết làm đơn gửi lên UBND xã Ea Riêng xin phép cho công ty xây dựng 5 lò đốt than tại tại địa phương nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu từ cây cà phê và các loại cây vườn trồng khác. Sau khi nhận được đơn, Chủ tịch UBND xã Ea Riêng đã phê duyệt cho Công ty Đức Nga được xây dựng các lò đốt than trên địa bàn thôn 2 của xã.
Từ tháng 4/2014, các lò than của Công ty Đức Nga bắt đầu hoạt động và không lâu sau đó, người dân ở thôn 2 (xã Ea Riêng, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk) và thôn 4 (xã Krông Jing) đã phản ánh lên các cơ quan chức năng về tình trạng ô nhiễm môi trường từ việc đốt than. Bà Nguyễn Thị Linh – Phó Chủ tịch UBND xã Krông Jing, cho biết: “Sau khi nhận được phản ánh từ người dân, xã đã thành lập đoàn kiểm tra và phát hiện tình trạng ô nhiễm môi trường từ việc đốt than là có thật. Các lò than được xây dựng ở khu đông dân cư nên khói, bụi đã ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của các hộ dân xung quanh khiến họ rất bức xúc. Bên cạnh đó, khu vực xây dựng lò đốt than nằm ở cuối thôn 2 (xã Ea Riêng) và tiếp giáp với địa phận của thôn 4 (xã Krông Jing) nên cán bộ địa chính của chúng tôi đã xác định các lò than trên thuộc địa giới hành chính của xã Krông Jing chứ không phải của xã Ea Riêng”.
Ngày 27/8/2014, UBND xã Krông Jing đã phối hợp với các lực lượng chức năng huyện M’Đrắk và UBND xã Ea Riêng thành lập đoàn liên ngành kiểm tra và xác định người điều hành, chịu trách nhiệm làm việc tại lò than là ông Lê Văn Sáng (được ông Thuyết bàn giao lại trước đó). Tại thời điểm kiểm tra, có 3 lò than đã ngừng hoạt động nên đoàn kiểm tra yêu cầu ông Sáng phải tháo dỡ trong ngày 28/8. Riêng 2 lò đang hoạt động, đoàn kiểm tra đã tạo điều kiện cho gia đình ông Tam được thu mẻ than cuối, sau đó phải hoàn tất việc tháo dỡ sau 20 ngày (tức ngày 17/9). Tuy nhiên, tại thời điểm PV có mặt tại hiện trường sáng 17/9, cả 5 lò đốt than và nhà bạt che lò vẫn đang giữ nguyên hiện trạng, riêng gỗ đốt đã được chủ lò cho xe chở đi.
Trao đổi với PV, ông Phạm Đình Nhu – Chủ tịch UBND xã Ea Riêng, khẳng định: “Việc xã cho phép ông Thuyết xây dựng lò đốt than là nhằm tận dụng phế phẩm nông nghiệp như gỗ cao su, cà phê (đã già cỗi hoặc chuyển đổi) người dân hoặc gỗ tạp tự nhiên tại địa bàn để đốt lấy than, tránh lãng phí. Khu vực xây dựng lò than có nhiều cây xanh và ít hộ dân sinh sống nên mức độ ô nhiễm là không đáng kể. Tôi “chỉ sai” khi cho phép Công ty Đức Nga xây dựng lò than sang địa phận của xã Ea Riêng chứ không sai trong quan điểm tạo điều kiện phát triển kinh tế cho địa phương”. Tuy nhiên, khi PV đặt câu hỏi “khi cho phép công ty Đức Nga xây dựng lò than, ông có nghĩ mình làm đúng thẩm quyền và xem xét kỹ giấy phép kinh doanh của họ không” thì ông Nhu thừa nhận đã phê duyệt sai thẩm quyền và “sơ ý” không xem giấy phép kinh doanh.
Cần chấn chỉnh kịp thời
Theo quy định về việc đầu tư xây dựng lò đốt than, chủ lò than phải xin giấy phép xây dựng, phải có đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ và đặc biệt là việc xây dựng phải đúng với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương. Như vậy, để được xây dựng lò đốt than, các doanh nghiệp hoặc hộ gia đình phải đến UBND huyện hoặc các sở, ban ngành cấp tỉnh để làm các thủ tục theo quy định hiện hành. Trong khi đó, thay vì hướng dẫn doanh nghiệp đến các cơ quan chức năng để làm thủ tục theo quy trình thì Chủ tịch UBND xã Ea Riêng lại cho Công ty Đức Nga xây dựng lò than. Trên thực tế, nếu không thực hiện các thủ tục xây dựng và hoạt động của lò đốt than thì việc đốt than của công ty là hoàn toàn sai phạm. Điều này đồng nghĩa với việc Công ty Đức Nga đã đốt than “chui” và vì lợi ích của “một nhóm người” chứ không phải “lợi ích chung” của xã Ea Riêng như ông Phạm Đình Nhu đã lý giải.
Ông Trần Tiến Lực – Trưởng Phòng TN&MT huyện M’Đắk, cho hay: “Việc Công ty Đức Nga xây dựng 5 lò than tại được xây dựng quy mô theo dạng mái vòm, sức chứa khoảng 10m3 than/lò tại thôn 4 (xã Krông Jing) là trái với quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng các công trình, nhà máy, lò sản xuất… Mặc dù chúng tôi không nhận được báo cáo của UBND xã Ea Riêng nhưng khi người dân tại địa phương phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động đốt than, đoàn kiểm tra đã xuống làm việc và lập các biên bản xứ lý Công ty Đức Nga vì sai phạm liên quan đến lĩnh vực đất đai và vệ sinh môi trường”.
Về phương án xử lý vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Bình – Phó Chủ tịch UBND huyện M’Đắk, cho hay: “Hiện tại, chúng tôi đã chỉ đạo vào các cơ quan chức năng trong huyện và UBND xã Krông Jing phối hợp kiểm tra, đôn đốc chủ lò tháo dỡ đúng thời hạn. Nếu chủ lò cố tình không chấp hành, chúng tôi sẽ tiến hành cưỡng chế theo quy định của pháp luật”. Về việc sai phạm của Chủ tịch UBND xã Ea Riêng, ông Bình cho biết huyện sẽ xem xét trách nhiệm cụ thể để có hình thức xử lý phù hợp. Bên cạnh đó, ông Bình cũng thừa nhận năng lực lãnh đạo, trình độ chuyên môn, công tác quản lý Nhà nước của lãnh đạo một số xã trong địa bàn huyện còn chưa cao.
Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đang hạn chế và dần xóa bỏ tình trạng đốt than gây ô nhiễm môi trường, phá rừng lấy nguyên liệu đốt than làm cạn kiệt tài nguyên… Trong khi đó, việc cán bộ lãnh đạo cơ sở không nắm được nguyên tắc làm việc, chức năng nhiệm vụ; không nắm được phân cấp quản lý sẽ gây ra nhiều vấn đề phức tạp và dư luận không tốt trong xã hội. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý kịp thời để chấn chỉnh tình trạng “lạm quyền” trong quản lý hành chính Nhà nước nêu trên.
Tài Nguyên & Môi trường
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo