Quốc tế

Dàn khí tài giúp Syria đủ sức bắn hạ tên lửa hành trình

Lực lượng phòng không Syria sở hữu nhiều hệ thống tên lửa có khả năng bắn hạ tên lửa hành trình bay sát mặt đất.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 9/4 cho biết hai tiêm kích F-15I của không quân Israel đã phóng 8 tên lửa hành trình từ không phận Lebanon tấn công sân bay T-4 ở tỉnh Homs của Syria, nhưng 5 quả bị lực lượng phòng không Syria bắn hạ, Interfax đưa tin.

Lực lượng phòng không Syria có thể đã sử dụng những khí tài được chuyển giao từ thời Liên Xô cũng như mới đặt mua từ Nga trong vài năm gần đây để đánh chặn số tên lửa này, theo Sputnik.

S-125 Pechora

Hệ thống S-125 Neva/Pechora được Liên Xô phát triển để bổ sung lưới phòng không tầm trung, bên cạnh dòng S-25 Berkut và S-75 Dvina. So với tên lửa tiền nhiệm S-75 Dvina, S-125 có tầm bắn và trần bắn kém hơn, nhưng sở hữu khả năng đánh chặn mục tiêu cơ động như tiêm kích hay tên lửa hành trình tốt hơn.

Mỗi tổ hợp S-125 gồm 4 bệ phóng với tối đa 16 quả đạn trong tình trạng sẵn sàng phóng. Tên lửa 5V27 trên tổ hợp này có tầm bắn 35 km và trần bắn 18 km, tốc độ tối đa 4.320 km/h, rất phù hợp để đối phó với mục tiêu bay thấp như tên lửa hành trình.

ổ hợp S-125-2M được Nga chuyển giao cho Syria. Ảnh: Blogspot.

Vào thập niên 2000, Syria mua một số tổ hợp S-125-2M "Pechora-2M" được nâng cấp từ S-125. Hệ thống này có khả năng kết nối với những tổ hợp phòng không tầm xa như S-300, được trang bị nhiều cảm biến mới để phát hiện mục tiêu cả ngày lẫn đêm và trong điều kiện đối phương gây nhiễu mạnh.

Kính ảnh nhiệt trên phiên bản S-125-2M có thể phát hiện nguồn nhiệt từ động cơ tên lửa hành trình, tăng khả năng phát hiện mục tiêu vốn có diện tích phản xạ radar (RCS) thấp hơn nhiều so với tiêm kích. Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết Syria đang biên chế 148 bệ phóng S-125 Pechora và 12 bệ phóng S-125-2M.

9K317 Buk-M2E

Buk là hệ thống phòng không tầm trung tự hành do Liên Xô phát triển và được Nga cải tiến, nhằm thay thế những tổ hợp 2K12 Kub lạc hậu. Đây là một trong những vũ khí phòng không hiện đại nhất trong biên chế quân đội Syria hiện nay. SIPRI cho biết Damascus đã được Moscow bàn giao 5 tiểu đoàn Buk-M2E với tổng trị giá một tỷ USD trong giai đoạn 2010-2013.

Một hệ thống Buk-M2E tiêu chuẩn gồm 6 xe chở, phóng đạn và radar (TELAR) 9A317E. Mỗi xe TELAR được trang bị radar chiếu xạ và dẫn bắn 9S36E để tăng tính độc lập, cho phép tổ lái tự phát hiện và tấn công mục tiêu mà không cần dữ liệu từ đài chỉ huy trung tâm. Mỗi tổ hợp Buk-M2E có thể tấn công tối đa 24 mục tiêu cùng lúc trên nhiều hướng khác nhau.

 

Xe 9A317E được lắp 4 quả đạn tên lửa có tầm bắn tối đa 45 km, sử dụng nhiên liệu rắn với tốc độ tối đa 4.940 km/h. Mỗi quả đạn trang bị đầu nổ mảnh nặng 70 kg, kích hoạt bằng ngòi nổ chạm hoặc cận đích. Ngoài các loại máy bay và tên lửa hành trình bay thấp, tổ hợp Buk-M2E cũng có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật ở khoảng cách 20 km.

