Quốc tế

Đàm phán TPP Nhật - Mỹ: Bên ra yêu sách về gạo, bên đòi mở thị trường ô tô

Trong đàm phán song phương Mỹ-Nhật, hai vấn đề chính gây trở ngại là việc Washington đòi Tokyo mở cửa thị trường gạo, trong lúc Nhật Bản lại muốn Mỹ mở cửa thị trường xe hơi.

 

Vào lúc hai bên sắp bước vào hai ngày đàm phán thương mại song phương, mở đường cho Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản vào hôm 19/04/2015 xác định rằng Tokyo sẽ không chiều ý Washington muốn Nhật gia tăng lượng gạo nhập khẩu từ Mỹ, RFI đưa tin.
 
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Akira Amari (t) và Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman, trong cuộc họp báo sau 4 ngày họp về TPP ở Singapore tháng 2/2014 - REUTERS/Edgar Su/Files.
 
Cho dù vậy phía Nhật vẫn hy vọng đàm phán song phương đạt được nhiều tiến bộ khác trước ngày lãnh đạo Mỹ-Nhật gặp nhau vào cuối tháng Tư này.
 
Phát biểu trên đài truyền hình Nhật Bản NHK, ông Akira Amari, Bộ trưởng Kinh tế Nhật cho biết là Tokyo sẽ không chấp nhận yêu cầu của Washington, đòi Nhật tăng quota gạo Mỹ nhập khẩu. Theo nhật báo Nikkei số ra hôm 18/4, Nhật Bản chỉ đồng ý nhập 50.000 tấn gạo Mỹ một năm, một khối lượng chỉ bằng một phần tư yêu cầu của Mỹ. 
 
Giải thích về lập trường của chính quyền Nhật Bản, ông Amari nêu bật thái độ chống đối của nông dân Nhật: "Đàm phán không thể có nếu không bên nào nhượng bộ. Thế nhưng cũng phải tính đến những hạn chế khác nhau trong nước… Đặc biệt là đối với gạo, được sản xuất trên khắp Nhật Bản, vì vậy chúng tôi đang đàm phán một cách thận trọng… Tôi có thể hứa là sẽ không có kết luận nào gây sốc".
 
Trong đàm phán song phương Mỹ-Nhật, hai hồ sơ chính gây trở ngại là việc Washington đòi Tokyo mở cửa thị trường gạo, trong lúc Nhật Bản lại muốn Mỹ mở cửa thị trường xe hơi.
 
Trên hồ sơ thứ hai này, cũng theo báo Nikkei, Nhật Bản đòi Mỹ xóa bỏ ngay lập tức mức thuế 2,5 phần trăm đánh vào phụ tùng ô tô nhập khẩu từ Nhật, nhưng Washington, dưới áp lực của các ngành công nghiệp ô tô rất có thế lực tại Mỹ, vẫn muốn duy trì mức thuế này càng lâu càng tốt.
 
Cho đến nay, hai hồ sơ này vẫn cản trở việc hai bên Mỹ Nhật đạt được thỏa thuận song phương, một thỏa thuận được đánh giá là sống còn cho hiệp định tự do mậu dịch Xuyên Thái Bình Dương rộng lớn hơn. Lý do là vì hai nền kinh tế Mỹ Nhật gộp lại chiếm khoảng 80% sản lượng của toàn khối TPP bao gồm 12 nước thành viên.
 
Cả Washington lẫn Tokyo đều nhìn thấy giá trị chiến lược của Hiệp định TPP, nhằm làm đối trọng với sự vươn lên của Trung Quốc.

 

Theo BizLIVE
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo