Xã hội

Dân có thể kiện đòi đền bù thiệt hại do thuỷ điện xả lũ trái quy trình

Hàng ngàn hộ dân ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam đã phải hoảng loạn chạy tứ tán để tránh lũ vì tin đồn thất thiệt “vỡ đập thuỷ điện” ở thượng nguồn vào trưa 2.10.

Thực tế, đập không vỡ, nhưng do thuỷ điện xả lũ với lưu lượng lớn, nước hạ du dâng nhanh đến 4 mét trong tích tắc, xấp xỉ báo động 3; trong khi đó, chính quyền không thông báo kịp thời đến dân. Khi người dân tin lời đồn, hoảng loạn bỏ chạy, chính quyền mới dùng loa phóng thanh… “đuổi theo”, loan tin trấn an.

Tuy nhiên, ngay chiều và tối 2.10, lũ đã đổ về gây ngập lụt thật sự ở hạ du sông Thu Bồn, Vu Gia, người dân huyện Đại Lộc đã phải sơ tán 416 hộ dân với 1.602 nhân khẩu trong đêm 2.10.

Tại xã Đại Quang trong đêm 2.10 - rạng sáng ngày 3.10 có 70 nhà dân tại thôn Trường An phải chạy lũ.

Lũ thuỷ điện đã gây ngập cục bộ tại nhiều địa phương, nhiều tuyến giao thông quan trọng bị chia cắt trong tiết trời tạnh mưa. Chưa kể những thiệt hại vật chất nhãn tiền, lũ thuỷ điện rõ ràng đã làm tổn thương tinh thần, đánh mất sự bình an của người dân là không thể tính hết được bằng tiền.

Điều đáng nói là trong khi quy trình xả lũ liên hồ (trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành từ năm 2010 nhưng đến nay, khi hữu sự thì việc vận hành lại lúng túng, lộ diện những bất cập, sai phạm. Cụ thể ngày 2.10, trên cùng hệ thống sông Vu Gia, trong lúc thuỷ điện Đắk Mi 4 xả lũ với lưu lượng lớn 1.800m3/s - 2.744m3/s (sau đó giảm xuống còn dưới 1.000m3/s) thì thuỷ điện Sông Bung 4A cũng xả tràn với lưu lượng 500-1.000m3/s, thuỷ điện A Vương cũng xả lưu lượng 50- 150m3/s. Rõ ràng, nhiều hồ thuỷ điện xả cùng lúc, hạ du sẽ bị ngập lụt là điều không tránh khỏi.

Mặc dù quy chế vận hành liên hồ có quy định phải vận hành theo nguyên tắc và thứ tự ưu tiên là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình thuỷ điện trước tiên, sau đấy mới đến “góp phần giảm lũ cho hạ du đồng thời đảm bảo hiệu quả phát điện”. Tuy nhiên, cũng quy định việc xả lũ chỉ được bằng lưu lượng nước về. Thực tế ngày 2.10, lưu lượng nước về thuỷ điện Đắk Mi4 xấp xỉ 2.000m3/s, nhưng nhà máy thuỷ điện này lại xả đến 2.744m3/s.

Chưa hết, trong quy chế vận hành liên hồ đã ấn định thời gian thông báo xả lũ ít nhất phải trước 2 giờ đồng hồ; nhưng, Đắk Mi 4 đã bất tuân. Theo BCH PCLB TP.Đà Nẵng, Đắk Mi 4 xả lũ lúc 9h sáng 2.10, song đến 8h40 thì Đà Nẵng mới nhận được bản fax thông báo - nghĩa là địa phương hạ du chỉ có được 20 phút. Thời gian này sẽ không triển khai được bất cứ hoạt động ứng phó kịp thời nào.

Ngoài ra, thông báo xả lũ này còn “chơi chữ” bởi ghi là “nhà máy dự kiến điều tiết nước về các cửa tràn với lưu lượng 500-1.000m3/s”. Đây là bản thông báo vô trách nhiệm, không trung thực, gây hậu quả nặng nề, làm tổn thương, bất an hàng triệu dân vùng hạ du.

Theo Luật Tài nguyên nước, những thiệt hại vật chất và tổn thương về tinh thần do thuỷ điện gây ra, người dân vùng hạ du Quảng Nam có quyền kiện, đòi chủ công trình thuỷ điện Đắk Mi 4 bồi thường thiệt hại.

Theo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo