Tháng 9 hàng năm là thời điểm tập trung nhiều trận mưa bão, do đó công tác vận hành hệ thống điện và bảo đảm an toàn điện cho người dân luôn đặt ra cho ngành điện lực rất nhiều thách thức. Ngoài việc đảm bảo an toàn cấp điện và an ninh hệ thống là mục tiêu của các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng tránh tai nạn rủi ro về điện là nhiệm vụ vô cùng quan trọng.
Nhiều vụ tai nạn thương tâm do phóng điện đã xảy ra như: Trên đường Tam Đảo, phường 15, quận 10 (TP Hồ Chí Minh), anh Trần Văn Qúy (19 tuổi, quê Thạnh Phú - Bến Tre) và Huỳnh Hữu Nghĩa (17 tuổi) quê Hòa Thành - Tây Ninh làm công tại cơ sở ăng ten số 522D bis Nguyễn Tri Phương, leo ra lan can để gắn ăng-ten. Dây điện cao thế 110KV cách khoảng 3m đã bất ngờ phóng điện làm Quý chết tại chỗ và Nghĩa bị bỏng rất nặng. Một vụ tai nạn điện tại công trình xây dựng cổng chào tỉnh Bình Dương trên QL13 (phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An) làm anh Lê Hồng Hoàng (SN 1971, quê Bình Phước) tử vong khi đi dọc theo các khung sắt của nhóm công nhân đang hàn điện.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, trong tháng 9/2014 sẽ có khoảng 1-2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Đặc biệt, khu vực Trung bộ đang chuyển dần sang thời điểm chính của mùa mưa, lượng nước về các hệ thống sông hồ, trong đó có các hồ thủy điện sẽ rất lớn, đe dọa đến an ninh vận hành hồ chứa nước và an toàn miền hạ du. Bên cạnh đó, hệ thống lưới điện phân phối tại các vùng nông thôn, thành thị nằm trong khu vực thường xuyên có bão lũ hằng năm cần phải nâng cao cảnh giác hơn nữa.
Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị đã nỗ lực để thực hiện tốt các chỉ đạo, đảm bảo an toàn tối đa cho người dân sử dụng điện, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Ngay từ đầu mùa mưa, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai sát với thực tế, phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng đơn vị theo phương châm “Bốn tại chỗ”; Tăng cường kiểm tra, phát quang hành lang tuyến; Phối hợp với chính quyền địa phương trong việc xử lý các vụ nhà, công trình vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp. Trong trường hợp xảy ra bão, lũ hoặc các hiện tượng bất thường của thời tiết đe dọa tình trạng vận hành an toàn hệ thống điện, các đơn vị nằm trong vùng ảnh hưởng phải tổ chức trực 24/24h, chuẩn bị đủ người, phương tiện để khắc phục nhanh các sự cố do thiên tai gây ra; Đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống để phục vụ chỉ đạo, điều hành. Đối với các đơn vị quản lý lưới điện phải tăng cường kiểm tra, sớm phát hiện khu vực có khả năng sạt lở đất, ảnh hưởng đến cột, trạm và có phương án xử lý kịp thời, đảm bảo cung cấp điện an toàn.
Ngành điện thành phố cũng xác định mục tiêu đảm bảo an toàn cho con người và thiết bị trong mùa mưa bão là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Các đơn vị tăng cường kiểm tra, sửa chữa và triển khai các công tác đảm bảo an toàn vận hành lưới điện và cung cấp điện trong nhân dân. An toàn điện không còn là vấn đề riêng của ngành điện mà cả xã hội quan tâm vì xảy ra tai nạn điện thường liên quan trực tiếp đến tính mạng con người và tài sản. Nguyên nhân của hầu hết các vụ cháy nổ lực lượng Cảnh sát PCCC điều tra cho thấy, chủ yếu do chập điện, bất cẩn khi sử dụng điện và phóng điện gây ra cháy nổ. Để phòng tránh các tai nạn điện có thể xảy ra, Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân không nên: Trú tránh mưa ở khu vực cột điện, trạm biến áp, không chạm vào cột điện, dây nối đất, dây chằng cột điện, thùng điện kế, thùng cầu dao. Không lên sân thượng, mái nhà (nơi có đường dây điện vượt qua) hoặc sửa chữa đường dây, thiết bị điện ngoài trời, gián tiếp gần đường dây cao, trung thế rất dễ bị phóng điện cực mạnh trong thời tiết xấu. Rất nhiều khu vực tại TP Hồ Chí Minh mỗi trận mưa lớn kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ đã gây ra nước ngập rất sâu. Cơ quan chức năng cũng thường xuyên nhắc nhở người dân, đặc biệt dành sự quan tâm cho các em nhỏ trong mùa mưa bão, nên ngắt nguồn điện (mở cầu dao, CB) khu vực trong nhà bị ngập nước hoặc mưa ướt (tạt dột). Khi lắp đặt đường dây dẫn điện, ổ cắm điện, thiết bị sử dụng điện trong nhà phải cao hơn mức nước thường ngập lụt hoặc ẩm ướt và lắp thiết bị đóng, cắt chống rò điện phù hợp (MCCB). Không ai khác ngoài người dân sử dụng điện cần phải tuân thủ việc cắt nguồn điện cung cấp cho các thiết bị sử dụng điện ngoài trời khi mưa to, gió lớn (như các bảng hiệu, bảng quảng cáo…). Khi trú mưa bão hoặc tham gia giao thông cần tránh xa, báo cho cơ quan chức năng và mọi người xung quanh biết, lập rào chắn khi phát hiện cột điện ngã (đổ), dây điện đứt rơi xuống đường, ruộng nước, ao hồ... qua số điện thoại trung tâm 190 0545 454 và số cấp cứu 114 (Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh) khi có tai nạn xảy ra.
Hiện tại có 95% số hộ của cả nước đã được sử dụng điện từ lưới điện quốc gia. Điện thực sự đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Song điện lại là nguồn nguy hiểm, chỉ sơ ý hoặc thiếu hiểu biết khi tiếp xúc với điện sẽ bị tai nạn rất thương tâm, đặc biệt mỗi khi có mưa bão, lụt. Khi xảy ra sự cố điện giật, cháy nổ buộc phải cắt điện trên diện rộng để xử lý sẽ gây ra ảnh hưởng mất điện cho toàn khu vực lân cận. Thiệt hại không chỉ tính mạng con người mà còn ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, xã hội, đèn giao thông… mất an toàn và mất ANTT xã hội
Theo Công an Nhân dân