Dân có quyền hỏi điện, xăng lãi sao tăng giá?
Đó là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tại hội nghị tổng kết hoạt động 2012 và triển khai nhiệm vụ 2013 ngành Công Thương, ngày 11-1.
Đừng để dân bức xúc giá điện, xăng
Nhìn lại năm qua, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của ngành Công Thương. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhưng vẫn đạt thành tựu nổi bật, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cả nước.
Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, năm 2013, Bộ Công Thương cần chủ động cung cấp thông tin để người dân và xã hội biết về hoạt động thuộc lĩnh vực quản lý.
“Giá điện, xăng dầu phải minh bạch hơn. Nói xăng dầu không lãi nhưng các lĩnh vực khác thuộc xăng dầu lại có lãi; rồi việc tăng giá điện cũng tăng lãi. Như vậy rõ ràng người dân, chuyên gia người ta có quyền hỏi có lãi nhưng sao vẫn tăng giá”- Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu, năm 2013, Bộ Công Thương phải cung cấp đủ điện cho nhân dân. Chất lượng điện phải tốt, không phập phù. Ngoài ra, phải thực hiện tiết kiệm điện và giảm tiêu hao điện.
“Năm 2012, tiêu hao điện giảm xuống 9%, vậy trong thời gian tới còn giảm xuống được nữa không. Tôi được biết, so với Thái Lan, mức tiêu hao điện của ta vẫn còn cao. Do đó, phải giảm mạnh hơn nữa. Đặc biệt là phải tiết kiệm điện trên một đơn vị sản phẩm. Ngành thép, xi măng tiêu thụ điện lớn, phải xem lại công nghệ để tiêu thụ ít đi, chính sách thế nào để các nhà sản xuất tiết kiệm điện” - Thủ tướng chỉ đạo.
Về giá xăng dầu, Thủ tướng cho rằng trong năm 2013, Bộ Công Thương cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn. Việc sửa đổi Nghị định 84 để giá xăng dầu theo giá thị trường cần phải được nghiên cứu, triển khai.
“Mục đích để giá xăng dầu phải minh bạch. Muốn thế, cơ chế, chính sách phải công khai, minh bạch. Làm sao để người dân không bức xúc nữa” - Thủ tướng nói.
Công nghiệp còn mù mờ
Trong năm 2013, Thủ tướng cho rằng, việc tái cơ cấu nền kinh tế, ngành Công Thương có vai trò rất quan trọng. Do đó, phải rà soát lại để xây dựng chiến lược ngành công nghiệp. Phải xác định hình hài công nghiệp Việt Nam là gì, là công nghiệp luyện kim, công nghiệp công nghệ cao hay công nghệ phụ trợ…
Giá điện, xăng dầu phải minh bạch hơn. Nói xăng dầu không lãi nhưng các lĩnh vực khác thuộc xăng dầu lại có lãi; rồi việc tăng giá điện cũng tăng lãi. Như vậy rõ ràng người dân, chuyên gia người ta có quyền hỏi có lãi nhưng sao vẫn tăng giá” (Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng)
“Tôi rất lo lắng về vấn đề này. Để thành nước công nghiệp còn mù mờ quá, chưa rõ nét. Do đó, đi liền với chiến lược là chính sách. Mình muốn phát triển ngành gì, chính sách ưu đãi cho ngành đó phải được tính cụ thể. Thực tế, suốt thời gian qua, nước ta ưu đãi mãi cho ngành công nghiệp ô tô nhưng hiện nay, ngành này chỉ mới dừng ở lắp ráp”- Thủ tướng nói.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận, năm 2013, nền kinh tế nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.
“Tăng trưởng công nghiệp chủ yếu vẫn còn theo chiều rộng, mức độ gia công còn cao, chưa được cải thiện nhanh, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp còn chậm, khả năng cạnh tranh một số sản phẩm hạn chế; thị trường trong nước phát triển chưa thực sự bền vững, công tác quản lý thị trường vẫn còn không ít bất cập, xuất khẩu tuy tăng trưởng ở mức cao nhưng chưa thực sự vững chắc”- ông Hoàng nói.
Đảm bảo hàng hóa Tết
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị Bộ Công Thương ngày 11-1.
Tại hội nghị, Thủ tướng chỉ đạo, ngành Công Thương phải bảo đảm hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán. Muốn kiểm soát được giá, trước hết, ngành phải cung ứng đủ hàng và nhân rộng hàng bình ổn giá.
“Tôi đánh giá cao TPHCM làm tốt việc này, góp phần cùng với cả nước kiềm chế lạm phát trong năm 2012. Hiện, hơn 40 tỉnh đã thực hiện hàng bình ổn giá rồi, tại sao không nhân ra cả nước”- Thủ tướng nói.
Năm 2013, để giải quyết hàng tồn kho, theo Thủ tướng phải tiếp tục mở rộng thị trường. Trước hết, phải mở rộng thị trường trong nước, triển khai đưa hàng hóa về thị trường nông thôn, áp dụng nhanh những mô hình tốt.
Ngoài ra, ngành Công Thương phải quản lý tốt thị trường. “Phải chống nạn buôn lậu, gian lận thương mại. Vì sao để hàng lậu tràn ngập Hà Nội thế này, cánh gà, chân gà lậu nhiều thế này? Còn trong nước là hàng giả, hàng kém chất lượng. Nếu không kiểm soát được sẽ rất nguy hại, đánh chết doanh nghiệp sản xuất đàng hoàng và ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Bộ Công Thương, lực lượng quản lý thị trường, địa phương cần hạn chế tối đa hàng lậu”- Thủ tướng chỉ đạo.
Hôm qua (11-1), EVN tổng kết hoạt động năm 2012. Báo cáo của EVN không nói rõ lợi nhuận cụ thể năm 2012 là bao nhiêu, chỉ nói EVN sản xuất kinh doanh điện có lãi, đã giảm lỗ lũy kế các năm trước được 3.500 tỷ đồng.
Trong năm 2012, giá xăng trong nước đã thay đổi tổng cộng 12 lần, trong đó có 6 lần tăng tổng cộng là 6.050 đồng/lít và 6 lần giảm giá tương ứng 3.700 đồng/lít. Như vậy, so với giá năm 2011, thì giá xăng 2012 đã tăng 2.350 đồng/lít. Năm 2012 Petrolimex lãi khoảng 20 tỷ đồng từ kinh doanh xăng dầu.
Hồng Lĩnh (Theo Tiền Phong)
End of content
Không có tin nào tiếp theo