9K33 Osa

Osa là tổ hợp phòng không di động tầm ngắn, được Liên Xô thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu bay thấp như trực thăng và tên lửa hành trình. Trước khi nổ ra nội chiến, quân đội Syria sở hữu ít nhất 14 khẩu đội với 60 xe phóng đạn Osa.

Tổ hợp Osa-AK của Syria khai hỏa trong đợt diễn tập năm 2010. Ảnh: SANA.

9K33 Osa cũng là tổ hợp phòng không đầu tiên của Liên Xô được tích hợp radar nhìn vòng và điều khiển hỏa lực trên xe phóng đạn, giúp mỗi xe trở thành một ổ hỏa lực độc lập, không phụ thuộc đài radar dẫn bắn trung tâm. Phiên bản Osa-AK của Syria có tầm bắn 10 km, đủ sức tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 25 đến 5.000 m.

Mỗi xe bệ phóng có thể dẫn bắn hai quả đạn cùng lúc nhằm vào một mục tiêu, giúp đạt tỷ lệ diệt mục tiêu trong mỗi đợt khai hỏa lên tới 85%. Tên lửa 9M33M3 được trang bị đầu nổ mảnh 19 kg, cùng ngòi nổ chạm và cận đích, cho phép tiêu diệt mục tiêu trong bán kính 5 m quanh quả đạn ở độ cao nhỏ.

 

9K35 Strela-10

Strela-10 là tổ hợp tên lửa tầm ngắn có khả năng cơ động cao, sử dụng cơ cấu ngắm bắn quang học - hồng ngoại, được biên chế từ giữa thập niên 1970 tới nay. Mỗi xe phóng đạn được trang bị 4 tên lửa tầm nhiệt 9M37 hoặc 9M333 với tầm bắn tối đa 5 km, trần bắn 3,5 km.

Tổ hợp Strela-10 của Ba Lan, tương tự phiên bản trong biên chế Syria. Ảnh: Wikipedia.

Xe phóng đạn được lắp một radar đo xa, nhằm xác định khoảng cách phóng tên lửa tối ưu. Nhờ sử dụng đầu dò hồng ngoại, quả đạn không bị ảnh hưởng bởi các phương pháp gây nhiễu của đối phương, đủ sức bám bắt và tiêu diệt tên lửa hành trình có tiết diện phản xạ radar rất nhỏ.
Lực lượng phòng không Syria được cho là sở hữu 55 bệ phóng Strela-10 và phiên bản Strela-1 cũ hơn trong biên chế.

Pantsir-S1

Pantsir-S1 là tổ hợp pháo - tên lửa phòng không hỗn hợp được Nga phát triển để đối phó với các mối đe dọa trong thế kỷ 21. Nhiệm vụ chính của Pantsir-S1 là bảo vệ cơ sở hạ tầng và công trình quân sự, các trung đoàn tăng thiết giáp và bộ binh cơ giới, cũng như những hệ thống phòng không tầm xa như S-300 và S-400.

 

Một xe chiến đấu Pantsir-S1 gồm hai pháo tự động 2A38M cỡ nòng 30 mm với tốc độ bắn 5.000 phát/phút, trang bị 1.500 viên đạn nổ mảnh hoặc xuyên giáp với tầm bắn tối đa 4 km. Ngoài ra, Pantsir-S1 còn mang 12 tên lửa tầm ngắn 57E6 có khả năng diệt mục tiêu từ cách 20 km.
Biến thể Pantsir-S1 cơ bản được trang bị radar mảng pha quét điện tử thụ động, cho phép phát hiện và theo dõi nhiều mục tiêu cùng lúc. Hệ thống này có khả năng khai hỏa pháo và tên lửa trong khi di chuyển.

Quân đội Syria bắt đầu nhận bàn giao các tổ hợp Pantsir-S1 từ năm 2012. Tới nay, có ít nhất 50 xe chiến đấu Pantsir-S1 đã được nước này đưa vào biên chế.

Nên đọc
Theo VnExpress
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo