Dân bản Lô Lô Chải góp sức dựng cột cờ Lũng Cú
Trên bản đồ Việt Nam, đường biên giới Việt-Trung nếu hình dung là chóp nón mà hai điểm thấp nhất là A Pa Chải (Điện Biên) và mũi Sa Vĩ (Móng Cái) thì đỉnh chóp nằm ở cột cờ Lũng Cú (huyện Đồng Văn, Hà Giang). Dưới chân ngọn cờ thiêng, Lô Lô Chải là một ngôi làng độc đáo, nơi quanh năm nhìn thấy lá cờ Tổ Quốc có diện tích 54m2 kiêu hãnh tung bay trong gió.
Được xác định là điểm cực Bắc nơi địa đầu của Tổ quốc ở tọa độ 23021’75’’ vĩ độ Bắc, 105018’97’’ kinh độ Đông, cột cờ Lũng Cú chính là “nơi bắt đầu nét vẽ đầu tiên của bản đồ Tổ quốc”.
Ngược thời gian, vùng biên cương cực Bắc này từng có cột cờ đầu tiên được dựng thời nhà Lý (khoảng năm 1075) bằng thân cây sa mộc khi Thái úy Lý Thường Kiệt hội quân trấn ải biên thùy.
Một lá cờ lớn đã được ông treo lên, đánh dấu chủ biên cương lãnh thổ nước ta. Trải qua gần 1.000 năm, cột cờ được nhiều lần xây dựng lại và cột cờ hiện tại được xây dựng năm vào năm 2010 với lá cờ Tổ quốc thiêng liêng có diện tích 54m (chiều dài 9m, chiều rộng 6m).
Đứng dưới chân núi Rồng nhìn lên lá cờ tung bay trong nắng gió là Lô Lô Chải - bản tiền tiêu, nằm cách cột cờ Lũng Cú 1,4km và cách cột mốc 419 giáp ranh tỉnh Vân Nam của Trung Quốc chưa đầy 1km. Dù chỉ có dân số khoảng vài nghìn cư trú tại huyện Đồng Văn nhưng người Lô Lô là dân tộc có công đầu khai khẩn đất đai nơi đây.
Những người già ở bản Lô Lô Chải cũng kể lại rằng, năm 1991 dưới sự chỉ đạo của chính quyền, họ cùng các dân tộc Lũng Cú đã tỏa đi khắp núi rừng, tìm một cây pơmu cao gần 13m, và phải 20 trai tráng mới chuyển được thân cây nặng hàng tạ ấy đưa lên đỉnh núi Rồng, làm cột cờ bằng gỗ.
Đến năm 2000, suốt 4 tháng ròng rã người Lô Lô lại cùng các dân tộc Lũng Cú đã cõng lên đỉnh đồi cao 1.460m từng bao cát, từng tảng đá, từng can nước để xây lên cột cờ bê tông kiên cố. Những chiếc quẩy tấu thô mộc này cùng với bước chân cần mẫn để lên đỉnh núi Rồng, góp phần xây lên cột cờ kiên cố cực bắc Tổ quốc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo